Những tấm bia tri ân
Thời gian gần đây, Ban liên lạc Sư đoàn 320 đãvận động, quyên góp xây dựng bia di tích tại chiến trường xưa, nhằm tái hiện dấu tích lịch sử, ghi nhớ công lao các chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh. Với sự nỗ lực của các CCB, 4 nhà bia tưởng niệm ở Chư Bồ - Đức Cơ (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum) và Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đã hoàn thành và trở thành biểu tượng của tình đồng đội. Vào các ngày lễ và kỷ niệm chiến thắng, nhiều cựu binh Sư đoàn 320 và người dân địa phương đã về dâng hoa, dâng tương tại các nhà bia để tưởng nhớ những người ngã xuống vì hòa bình, độc lập.
Bốn nhà bia tưởng niệm được hoàn thành là kết tinh của những tấm lòng đậm tình ân nghĩa của các cựu binh Sư đoàn 320 đang sinh sống khắp mọi miền đất nước, trong đó có những cựu binh xứ Nghệ. Ở đây, phải kể đến cựu binh Lê Mạnh Hải - Trưởng Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An - Hà Tĩnh, người có nhiều đóng góp để hoàn thành các nhà bia.
Là một doanh nhân thành đạt, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xây dựng, ông Hải đã đóng góp một khoản kinh phí lớn, hỗ trợ máy móc, phương tiện cơ giới cùng các đồng đội xây dựng các nhà bia khắc ghi chiến công và tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. “Để có cuộc sống hôm nay, bao đồng đội của mình đã ngã xuống. Điều đó thôi thúc tôi trở lại chiến trường xưa, không tiếc thời gian, công sức và kinh phí xây dựng bia tri ân đồng đội, từ đó tôi thấy lòng mình thanh thản hơn”, ông Lê Mạnh Hải tâm sự.
Cùng với ông Lê Mạnh Hải, nhiều cựu binh ở Nghệ An đã không quản ngại tuổi cao, lên đường vào huyện Sa Thầy, Kon Tum để xây dựng các cụm bia tưởng niệm tại cao điểm 1015 có tên gọi đồi Sạc Ly và cao điểm 1049 có tên gọi cứ đểm Đen Ta. Các cựu binh luôn khắc ghi trong tim hình ảnh buổi lễ xuất quân của gần 30 thành viên lên đường vào trận địa cũ, chiến trường xưa để dựng bia tưởng niệm đồng đội. Các cựu binh này đều ở độ tuổi 64 - 72, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn hăng hái, nhiệt tình với hành trình tri ân đồng đội.
Thậm chí, có những người như ông Nguyễn Hữu Chất ở xã Xuân Hòa (Nam Đàn) đang điều trị ung thư trực tràng vẫn xin được đi cùng cả tháng trời để động viên, chia sẻ cùng đồng đội. Ngày khánh thành bia ông Chất lại tiếp tục vào tận Kon Tum để hòa chung niềm vui. “Nghĩa tình đồng đội đã thôi thúc tôi lên đường, mặc cho bệnh tật hành hạ. Mình có may mắn được trở về với gia đình nên không bao giờ được phép quên những người ngã xuống”, ông Chất bộc bạch.
Còn vợ chồng ông Trần Văn Quỳ ở xã Hưng Thành (Hưng Nguyên) đều vượt ngưỡng tuổi 70, đều là thương binh cũng xung phong lên đường. Ông Quỳ nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 320 từ năm 1971, cùng đơn vị chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên và tiến về giải phóng Sài Gòn. Trên hành trình chiến đấu, ông Quỳ không thể nhớ hết những lần chứng kiến đồng đội hy sinh để đơn vị lập công, góp phần làm nên chiến thắng. Vì thế, khi vẫn còn sức lực ông đã trở lại trận địa cũ hàng tháng trời, tự tay mình đặt những viên gạch để xây những tấm bia tưởng niệm.
Vượt rừng tìm đồng đội
Trở về từ chiến trường, không ít người lính chiến luôn đau đáu vì đồng đội đang nằm lại nơi bìa rừng, dốc núi. Nỗi nhớ thương đã thôi thúc những bước chân cựu binh đi tìm đồng đội và cung cấp thông tin cho các đơn vị quy tập. CCB Nguyễn Xuân Cầm (SN 1951) ở xóm 1, xã Diễn Cát (Diễn Châu) từng có mặt trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 57 (Quân khu 4). Trong thời gian vào sinh ra tử ở chiến trường Quảng Trị, người cựu binh ấy không ít lần chứng kiến sự hy sinh và tự tay chôn cất đồng đội ngã xuống. Dù mang thương tật nhưng ông Cầm có niềm may mắn được trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương, nhưng ông vẫn luôn khoắc khoải nhớ thương những đồng đội đang nằm lại ở khắp chiến trường.
Nỗi khắc khoải và nhớ thương đã thôi thúc ông Cầm thực hiện những việc làm ý nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau cho những thân nhân liệt sĩ. Năm 2013, ông bàn với gia đình liệt sĩ Võ Văn Tùng (hy sinh năm 1970) vào Quảng Trị tìm mộ, bởi ông Cầm và liệt sĩ Tùng là bạn đồng niên, cùng quê, cùng nhập ngũ một ngày và chiến đấu cùng một đại đội. Và cũng chính ông Cầm là người mai táng liệt sĩ Tùng khi bị trúng mảnh bom hy sinh ở điểm chốt 402. “Cuộc tìm kiếm mộ đồng đội hết sức gian nan, mất một ngày lội suối, băng đèo mới tìm đến cao điểm 402, nơi anh Tùng hy sinh. Chúng tôi phải giữ khoảng cách giữa mỗi người 15m đề phòng đạp phải mìn còn sót lại, cuối cùng cũng đưa được hài cốt anh ấy về an táng ở quê hương”, ông Cầm kể lại.
Không chỉ ông Nguyễn Xuân Cầm, trong những năm qua ở Nghệ An đã có hàng chục CCB tự nguyện vào chiến trường xưa tìm mộ đồng đội, giúp đỡ nhiều gia đình vơi nỗi đau thương, mất mát. Điển hình là ông Nguyễn Tất Triển ở phường Trung Đô (thành phố Vinh) đã nhiều lần đến các Nghĩa trang vùng Trị - Thiên ghi tên từng liệt sĩ quê Nghệ An rồi phân chia theo từng huyện, gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương, nhờ chuyển về từng gia đình. Ông Từ Viết Thư ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) đã nhiều lần vào mặt trận Quảng - Đà xưa và tìm được hàng chục mộ liệt sĩ; ông Lê Văn Thuyết ở xã Hưng Hòa (thành phố Vinh) cũng tìm được hàng chục ngôi mộ liệt sĩ ở chiến trường Quảng Trị; ông Đậu Văn Minh ở phường Nghi Thủy (thành phố Vinh) đã trực tiếp chỉ dẫn cho gia đình ông Mai Thanh Dương đưa hài cốt anh trai là liệt sĩ Mai Thanh Sơn về quê an táng…
Là cựu binh nhập ngũ sau năm 1975, với niềm tri ân sâu nặng, ông Đặng Quang Huynh ở xã Diễn Thọ (Diễn Châu) đã có một việc làm hết sức ý nghĩa. Ông Huynh đã hai lần vào Quảng Trị, đi khắp các nghĩa trang và chụp ảnh những tấm bia liệt sĩ người Nghệ An. Tổng cộng có hơn 700 bức ảnh được in và gửi về cho các gia đình, địa phương theo thông tin trên bia mộ. Nhờ vậy, một số gia đình đã tìm được mộ của người thân.
Từ năm 2017, Hội CCB và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cột liệt sĩ. Mục đích của chương trình nhằm phát huy vai trò của cựu chiến binh và tổ chức Hội các cấp tích cực tham gia cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ để nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ khi phát động đến nay, Hội CCB tỉnh đã nhận được thông tin của nhiều phần mộ liệt sĩ do các hội viên cung cấp.
Đại tá Nguyễn Duy Cần - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Việc tìm kiếm mộ liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm của các CCB đối với đồng đội đã hi sinh. Trong những năm qua, Hội CCB các cấp đã vận động nhiều hội viên vào chiến trường xưa tìm mộ đồng đội và cung cấp thông tin quan trọng cho các đoàn quy tập…”./.