Thế là các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ để dâng lên vua cha với hi vọng mình sẽ được nhận ngai vàng. Riêng người con thứ 18 của Vua Hùng là Lang Liêu, vì mẹ mất sớm không có ai bày vẽ cho nên rất lo lắng không biết làm thế nào để có lễ vật dâng lên vua cha. Đang khi bối rối thì có một đêm, trong giấc ngủ, Lang Liêu mơ thấy gặp một vị thần, Lang Liêu hỏi thì thần nói rằng: “Con ạ! Trong trời đất không có gì quý bằng gạo vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng hình trời và đất, rồi sau đó hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh để tượng hình cha mẹ sinh thành”. Nghe vậy, Lang Liêu rất mừng rỡ và làm theo lời thần dặn. Lang Liêu đã chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng cho đất, bỏ vào chõ rồi chưng cho chín, gọi là bánh chưng. Rồi Lang Liêu giã nếp làm bánh tròn tượng trưng cho trời, gọi là bánh dày. Lá xanh thì bọc ở ngoài, nhân thì ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều mang đến cho vua các thứ quý giá nhất như ngà voi, ngọc trai,... Đến khi Vua Hùng nếm thử bánh của Lang Liêu, thấy vị ngọt ngọt, bùi bùi, hương vị trời đất như giao hòa, quyết định chọn lễ vật của Lang Liêu. Vua truyền ngôi lại cho Lang Liêu, sau đó phổ biến loại bánh của Lang Liêu cho toàn dân. Từ đó, phong tục làm bánh chưng ngày tết đã ra đời và kéo dài cho đến tận ngày nay.
Từ đó đến nay, mỗi khi tết đến xuân về dù người Việt ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ ngày tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng tổ tiên. Có thể nói trong tâm thức người Việt, truyền thống nấu bánh chưng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bánh chưng không đơn thuần là món ăn đặc trưng của dân tộc mà đã trở thành nét đẹp của con người Việt Nam và mang ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Là món ăn truyền thống của người Việt, bánh chưng được ví như linh hồn của bữa cơm ngày trọng đại, đặc biệt là ngày tết. Từ rất lâu bánh chưng đã xuất hiện ở mâm cỗ để thờ cúng, thể hiện sự biết ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, từ đó đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho con người. Không những thế, chiếc bánh chưng xanh còn gợi cho ta nhớ đến niềm mơ ước an cư, lạc nghiệp của con người, bánh chưng có nhân nhụy vàng, thịt mỡ chín,... là màu mỡ của lúa chín đồng quê, của đời sống chăn nuôi yên vui của xóm làng.
Bên cạnh đó, chiếc bánh chưng còn gói ghém trong đó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài bánh chưng là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn,...
Bánh chưng tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ mình. Vì thế mà phong tục dùng bánh chưng là quà biếu dâng lên cha mẹ cũng từ đây mà có.
Trong ngày tết cổ truyền, hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thật là đẹp và ý nghĩa. Một cái tết sẽ không trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng.
Có thể nói bánh chưng đã trở thành một nét văn hóa, một món ăn truyền thống và lâu đời ở Việt Nam. Nét độc đáo này đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Dù ai ở xa quê cũng đều mong được về nhà để ngồi bên nồi bánh chưng mỗi dịp giao thừa đón năm mới./.