NGHỆ THUẬT ĐẶT TÊN BÀI BÁO CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Thứ năm - 20/06/2024 03:24 72 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lỗi lạc. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã sử dụng báo chí như một vũ khí đấu tranh tư tưởng sắc bén. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói một vấn đề nhỏ trong nghệ thuật viết báo của Người: Cách Người đặt tên cho bài báo.
Trước hết, có thể nói nguồn tên bài báo của Người rất phong phú, đa dạng. Phần lớn các bài báo của Người đều viết theo thể loại tiểu phẩm, do đó, xu hướng đặt tên bài báo của Người là dựa vào văn học dân gian, văn học cổ điển, mà trong văn học dân gian thì chủ yếu Người dựa vào tục ngữ, thành ngữ, ca dao mà quần chúng Nhân dân hay dùng.
Như chúng ta đã biết, “tục ngữ là một thể loại của văn học dân gian nhằm đúc kết những kinh nghiệm, tri thức của Nhân dân dưới hình thức những câu ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ. Thành ngữ là những cụm từ mang ý nghĩa cố định đã quen dùng”. Khi đặt tên cho bài báo, phần lớn Người dựa vào thành ngữ, tục ngữ, bởi vì nghĩa của thành ngữ, tục ngữ thường thiên về nghĩa bóng cho nên tên bài báo của Người gợi ngay cho người đọc những điều Người định nói trong bài báo.
Cách thứ nhất: Người dùng nguyện vẹn tục ngữ, thành ngữ, ca dao để đặt  tên cho bài báo của mình.
Chẳng hạn trên báo Nhân dân ngày 6/4/1959, Người có bài  Cha chung không ai khóc, khi đọc tên bài báo này, người đọc sẽ hiểu là Người muốn nói về vấn đề tinh thần trách nhiệm đối với của công, với những cái thuộc về cái chung, cái của cộng đồng, xã hội. Hoặc như trên báo Nhân dân ngày 12/4/1966 Người có bài Vừa ăn cướp, vừa la làng vạch trần bản chất xấu xa, bộ mặt giả dối của đế quốc Mỹ vừa đem quân sang xâm lược Việt Nam một cách trắng trợn, vừa lu loa trên thế giới rằng: “Miền Bắc đem quân vào xâm lược miền Nam”. Tính tư tưởng của tên bài báo này rất rõ ràng, tên bài báo đồng thời cũng là lời lên án đanh thép tội ác của kẻ thù. Hay trên báo Nhân dân ngày 15/12/1961 Người có bài Cõng rắn cắn gà nhà tố cáo bộ mặt bán nước của bè lũ Ngô Đình Diệm và tay sai, rước Mỹ vào xâm lược, làm nhân dân miền Nam cực khổ.v.v.
Cách thứ hai: Người không giữ nguyên văn mà thêm bớt, sửa đổi, lược bỏ hoặc biến dạng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ vốn có sẵn rồi dùng nó để đặt tên cho bài báo của mình, từ đó, Người trình bày được nội dung vấn đề mà mình muốn đề cập đến.
Chẳng hạn, muốn nói rõ thực trạng xã hội Mỹ những năm 40, 50 của thế kỷ XX là tỷ lệ giàu nghèo quá chênh lệch, người giàu thì ngày càng giàu, người nghèo thì ngày càng nghèo, trên báo Nhân dân ngày 29/3/1954, Người có bài Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Đây vốn là câu ca dao “Trời sao trời ở bất cân/ Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Người đã suy nghĩ, cân nhắc, cuối cùng Người đã lược bỏ câu lục, chỉ giữ lại câu bát làm tên bài báo: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra.
Hoặc khi muốn phê phán những người thường có lập trường không vững vàng, không có chủ kiến, không có ý kiến riêng của mình, luôn bị động cho nên hay thay đổi ý kiến theo người khác, cuối cùng chẳng đạt kết quả gì, trên báo Nhân dân ngày 15/7/1960, Người có bài báo Anh Sâm đẽo cày giữa đường, ở đây Người đã thêm hai chữ “Anh Sâm” vào trước thành ngữ “đẽo cày giữa đường” để đặt tên cho bài báo của mình…
Cách thứ ba: Người lựa chọn một số câu trong các tác phẩm văn học cổ điển như Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều v.v… có sửa chữa chút ít rồi đặt tên cho bài báo của mình. Ví dụ: “Những điều trông thấy mà khoan khái lòng” (Báo Nhân dân ngày 16/2/1962). Nguyên văn câu của Truyện Kiều là “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, ở đây bỏ câu lục, thay từ “đau đớn” trong câu bát bằng từ “khoan khoái” rồi đặt tên cho bài báo. Hoặc khi muốn vạch trần bản chất xấu xa, gian trá, xảo quyệt, lừa lọc của bọn đế quốc Mỹ, Người có bài Bề ngoài thơn thớt nói cười (Báo Nhân dân ngày 1/7/1953). Nguyên văn trong Truyện Kiều là “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”, Người đã lược bỏ câu bát, giữ lại câu lục làm tên bài báo.
Cách thứ tư: Để tạo ra cái nhìn hài hước, hóm hỉnh, tỏ rõ sự đả kích, châm biếm của tác giả, Người đã dùng cách chơi chữ để đặt tên bài báo. Ví dụ: Đế quốc Mỹ bi và bí (Báo Nhân dân ngày 7/3/1964), ở đây Người đã dùng cách láy âm “bi”“bí”, hoặc Mỹ mà không đẹp (Báo Nhân dân ngày 1/8/1963), ở đây Người đã dùng cách chơi chữ, từ “Mỹ” vốn là một từ Hán Việt nghĩa là “đẹp”, nhưng Người đã khai thác “Mỹ - không đẹp” để làm tên bài báo, hoặc Mắc-na-ma-ra thành  Mặt-nạ-ra-ma (Báo Nhân dân ngày 8/4/1964).
Cách thứ năm: Người lấy những câu nói có tính chất khoe khoang, bịp bợm của địch để đặt tên cho bài báo. Ta biết bọn Mỹ hay khoe khoang, “Mỹ là đất nước của Thần tượng Tự Do”, Người đã dựa vào lời khoe khoang đó để đặt  tên bài báo Đất nước của Thần tượng Tự Do đang phá hoại Tự do của nước khác (Báo Nhân dân ngày 3/4/1954), hoặc nước Mỹ thường tự vỗ ngực khoe khoang “Mỹ là quốc gia văn minh nhất thế giới” thì Người đã dựa vào lời khoe khoang đó để đặt tên cho bài báo Văn minh kiểu Mỹ (Báo Nhân dân ngày 15/1/1951) v.v…
Có thể nói, dù đặt tên bài báo bằng cách nào thì bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết báo bằng lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, bằng ý chí cách mạng để chống lại chế độ thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Học tập Người, mỗi nhà báo hãy “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”, hướng ngòi bút vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, của nhân dân.
 

Tác giả bài viết: Mạnh Thắng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây