BÀI HỌC THỨ NHẤT: Kịp thời nắm bắt thời cơ.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định rằng thời cơ là một vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt trong nghệ thuật chỉ đạo cách mạng. "Muốn có thời cơ thì phải biết tạo ra thời cơ và khi thời cơ đến thì phải tận dụng và tranh thủ thời cơ, không được bỏ lỡ" (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 3 - trang 91). Đúng như vậy, cách mạng tháng tám là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Đảng ta.
Đảng ta đã từng xác định: "Thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là thời điểm hội tụ những điêu kiện chủ quan và khách quan chín muồi cho phép phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành thẳng lợi. Do đó việc đánh giá và xác định đúng thời cơ, có hành động kịp thời là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng”. (Trường Chinh - về cách mạng tháng Tám). Nói đến thành công của cách mạng tháng Tám các nhà nghiên cứu đã nói đến việc nắm bắt và vận dụng thời cơ tài tình của Đảng ta. Bởi vì trên thực tế, thời cơ để phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa lúc đó là rất lớn, thể hiện ở 4 vấn đề như sau:
Thứ nhất, lúc bấy giờ (8/1945) tình thế đã hoàn toàn khác với thời điểm ngày 9/3/1945 (khi Nhật đảo chính Pháp). Lúc đó (3/1945) Đảng ta đã có chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" (12/3//1945) trong đó Đảng ta đã nhận định rằng những điều kiện khởi nghĩa CHƯA THỰC SỰ CHÍN MUỒI bởi vì một là Pháp và Nhật chưa chia rẽ nhau một cách quyết liệt, Pháp và Nhật đều chưa hoang mang đến cực điểm, hai là cần có thêm thời gian tuyên truyền để sự giác ngộ và đồng lòng của nhân dân đạt đến mức cao nhất, ba là lực lượng của ta chưa được chuẩn bị đủ và chưa sẵn sàng hành động. Nhưng đến tháng 8/1945 thì TÌNH THẾ ĐÃ THAY ĐỔI HẲN: Pháp chưa nắm lại được chính quyền, Nhật thì hoang mang cực độ, nhân dân đã tự giác vùng lên đấu tranh.
Thứ hai, về mặt chủ trương mà nói thì trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8/1945), Đảng ta đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương nhằm củng cổ lực lượng, chuyển hướng đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, trên báo Cờ giải phóng (17/7/1945) đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói rõ: "Khẩu hiệu chiến lược cách mạng thì phải đề ra một cách hết sức khách quan, phải căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn". Đây thực sự là một định hướng quan trọng, một định hướng lớn cho phong trào cách mạng nước ta.
Thứ ba, lực lượng cách mạng đã được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng hành động. Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Minh (tháng 5/1941), mở nhiều lớp huấn luyện quân sự, chính trị, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (12/1944) tuyên truyền, giác ngộ, vận động và tập hợp quần chúng nhân dân sẵn sàng hành động.
Thứ tư, xét về các chỉ đạo cụ thể và các việc làm cụ thể. Tháng 8/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành mệnh lệnh khởi nghĩa công bố Quân lệnh số 1 của ủy ban khởi nghĩa. Tiếp đó, họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 - 15/8/1945), tổ chức Đại hội quốc dân ở Tân Trào (16/8/1945) Đại hội đã quyết định toàn dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, bầu ủy ban dân tộc giải phóng, thông qua Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới, v.v...
Như vậy, Đảng ta đã thấy rõ thời cơ của một cao trào mang tính quyết định của cách mạng đã đến. Bài học về nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, vận dụng thời cơ trong cách mạng tháng tám là rất quan trọng, là bài học rất quý giá. Nếu kể từ khi Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra (đêm 13/8/1945) đến khi khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn (25/8/1945) thì thời gian đó chỉ là 12 ngày. Các nhà chính trị thế giới đã coi cách mạng tháng Tám như là một cuộc nổi dậy chớp nhoáng và thành công ngoạn mục.
BÀI HỌC THỨ HAI: Bài học về xây dựng Đảng.
Đảng ta đã đảm nhận vai trò lãnh đạo cách mạng và luôn luôn được rèn luyện qua muôn ngàn gian khổ. Chỉ trong 15 năm (1930 - 1945) Đảng ta đã trải qua bốn cuộc vận động cách mạng lớn: Cao trào Xô viết Nghệ Tình (1930 - 1931), Đấu tranh khôi phục phong trào cách mạng (1932 - 1935), Đấu tranh trong mặt trận dân chủ (1936 - 1939), Cao trào cách mạng trực tiếp giành chính quyền (1940 - 1945). Đảng đã được xây dựng và lớn mạnh về mặt chính trị, đề ra được cương lĩnh, đường lối và các chương trình hành động đúng đắn, phù họp với từng giai đoạn cách mạng. Đảng đã tổ chức được bộ máy rộng khắp để giác ngộ, xây dựng quần chúng cách mạng. Mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố ác liệt, nhiều tổ chức Đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ Đảng viên bị bắt, bị giết hại nhưng Đảng vẫn củng cố, kiện toàn lại các tổ chức, vẫn nhen nhóm lại được ngọn lửa cách mạng (chỉ 15 năm mà có đến 4 Tổng Bí thư của Đảng bị sát hại là Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy tập, Nguyễn Văn Cừ). Có thể nói sức mạnh vô địch của Đảng là kết quả của quá trình kiên trì xây dựng Đảng. Nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng mà Đảng đã xây dựng được khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lực lượng Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, cũng nhờ đó mà Đảng đã nắm bắt được một cách nhanh nhạy tình hình trong nước, ngoài nước để chóp đúng thời cơ, huy động được mọi lực lượng giành chính quyền.
Trong bài học về xây dựng Đảng, cần nhấn mạnh một vấn đề quan trọng tưởng như không mới nhưng thực ra không bao giờ cũ, đó là vấn đề chất lượng Đảng viên. Tháng 8/1945 Đảng ta chỉ có gần 5000 Đảng viên thế mà Đảng đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân cả nước làm nên cách mạng tháng Tám thành công. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều mà phải có cái chất của người Đảng viên. Mỗi người Đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phái hiểu rằng mình vào Đảng là để làm đầy tớ cho nhân dân" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, trang 292).
BÀI HỌC THỨ BA: Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Đảng ta nắm rất vững quan điểm "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" cho nên ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta rất chú trọng đến việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất như: Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Mặt trận phản đế (1939 - 1941), đặc biệt với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh (thành lập ngày 19/5/1941) đã đảm bảo cho khối đại đoàn kết dân tộc được xây dựng vững chắc và sâu rộng. Nhờ chủ trương đoàn kết toàn dân không phân biệt tôn giáo, xu hướng chính trị, không phân biệt giai cấp, v.v... mà Mặt trận Việt Minh đã trở thành hạt nhân quy tụ, tập họp mọi tầng lớp nhân dân vào hàng ngũ của mình để đồng lòng đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, tham gia khởi nghĩa đem đến thành công của cách mạng tháng Tám 1945.
Trên đây là những bài học chủ yếu rút ra từ cách mạng tháng Tám 1945. Có thể nói, thắng lợi của cách mạng tháng Tám là thành quả tất yếu của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy hi sinh gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng. Hơn ba phần tư thế kỷ đã trôi qua nhưng những bài học từ sự kiện lịch sử này vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp, đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước ta hiện nay./.