Oanh liệt chiếm đánh căn cứ Lai Khê
Với Nguyễn Thành Đồng ở thôn 3 xã Tào Sơn, Anh Sơn, là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử ấy, đôi mắt ông lại rưng rưng, ngấn lệ. Xen lẫn trong niềm tự hào của người lính khi được đóng góp sức mình vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc là cảm xúc bùi ngùi, xúc động khi nhớ lại những đồng chí, đồng đội đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường. Nói về những năm tháng ấy, CCB Nguyễn Thành Đồng kể rành rọt từng chi tiết trận đánh đáng nhớ nhất mà ông cùng đồng đội thuộc tiểu đoàn 4, trung đoàn 165, sư đoàn 312 triển khai vào ngày 30/4/1975. Khi đó sư đoàn 312 của ông được giao nhiệm vụ đánh vào căn cứ Lai Khê. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, căn cứ Lai Khê là một trong những “lá chắn” vững chắc của địch, gây nhiều khó khăn cho quân giải phóng trên đường tiến về Sài Gòn. Đây là nơi địch bố trí hàng ngàn tên lính thiện chiến được trang bị đầy đủ khí tài quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ. Ông Đồng nhớ lại: Lúc đó với tinh thần tất cả cho phía trước, tất cả cho chiến thắng, mọi công tác chuẩn bị của các lực lượng phía trước và phía sau đều rất khẩn trương. Cùng với đó tin chiến thắng dồn dập của quân và dân ta từ Tây nguyên, Dầu Tiếng, Đà Nẵng, Huế… đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường miền Nam. Đến ngày 28/4/1975, Sư đoàn 312 của ông đã áp sát, bao vây căn cứ Lai Khê. Trước vòng vây ngày càng siết chặt của quân giải phóng, sáng 29/4, từ căn cứ Lai Khê, địch điều động 70 xe tăng, thiết giáp, xe tải nhằm thẳng vào các chốt của ta. Tuy nhiên, các chốt không những không hề suy suyển mà còn được củng cố vững chắc hơn để quyết tâm ngăn địch tháo chạy. Ông Đồng nhỡ rõ từng chi tiết: Giờ phút lịch sử đã đến, 4 giờ 30 sáng ngày 30/4 các lực lượng vũ trang của ta đồng loạt nả pháo dữ dội vào căn cứ Lai Khê. Đến 6 giờ 30 trước sự tấn công như vũ bão của quân chủ lực, căn cứ Lai Khê nhanh chóng tan rã. Căn cứ Lai Khê, nơi tập trung binh hùng tướng mạnh, khí tài chiến tranh hiện đại nhất của chế độ Sài Gòn đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Kể đến đây mắt ông Đồng sáng bừng lên khoe chiến tích: Tại căn cứ Sư đoàn bộ binh ngụy ở Lai Khê, ông cùng đồng đội đã bắt sống 7.303 tên, trong đó có 1.000 tên sĩ quan, thu 1.000 súng các loại, hơn 200 xe quân sự, 10 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu 155 ly. Việc xóa sổ căn cứ Lai Khê, là một thắng lợi vẻ vang đó đã góp phần cùng quân và dân toàn miền giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Giọng ông Đồng như nghẹn lại, ông nói: “Cho đến khi được thông báo đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi ôm ghì lấy nhau khóc, cùng nhau hát vang những bài ca chiến thắng. Cảm xúc lúc ấy thật không có gì diễn tả hết. Đại thắng mùa Xuân 1975 và giây phút lá cờ Tổ quốc bay trên nóc Dinh Độc Lập ngày ấy sẽ mãi mãi in sâu trong ký ức của ông”.
Sau chiến dịch HCM lịch sử, CCB Nguyễn Thành Đồng tiếp tục hành quân chiến đấu tại biên giới phía Bắc, sau đó về công tác tại sư đoàn 312 quân đoàn 1 tại sân bay Nội Bài. Trải qua nhiều cương vị công tác, năm 2000 ông về làm chính trị viên ban chỉ huy quân sự huyện Anh Sơn và về hưu năm 2013. Trở về địa phương, ông tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương. Hiện nay ông là một bí thư chi bộ gương mẫu, được cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con nhân dân kỉnh nể. Những ngày lễ, ngày kỉ niệm của đất nước, các trường học trên địa bàn huyện thường mời ông đến kể chuyện lịch sử, truyền thống yêu nước. Những câu chuyện hào hùng, xúc động gắn với chiến dịch 30/4/1975 mà ông cùng đồng đội tham gia luôn được ông kể lại cho lớp lớp học sinh huyện Anh Sơn nghe.
Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng
“49 năm về trước, không khí sục sôi, dồn dập khắp các chiến trường miền Nam, tiếng bom đạn xa dần theo vĩ tuyến 17 với bước tiến của quân ta, tin chiến thắng báo về từ nhiều nơi qua chiếc radio nhỏ, niềm tin thống nhất, Nam - Bắc một nhà càng làm cho chúng tôi rạo rực và vững chắc hơn...” Đó là những ký ức không thể nào quên đối với ông Nguyễn Công Hoàn thôn 8 xã Phúc Sơn, Anh Sơn mỗi dịp tháng Tư về.
Trong tâm trí của CCB Nguyễn Công Hoàn, những kỷ niệm về không khí quyết tâm giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ CHí Minh như vẫn còn vẹn nguyên, những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng dân tộc, non sông thu về một mối ấy không bao giờ phai mờ. CCB Nguyễn Công Hoàn nhớ lại: Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng có lẽ, kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên đó là thời gian ông tham gia chiến đầu ở sư đoàn 325, quân đoàn 2, khi đó ông được phân công làm đại đội trưởng. Vào 7 giờ ngày 26/4/1975, sư đoàn của ông và các sư đoàn khác trong Quân đoàn 2 bắt đầu tấn công trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Chiều ngày 26/4, tất cả mục tiêu của địch ở phía vòng ngoài để bảo vệ nội đô Sài Gòn ở hướng Đông Nam đều bị Quân đoàn 2 tiêu diệt. Sau khi chiếm được khu vực Nhơn Trạch, sáng sớm ngày 29/4, theo đúng kế hoạch đã định pháo 130mm của sư đoàn ông đã nã liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khống chế sân bay, không cho quân địch chạy thoát. Lúc này, sân bay Tân Sơn Nhất chìm ngập trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng và máy bay của địch bị phá hỏng. Tiếng pháo của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gầm vang khắp nội đô Sài Gòn, khiến quân địch khiếp đảm. Trong ngày 30/4/1975 Sư đoàn 325 của ông có nhiệm vụ vượt phà Cát Lái đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Sài Gòn, Nhà Bè. Trong những giờ phút mà khí thế chiến thắng của quân ta đang lên như nước vỡ bờ thì chúng tôi nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh này đã tiếp thêm sức mạnh khiến toàn bộ anh em chiến sĩ tham gia chiến dịch thêm quyết tâm chiến đấu để sớm giải phóng miền Nam. Ông kể: Khi chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc, non sông đất nước đã thống nhất.
Ông Nguyễn Công Hoàn bồi hồi kể lại trận đánh của đơn vị ông năm xưa
Từ chiến trường, ngoài những ký ức khốc liệt mà hào hùng của một thời lửa đạn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những kỷ vật quý báu mà ông Nguyễn Công Hoàn còn lưu giữ là những tấm hình, cuốn nhật ký đã phai màu, chiếc bi đông, chiếc ba lô... những kỷ vật đó sẽ theo ông đến suốt cuộc đời còn lại bởi đó là máu và nước mắt một thời của ông.
Những năm tháng hào hùng không thể nào quên
Những kỷ vật của lịch sử, máu và nước mắt một thời của ông Nguyễn Công Hoàn
Với CCB Võ Hồng Quang ở thôn Đỉnh Hùng, xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, mỗi khi nhớ về những ngày tháng hào hùng đó đều không giấu được xúc động. Ông tự hào, chậm rãi kể lại: Từ năm 1972 đến giữa năm 1973, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ rời chiến trường miền Đông, cơ động về tác chiến trên chiến trường Tây Nam Bộ. Mặc dù chưa quen tác chiến ở địa bàn sông nước, song bằng ý chí quyết tâm cao độ, với vai trò là đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5, ông cùng đồng đội đã nghiên cứu, thay đổi cách đánh phù hợp theo phương châm “tinh gọn” về lực lượng, “cơ động linh hoạt, đánh chắc thắng”. Kết quả một năm chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ, Sư đoàn 5 đã tiêu diệt và làm tan rã 3 tiểu đoàn địch, 16 đại đội nguỵ quân Sài Gòn, bắn rơi 2 máy bay, bắn cháy 6 xe thiết giáp và giải phóng 6.000 dân. Từ giữa năm 1973 đến tháng 2 năm 1975, Sư đoàn được lệnh cơ động từ đồng bằng khu 8 về chiến đấu tại Tân Biên, Tây Ninh, rồi lại trở lại lần lượt chiến đấu trên địa bàn Châu Thành, Tây Ninh, Mộc Hoá, Kiến Tường làm nhiệm vụ mở rộng hành lang Vàm Cỏ Tây, sẵn sàng cắt lộ 4 khi có thời cơ. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 của ông nằm trong đội hình 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn và được ví là “Quả đấm thép” của Miền Đông Nam bộ. Với khí thế, quyết tâm cao ông cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ đập tan hướng phòng ngự của địch ở Tây Nam Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long An,, chặt đứt đường lộ 4… góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng Sài Gòn làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, thống nhất đất nước. Kể đến đây, mắt ông Quang ngấn nước xúc động nói: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, là mốc son chói lọi, đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi và nhân dân Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.” Sau khi hoàn thành binh nghiệp, trở về với quê hương, Cựu chiến binh Võ Hồng Quang ở thôn Đỉnh Hùng, xã Đỉnh Sơn, Anh Sơn luôn phát huy tinh thần gương mẫu của người lính cụ Hồ, đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động tại địa phương, được bà con nhân dân kính nể.
Trở về địa phương, ông Nguyễn Thành Đồng tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương
Đã 49 năm trôi qua sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhưng đối với ông Đồng, ông Hoàn cũng như ông Quang và tất cả những người lính năm xưa vẫn cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui, hạnh phúc khó tả khi được đi dưới rừng cờ hoa, giữa tiếng hoan hô “Việt Nam thống nhất muôn năm”, “Bác Hồ muôn năm”, “Quân giải phóng muôn năm” của người dân trên những cung đường tiến về Sài Gòn tháng Tư năm đó. Giờ đây dù mái tóc đã bạc, sức khỏe không còn dồi dào nhưng họ vẫn luôn là pháo đài kiên cố trên mặt trận phòng chống diễn biến hòa bình thời kỳ mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Thái Hiền