Một chặn đường 30 năm nhớ lại

Thứ năm - 26/03/2020 22:25 451 0
          Thế là đã 30 năm từ ngày mà hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh ra Quyết định số 353 /QĐ-TU ngày 14/3/1990 thành lập Hội CCB tỉnh, giới thiệu BCH Hội CCB Lâm thời tỉnh gồm 21 đồng chí để chuẩn bị tiến tới Đại hội lần thứ Nhất trong quý II năm 1990. Và vào hồi 9 giờ sáng ngày 5/4/1990 tại hội trường I Ủy ban nhân dân tỉnh, BCH Lâm thời Hội CCB tỉnh đã long trọng tổ chức thành lập Hội CCB tỉnh Nghệ Tĩnh. Cũng như Hội CCB VIệt Nam, Hội CCB Nghệ Tĩnh thu hút rộng rãi CCB, bao gồm những cán bộ, hội viên các đội vũ trang Cách mạng trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; các cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, bộ đội Biên phòng, Biệt động quân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bọn phản động tay sai, cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế và du kích, tự vệ trực tiếp chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ xóm làng.
Đ/c Nguyễn Văn Được Chủ tịch Hội CCB Việt Nam ( )cùng đoàn cán bộ cơ quan TW Hội tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh mây tre đan xuất khẩu của doanh nhân CCB Thái Đại Phong.
Đ/c  Nguyễn Văn Được Chủ tịch Hội CCB Việt Nam ( )cùng đoàn cán bộ cơ quan TW Hội tham quan cơ sở sản xuất, kinh doanh mây tre đan xuất khẩu của doanh nhân CCB Thái Đại Phong.

          Nhân dân khắp nơi vui mừng và tuyệt đối tin tưởng ở CCB với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Là một tổ chức chặt chẽ dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, chính quyền nhân dân, một tổ chức có truyền thống kỷ luật tự giác nghiêm minh được tôi luyện trong chiến đấu vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luôn luôn chung sức chung lòng tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục đích của Hội CCB Việt Nam là giữ gìn phát huy truyền thống cách mạng của các chiến sỹ QĐND Việt Nam, đóng góp ý kiến với các cơ quan Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng và giữ gìn an ninh, an toàn trật tự xã hội.
          Lúc bấy giờ, Hội đã phát động cuộc vận động phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” phấn đấu trở thành “CCB gương mẫu” trên quê hương Bác Hồ. Đây là một sáng tạo xuất sắc của Hội CCB tỉnh Nghệ Tĩnh khi mới thành lập. Đó là điều kiện và nhiệm vụ lịch sử của vùng văn hóa Xứ Nghệ (Nghệ An, Hà Tình) tạo nên. Dù sau này tách tỉnh theo hành chính Nghệ An, Hà Tĩnh, nhưng vùng văn hóa Xứ Nghệ vẫn là chung nhất, tuy có dị biệt trong tiểu tiết nhưng cả nước cũng như nói đến vùng văn hóa Xứ Nghệ là một khối bất di, bất dịch.
          Ngày 05/10/1991 Hội CCB Nghệ An được thành lập. BCH Lâm thời của Hội gồm 18 đồng chí. Trong đó các đồng chí Ủy viên Thường vụ gồm: Đồng chí Hoàng  Đưỡm Ủy viên Thường vụ giữ chức Chủ tịch; đ/c Nguyễn Hữu Phúc UVTV giữ chức Phó Chủ tịch; đ/c Phan Huyền Cơ UVTV, giữ chức Ủy viên Thư ký; đ/c Lê Xuân Tùng UVTV; đ/c Võ Văn Quỳ UVTV.
          Từ ngày thành lập đến nay, Hội CCB Nghệ An luôn luôn thực hiện đúng Hội CCB gương mẫu trên quê hương Bác Hồ. Giữ vững và phát huy lòng tin yêu của Đảng, chính quyền và nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì độc lập tự do và CNXH. Càng về sau càng có nhiều đóng góp sáng tạo trong phát huy phẩm chất, nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc, của Quân đội, của vùng văn hóa Xứ Nghệ để phát triển Hội toàn diện.
          Nhân ngày kỷ niệm này, cho phép tôi được thắp nén hương tưởng nhớ tới các cán bộ lãnh đạo và hội viên tỉnh ta đã ra đi trong thời gian qua đã góp phần tích cực xứng đáng của mình trong phát huy phẩm chất, nhân cách của CCB, Bộ đội Cụ Hồ. Ở cơ quan Tỉnh Hội có thể kể tên các anh hết sức, hết lòng vì sự nghiệp của Hội và công đầu. Đó là các anh Hoàng Đưỡm, Nguyễn Hữu Phúc, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Xuân Thông, Võ Văn Quỳ, Nguyễn Đăng Điệt, Thanh Đồng…Mỗi anh để lại dấu ấn hôm nay trong Hội. Một tấm gương đặc sắc trong những ngày khó khăn vất vả ra quân để xây dựng Hội. Vài hồi ức của anh Phan Huyền Cơ hồi đầu thành lập Hội: Với một tỉnh địa dư rộng và số dân đông nhất nước, số lượng CCB đông đảo gồm các thế hệ: Xích vệ đỏ, giải phóng quân, vệ quốc quân và Quân đội NDVN, quân giải phóng sau này, cùng với đội ngũ dân quân, tự vệ chiến đấu đông đảo, lúc ấy khoảng gần 80.000 hội viên.
          Nhớ lại ngày đầu thành lập Hội tỉnh. Ngoài 5 anh em trong Thường vụ Tỉnh hội “vừa nói vừa làm”, thì điều trước tiên là phải tổ chức cơ quan Tỉnh Hội tương đối có đủ chuyên trách để tiến hành công việc. Hội đã mời thêm đồng chí Nguyễn Xuân Thông, nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng Nghệ An về theo dõi công tác Kiểm tra, đ/c Thanh Đồng (Phan Xuyến) nguyên Phó phòng Tuyên huấn, Tổng Biên tập Báo QK4 về lo công tác Tuyên huấn và phụ trách tờ Báo của Hội. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh biệt phái đ/c Thìn về lo công tác Văn Phòng, và tiếp đến tiếp nhận 2 đ/c Nguyễn Thị Xuân và Trương Thị Xanh ở cơ quan Ủy ban tỉnh về làm Kế toán và Văn thư, đ/c Trần Trung Lập lái xe cho Hội. Đến hôm nay chúng ta có một trụ sở khang trang có chính sách phù hợp. Thật là vô cùng biết ơn sự ưu ái của Đảng và chính quyền tỉnh.
          Nhớ lại buổi đầu đến thăm Hội, anh Đàm Quang Trung, Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Bí thư Trung ương Đảng đến thăm Hội, thấy trụ sở Tỉnh Hội thật ngạc nhiên, quả là vất vả, nhưng anh vui vẻ động viên còn hơn ở trong rừng ta vẫn đánh giặc đó thôi.
          Tôi suy nghĩ về bản lĩnh, phong cách CCB ở các đồng chí chủ trì Tỉnh Hội, các đồng chí là tấm gương cho Hội. Đúng là Bộ đội Cụ Hồ.
Đ/c Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao cớ Thủ tướng Chính phủ tặng Hội CCB tỉnh đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2018. Ảnh Ngọc Đại
Đ/c Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao cớ Thủ tướng Chính phủ tặng Hội CCB tỉnh đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2018. Ảnh Ngọc Đại

          Lúc anh Bùi Đức Tùng, Chủ tịch Hội, tôi là UVTV, anh em thường tâm sự với nhau, vì quen nhau từ hồi anh ở Quân khu. Tôi biết anh từng là Chính ủy Sư đoàn 2 với anh Nguyễn Chơn. Một con người trong chiến đấu kiên cường, thẳng thắn, liêm khiết. Lúc tỉnh có chuyện lộn xộn ở Cầu Rầm, là Chủ tịch, anh cải trang làm dân thường vào “điểm nóng” để vận động nhân dân và trấn áp bọn phản động. Lúc bấy giờ anh Nguyễn Bá, Bí thư Tỉnh ủy rất quý trọng anh Bùi Đức Tùng và tin tưởng. Hội tín nhiệm đang cao, sức khỏe có đủ, dù tuổi có cao. Lúc này tôi biết được đồng chí Cao Xuân Khuông Phó Tư lệnh QK4 sắp nghỉ hưu. Để phù hợp với sự phát triển lâu dài của Hội, anh có trao đổi với tôi, nếu anh Tùng nghỉ, mời anh Khuông ra đảm đương trách nhiệm thay thế thì hay quá, dù anh mới làm Chủ tịch một nhiệm kỳ. Tôi tâm sự với anh Tùng, sắp đến nếu anh nghỉ, anh thấy thế nào?. Anh Bùi Đức Tùng vui vẻ: Luật ạ, mình ra gánh vác việc Hội là do yêu cầu của lãnh đạo và của CCB, bây giờ nếu có người thay thế được lãnh đạo và CCB ưng thuận là tôi rất phấn khởi. Nghe anh nói vậy tôi càng hiểu cái tâm, cái đức của anh Bùi Đức Tùng. Cho đến hôm nay tôi vẫn nể trọng anh. Tôi trao đổi lại với các anh trong Thường vụ thấy thuận chiều. Tuy mới làm một nhiệm kỳ, còn sức khỏe (dù tuổi cao) nhưng có người thay thế phù hợp, anh Tùng sẵn sàng bàn giao nhiệm vụ. Và tiếp sau có những sự kiện tương tự ở cơ sở cũng như ở Tỉnh xin phép kể vài mẩu chuyện nhỏ ở cơ quan Tỉnh Hội.
Cuối năm 2008, anh Cao Xuân Khuông đang đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội  CCB tỉnh nhiệm kỳ thứ 2 và chưa đến 70 tuổi. Nhưng xét thấy sức khỏe có nhiều hạn chế nên anh Khuông đã đề nghị Trung ương Hội cho được nghỉ hưu công tác Hội. Anh Trần Hanh, Trung tướng, Chủ tịch Trung ương Hội CCB Việt Nam hoan nghênh ý kiến của đồng chí Cao Xuân Khuông và ghi nhận đồng chí Khuông đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng Quân đội và xây dựng Hội CCB; là một đồng chí có năng lực, đức độ và uy tín cao trong CCB, lại chưa đến tuổi nghỉ theo quy định của Hội. Nhưng vì sự phát triển của Hội nên đồng chí Khuông dừng lại ở đây là phù hợp. Với đề nghị chân thành của đồng chí Khuông, lãnh đạo và CCB đã đồng ý chấp nhận.
          Tháng 12 năm 2015, Anh Nguyễn Phong Phú đang làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2012 – 2017 (nhiệm kỳ thứ 2) và chưa đến tuổi nghỉ công tác Hội. Là một cán bộ có phẩm chất, năng lực tốt; nhưng do sức khỏe có phần hạn chế và nguồn kế cận đã được chuẩn bị nên anh Phú đã xin nghỉ công tác Hội. Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh đã bầu anh Nguyễn Đình Minh (Thiếu tướng) làm Chủ tịch Hội thay anh Nguyễn Phong Phú.
          Các anh Bùi Đức Tùng; Cao Xuân Khuông; Nguyễn Phong Phú đã nêu một tấm gương về bản lĩnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ, biết dừng khi cần thiết cho sự nghiệp của CCB. CCB tỉnh nhà luôn nêu gương học tập ở các anh. Đó là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ đội Cụ Hồ trên quê hương Xứ Nghệ, quê hương Bác Hồ.
30 năm một chặng đường nhớ lại có nhiều bài học về sự trưởng thành, bản lĩnh, nhân cách CCB, Bộ đội Cụ Hồ, từ cơ sở đến CCB toàn tỉnh đã góp phần làm đẹp cho hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới cần tiếp tục được nêu gương học tập../.
Đậu Kỷ Luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây