Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn huyện Yên Thành có 645 đồng chí, có 2 trong số 16 chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lưỡng vũ trang nhân dân. Đó là Anh hùng Phan Tư và Anh hùng liệt sĩ Trần Can. Hiện nay trong toàn huyện còn có 62 đồng chí hầu hết ở tuổi trên 90, có 3 chiến sĩ trên 100 tuổi. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng các cụ đều hăng hái tham gia mọi công tác xã hội mà Đảng và Nhân dân giao phó, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cụ Nguyễn Văn Viêng 103 tuổi Chiến sỹ thi đua Toàn quốc được vinh dự chụp ảnh với Bác Hồ năm 1956. Khi về hưu, cụ đã vận động các cụ trong thôn trồng thông ở đồi Nhãn tháp nơi Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành năm 1961; gặp nhau tay bắt mặt mừng ôn lại những kỷ niệm của mùa xuân cách đây 70 năm ở chiến trường Điện Biên phủ. Đại tá Vương Đình Đạo xã Thọ Thành năm nay 94 tuổi thuộc Trung đội 5, Đại đội 124, Tiểu đoàn 555 của Cục Công binh cùng tiểu đội với Anh hùng Phan Tư kể lại:
ĐẠI BIỂU CHỤP ẢNH LƯU NIỆM TẠI BUỔI GẶP MẶT
Ngày 5 tết Giáp ngọ năm 1954 đơn vị được giao nhiệm vụ phá đá ở thác Nậm Na thượng nguồn sông Đà để thuyền bè đi lại dễ dàng tiếp tế cho chiến trường Điện Biên phủ. Khó khăn nhất nan giải nhất là lấy gì để gói thuốc nổ, trong khi đó một tấc ni lông cũng không có. Sau nhiều đêm trằn trọc, bỗng một ý nghĩ lóe lên! gói bộc phá như gói bánh chưng ngày tết. Lấy lá chuối rừng gói và lấy giây giang buộc thật chặt chắc là được. Phan Tư nghĩ thế và trình bày ý kiến đó trước đơn vị được mọi người ủng hộ; anh gói bộc phá xong ra nổ thử và thành công. Việc chuẩn bị bộc phá hoàn thành Phan Tư lặn xuống thử đi, thử lại 4 lần thời gian mất 60 giây, trong khi đó châm ngòi, bộc phá nổ chỉ cho phép 40 giây, như thế bộc phá nổ thì mình cũng hy sinh. Dù có hy sinh nhưng hoàn thành được nhiệm vụ Phan Tư nghĩ thế và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Phan Tư ôm phá lao xuống nước; Vương Đình Đạo cầm sào chỉ điểm đúng nơi đặt bộc phá; Nguyễn Thành Lâm châm lửa. Đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống trước khi Phan Tư ôm bộc phá xuống nước. Một tiếng nổ long trời lở đất khối đá chắn ngang giòng suối đã nát vụn. Mọi người ngã mũ vĩnh biệt anh. Nhưng khi bộc phá vừa nổ anh đã cố hết sức lực đạp hai chân vào một tảng đá để thoát ra, được giòng nước cuốn đi và rồi được đơn vị cứu sống. Trong Đại hội thi đua Toàn quốc lần thứ Nhất năm 1956. Phan Tư được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau kháng chiến chống Pháp, anh vào chiến trường miền Nam tham gia mở đường Hồ Chí Minh. Sau ngày về hưu anh được Đại hội Hội CCB huyện lần thứ Nhất bầu làm Chủ tịch huyện Hội. Đồng chí đã đem hết nhiệt tình xây dựng phong trào CCB ở huyện Yên Thành trở thành lá cờ đầu trong tỉnh. CCB Phan Văn Khoa xã Đô Thành chiến sĩ thuộc E209 F312 kể lại: Trưa 25/12/1953 đơn vị tổ chức ăn tết ngay trong chiến hào để sáng ngày mồng 1 Tết kéo pháo 105 lên điểm cao 354 yểm trợ cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm Hồng Cúm. Hôm đó trời mưa tầm tả, đường trơn như đổ mỡ, có nhiều chỗ bùn ngập đầu gối nhưng ai nấy đều phấn khởi vì lần đầu tiên đưa “voi” ra trận. Đêm đến, dưới làm pháo sáng của địch, mỗi Đại hội chia làm 2 giây kéo, người nào cũng đứng chạm chân cúi rạp rình nghiêng về phía trước, hai tay nắm chắt giây cáp. Mỗi lần nghe tiếng chỉ huy hô tất cả đồng thanh: hai ba dô ta nào, cứ lần này qua lần khác pháo ta nhích dần theo bước chân chiến sỹ. Pháo vừa vào trận địa, sáng ngày mồng 5 tết lại có lệnh kéo pháo xuống vì chiến thuật thay đổi từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” theo lệnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau 10 ngày củng cố lại công sự đơn vị lại tiếp tục kéo pháo lên trận địa. Ngày 13/3/1954 chiến dịch bắt đầu mở màn “voi” ta gầm lên làm cho quân địch khiếp sợ ra hàng, cờ trắng lấp ló như hoa ban nở khắp núi đồi Điện Biên phủ. Sau chiến dịch anh được phục viên. Về quê, từ năm 1965 đến 1972 anh được cử làm Xã Đội trưởng chỉ huy Đội trực chiến đánh trả hàng trăm trận với máy bay Mỹ bảo vệ quê hương. Sau ngày miền Nam giải phóng anh đã chỉ huy dân quân trong xã lấp hàng trăm hố bom do máy bay Mỹ thả xuống để sản xuất.
Nhiều đồng chí xung phong lên kể lại những chiến công đầu xuân của đơn vị mình. Thương binh Vũ Trọng Tài F308 kể chuyện 6 lần đè đầu địch ở điểm cao 633 đồi Độc lập; Đồng chí Ngô Sĩ Quế kể lại “chim lửa” lần đầu xuất trận làm cho quân thù khiếp sợ; Dũng sĩ bắn tỉa Lê Văn Vợi E209 F312 kể: 1 viên đạn bắn chết một tên giặc. Nhiều chiến sỹ xung phong lên kể lại những chiến công và thành tích phát huy truyền thống Điện Biên làm theo lời Bác xây dựng quê hương đất nước. CCB Đào Đình Giáp xã Vĩnh Thành, nguyên là Chính trị viên Huyện đội huyện Yên Thành, trong thời kỳ chống Mỹ phá hoại (1965 – 1972) sau khi về hưu đã thầu 11 ha đầm hoang hóa, đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo thành ao vừa cấy lúa vừa nuôi cá, hàng năm thu hoạch trên 20 tấn lúa, 25 tấn cá; CCB Nguyễn Hữu Trầm xã Công Thành F312 sau khi về hưu, 17 năm liên tục được bầu là Chủ tịch Hội CCB xã. Đồng chí đã góp phần giải quyết nhiều mâu thuẫn xây dựng khối đoàn kết giáo lương, hòa giải nhiều điểm “nóng” ở địa phương. CCB Lê Văn Duy xã Hậu Thành đi đầu trong phong trào trồng cây cảnh và hướng dẫn con cháu phát triển cây cảnh tăng thêm thu nhập cho gia đình, làm đẹp cho quê hương; CCB Trần Đình Ngợi xã Tiến Thành là y tá phục vụ chiến trường Điện Biên phủ sau khi về địa phương suốt 26 năm từ 1959-1985 làm Trạm trưởng Trạm y tế xã khám và chữa bệnh cho hàng nghìn người dân…
Phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng của Điện Biên Phủ trong phong trào xây dựng nông thôn mới CCB huyện Yên Thành đã đi đầu trong phong trào hiến đất mở đường, trồng cây đời đời nhớ ơn Bác. Đến nay đã có 2318 gia đình CCB tự nguyện hiến trên 1 triệu m2 đất canh tác 26200 m2 đất thổ cư, tháo dỡ 4560 m2 tường rào huy động 54000 ngày công để làm giao thông và xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá trên 7 tỷ đồng; 96% hội viên đạt CCB gương mẫu. Âm vang Điện biên trên quê lúa Yên Thành ngày càng sôi động, luôn tỏa sáng bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”.
Trường sơn