Vừa tham gia các hoạt động phong trào ở cơ sở. Anh luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm gì, làm thế nào để thoát nghèo và làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình. Sau khi tìm hiểu, tham quan, học hỏi một số mô hình chăn nuôi trong xã và các vùng lân cận… Với diện tích đất và hồ nước của gia đình, đầu năm 2017 hai vợ chồng anh bàn bạc, quyết định đầu tư cải tạo và xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi theo mô hình “vườn, ao, chuồng” (VAC). Suy nghĩ, tính toán khá chặt chẽ, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy có rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhất là về nguồn vốn. Số tiền gia đình gom góp, tiết kiệm được không đủ kinh phí để đầu tư, vợ chồng anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) cộng thêm vay mượn của anh em, bạn bè. Gia đình anh xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 200 m2 để chăn nuôi lợn, đào đắp ao thả cá, cải tạo đất vườn, trồng các loại cây ăn quả có giá trị như ổi, bơ, dừa; vừa tạo cảnh quan, bóng mát, vừa tận dụng tốt nguồn phân bón, nguồn nước sẵn có để tưới tiêu. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm, việc chăm sóc đàn lợn khá vất vả. Lợn lớn chậm hơn so với dự kiến, chi phí đầu tư cho thức ăn tăng thêm, đồng thời khi xuất bán thì giá cả bấp bênh. Vợ chồng anh vẫn kiên trì xem xét, đúc rút kinh nghiệm, cố gắng học hỏi thêm từ các trang trại khác về cách lựa chọn con giống, bổ sung các loại men vi sinh, thuốc thú y đảm bảo để phòng chống bệnh, lựa chọn loại thức ăn phù hợp… Với biện pháp, cách làm khoa học, đến nay, đàn lợn của gia đình anh luôn phát triển ổn định, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn, mỗi lứa 50 con. Trừ chi phí đầu tư, mỗi lứa lợn gia đình anh thu được 30 triệu đồng. Với diện tích mặt ao hơn 7.500m2, anh thả các loại cá trắm, mè, trôi, rô phi, cá chép… tận dụng phân lợn và cỏ sữa, lá chuối được trồng trong vườn cho cắn; ngoài ra anh còn nuôi hơn 200 con vịt lấy thịt. Vịt được nuôi gối đầu, mỗi tháng đều đặn xuất chuồng 50 con. Anh cho biết “vịt là loại dễ nuôi, kháng bệnh tốt, lớn nhanh, tốn rất ít công chăm sóc. Nhờ có mặt nước và các loại thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh chỉ bổ sung thêm một phần cám nên chi phí đầu tư nuôi vịt cũng không cao. Sản phẩm chăn nuôi có chất lượng tốt, nên được người dân và các nhà hàng trong vùng rất ưa chuộng. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư cho thu nhập 150 triệu đồng. Nhờ thu nhập ổn định, gia đình anh đã trả hết các khoản vay và còn có tiền mua sắm trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình và nuôi con ăn học”.
Từ năm 2021, anh làm Chi hội trưởng CCB kiêm tổ trưởng tổ TK&VV xóm Quang Sú. Hiện tổ có 18 thành viên, dư nợ 960 triệu đồng. Tổ hoạt động tốt, đúng quy định theo nội dung đã ký ủy thác với Ngân hàng CSXH, không có nợ quá hạn, nợ xấu. Với vai trò là Chi hội trưởng CCB, Tổ trưởng TK&VV anh luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về chăn nuôi, trồng cây ăn quả cho các thành viên trong tổ, đồng thời tích cực hỗ trợ, giúp đỡ mọi người trong việc phát triển sản xuất. Với mong muốn người dân đều sử dụng nguồn vốn vay một cách có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội CCB xã Nghĩa Đức cho biết: “Anh Hảo là một người rất năng nổ, nhiệt tình. Vừa làm kinh tế giỏi, vừa tích cực, nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Phân công bất cứ nhiệm vụ gì cho anh lãnh đạo địa phương, tổ chức Hội cũng rất yên tâm. Anh là một Bí thư Chi bộ, kiêm Xóm trưởng, một điển hình tiêu biểu trong phong trào “CCB gương mẫu” của Hội CCB xã nhà”./.