CCB NẶM NHÓNG VỚI VIỆC PHÒNG CHỐNG TRUYỀN ĐẠO TRÁI PHÉP
Thứ tư - 27/12/2023 20:09980
Xã Nặm Nhóng nằm về phía tây nam, cách trung tâm huyện Quế Phong 35km, diện tích hẹp so với đơn vị hành chính các xã trong huyện, với hơn 4.800ha, dân số gần 2.600 nhân khẩu. Có 2 dân tộc sinh sống gồm Thái (Tày Thanh) 60%, còn lại dân tộc Khơ Mú. Nhờ đường nhánh của quốc lộ 16, xã Nặm Nhóng được hưởng đường nhựa đi qua song song với khe Nặm Nhóng từ đầu đến cuối xã, chiều dài gần 20 km. Phía tây giáp xã Hữu Khuông (Tương Dương) phía bắc giáp với Tri Lễ; đông và đông nam giáp xã Châu Thôn và Cắm Muộn huyện Quế Phong.
Việc truyền đạo trái phép những năm gần đây lúc âm thầm, lúc rầm rộ căng thẳng. CCB các cấp nhiều lần tham mưu cho Đảng, chính quyền ra chủ trương, kế hoạch, xây dựng chương trình cùng các cơ quan chức năng nắm cơ sở, tuyên truyền vận động không nghe, không làm theo những lời truyền đạo trái phép, nhất là những thời điểm xẩy ra sự kiện ở Mường Nhé, Tây Nguyên. Đặc biệt xã Nặm Nhóng thời kỳ chống giặc ngoại xâm có một đối tượng chạy theo giặc, nay đang cư trú ở Mỹ, thỉnh thoảng về Nặm Nhóng, phát qùa cho dân tộc Khơ Mú. Dọc tuyến biên giới, chủ yếu với dân tộc Mông có biểu hiện truyền đạo Tin lành. Trung tâm huyện đạo Thiên chúa, có dịp đến đòi lại đất tại nhà thờ xưa ở xã Tiền Phong. Một số linh mục tu tại gia thị trấn Kim Sơn nhiều lần lên huyện xin đất làm nhà tu hành. Nhờ sự vững mạnh của hệ thống chính trị, thái độ kiên quyết của cơ quan chức năng và vào cuộc khôn khéo của các tổ chức chính trị xã hội, nòng cốt là CCB, cuối cùng mọi yêu sách của họ đều bị loại trừ, đẩy đuổi làm sạch địa bàn. Tuy nhiên năm 2021, thời kỳ đang lo chống dịch Covid – 19, người dân bản Na xã Nặm Nhóng xôn xao một gia đình lập bàn thờ, kèm theo bức ảnh “xa lạ”. Gia đình đó thuộc hội viên CCB, hỏi ra mới biết: bàn thờ với ảnh “xa lạ” do con hội viên lập nên. Các cháu đi làm ăn xa, gặp người muốn làm “từ thiện” với những hộ nghèo. Theo chỉ dẫn của họ, muốn giàu sang hàng ngày phải thờ cúng và đọc những lời theo quyển sách họ cấp. Đi đôi với những “lời khuyên dạy” họ tự đưa đến cho gia đình đàn bò 6 con để nuôi. Từ tình hình sự việc xảy ra, cấp ủy, chính quyền, CCB và các cơ quan chức năng định hình chiều hướng, thống nhất quan điểm, tìm giải pháp xóa bỏ các hình thức lập bàn thờ và cúng vái theo các quyển sách do các đối tượng đưa vào. Tuy nhiên những ngày đầu, một số cán bộ thuộc cơ quan có trách nhiệm cho rằng, thờ cúng là quyền tự do của mọi công dân, ai cho vật chất cứ nhận nhằm đạt mục đích xóa đói, giảm nghèo. Được sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo của cấp trên, Thường trực Hội CCB huyện không dưới 5 lần xuống cùng với xã Nặm Nhóng, đến tận gia đình có bàn thờ “không rõ cúng ai”, giải thích vận động tự phá bỏ. Thường vụ Hội CCB xã không dưới 10 lần đến với gia đình hội viên có con nhận bò, tận tình phân tích việc làm trái phép. Cuộc đấu tranh tư tưởng của từng người trong gia đình kéo dài đến mấy tháng trời, cuối cùng cũng hiểu ra. Việc thờ, khấn vái theo sách không nguồn gốc là trái pháp luật; từ đó bàn thờ gia đình tự giỡ bỏ; 8 quyển sách “ giáo huấn” đã nạp cho cơ quan chức năng. Tất nhiên các đối tượng đến tận nhà lấy lại đàn bò trước đây cấp cho gia đình. Hiện nay, đồng bào Nặm Nhóng bình yên theo cuộc sống thường ngày. CCB và người dân không còn chuyện xôn xao, bàn tán. Xã Nặm Nhóng khác xa cách đây ít năm. CCB đã xóa được đói, cơ bản không còn hộ nghèo. Các thế hệ CCB đoàn kết, phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Lớp trẻ năng động, biết khai thác thế mạnh của đường, điện… làm nhiều ngành nghề cho thu nhập ổn định. CCB có tuổi đi làm gia trại, chăn nuôi, sản xuất nhỏ góp phần nâng cao đời sống cùng con cháu.. Làng bản Nặm Nhóng ngày xưa mưa xuống lầy lội, ngày nay với những con đường xi măng uốn lượn dọc, ngang; đến với nhau cơ bản bằng xe máy. Nhà kê, lợp ngói, cột bằng gỗ dổi, gỗ trai bào trơn phun sơn bóng lộn, không ai nghĩ đây là nhà sàn của người Thái, người Khơ Mú ở nơi heo hút này. Theo trục đường cái to, đi các ngả vào thôn xóm; hàng quán, các loại dịch vụ mọc lên không khác gì ở nơi phố thị. Trò chuyện với các cụ cao tuổi, ai cũng muốn khỏe mạnh, sống lâu để thấy cảnh đổi thay từng ngày của quê hương; được hưởng thành quả của sự đổi mới do Đảng ta khởi xướng. Đối với CCB trong những niềm vui chung, vẫn còn tiềm ẩn nối lo chưa thể nói ra được. Lớp thanh niên nói chung, con cháu CCB nói riêng đi làm ăn xa trong Nam, ngoài Bắc sẽ gặp bao nhiêu đối tượng xấu; bản lĩnh và “bộ lọc” con cháu có hạn. Việc tiêu cực như truyền đạo trái phép, vấn đề xã hội… vừa thực vừa hư, hữu hình và vô hình. Thành phần nhắm đến của đối tượng xấu chủ yếu là con em cán bộ và CCB. Thời gian tới, căn cứ nghị quyết của Đảng, chỉ thị của cấp trên, Thường trực Hội CCB các cấp tiếp tục xây dựng kế hoạch, chương trình, xuống cùng với cơ sở, tuyên truyền vận động; nắm tâm tư nguyện vọng của dân, lấy lực lượng CCB làm hạt nhân, điểm tựa, tích cực phát hiện dư luận, những biểu hiện không lành mạnh, di biến động trái phép… chủ động tham mưu cho Đảng, chính quyền và cùng các cơ quan chức năng giải quyết từ sớm, từ xa; kịp thời như những gì đã làm được đối với xã Nặm Nhóng trong thời gian qua./.