Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (7/1/1979 - 7/1/2024) Thắng lợi của ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc và hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế

Thứ hai - 08/01/2024 20:21 74 0
Cách đây 45 năm, bằng cuộc tổng phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, quân và dân ta đã đập tan cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ Việt Nam của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, tạo điều kiện cùng nhân dân Campuchia giải phóng đất nước khỏi họa diệt chủng.
Ngày về của đoàn quân tình nguyện, đội quân  "nhà phật" giúp nhân dân CPC thoát họa diệt chủng.
Ngày về của đoàn quân tình nguyện, đội quân "nhà phật" giúp nhân dân CPC thoát họa diệt chủng.
Đây là thành quả của cuộc chiến đấu vì chính nghĩa, thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như thực hiện xuất sắc nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp cách mạng Campuchia.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi, Nhà nước Campuchia Dân chủ do Pôn Pốt đứng đầu ra sức kích động thù hằn dân tộc chống Việt Nam; phủ nhận lịch sử đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương, thậm chí vu cáo Việt Nam có mưu đồ lập Liên bang Đông Dương; công khai đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia với những yêu sách vô lý.
Từ tháng 5-1975, phía Campuchia Dân chủ đã tiến hành đánh chiếm một số đảo và nhiều điểm nằm sâu trong nội địa Việt Nam. Tuy nhiên, với tinh thần hữu nghị, Việt Nam đã chủ động đề xuất các biện pháp nhằm giải quyết những xung đột, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, nhưng đã bị Nhà nước Campuchia Dân chủ khước từ, đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao. Tháng 12-1978, Pôn Pốt - Iêng Xary tập trung 19 sư đoàn áp sát biên giới Campuchia - Việt Nam. Ngày 23-12-1978, chúng huy động 10 trong số 19 sư đoàn bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam. Trước chiều hướng leo thang chiến tranh của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xary, nhân dân và các lực lượng vũ trang Việt Nam buộc phải giáng trả thích đáng, đánh đuổi toàn bộ quân xâm lược ra khỏi lãnh thổ, tạo điều kiện giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Đối với nhân dân Campuchia, đứng trước sự tồn vong của dân tộc, lực lượng cách mạng chân chính đã đứng lên tập hợp lực lượng đấu tranh với bọn phản động Pôn Pốt. Được sự giúp đỡ của Việt Nam, cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ cốt cán trong lực lượng cách mạng Campuchia, ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, đánh dấu bước phát triển quan trọng của cách mạng Campuchia.
Với sự ra đời của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, cùng với so sánh tương quan lực lượng có lợi cho ta, ngày 6 và 7-12-1978, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, thông qua quyết tâm mở cuộc tổng tiến công tiêu diệt quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary, giành chính quyền về tay nhân dân. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, từ ngày 23 đến 31-12-1978, quân và dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công và tiến công trên toàn tuyến biên giới, đánh tan 10 sư đoàn quân Pôn Pốt, thu hồi toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả
Ngay sau khi quân dân Việt Nam mở cuộc phản công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, ngày 23-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, xác định: Do sinh lực địch nhất định sẽ bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoặc kìm chân tại chỗ. Vì vậy, đây là thời cơ tốt nhất để các lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia cùng với nhân dân và binh sĩ khởi nghĩa trên toàn quốc đánh vào đầu não của bè lũ Pôn Pốt - Iêng Xary. Tiếp đó, Ủy ban Trung ương Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã phát động toàn dân tận dụng thời cơ và sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, tập trung lực lượng đứng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, giành chính quyền về tay nhân dân. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam đã cùng với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia xây dựng phương án tiến công truy quét quân diệt chủng. Đến 17h ngày 7-1-1979, các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia hoàn toàn làm chủ Phnôm Pênh.
Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại. Nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Hơn nữa, đây còn là thắng lợi của tinh thần quốc tế cao cả của nhân dân Việt Nam. Tiến sĩ Chhay Yi Heang, Cố vấn Chính phủ Hoàng gia Campuchia khẳng định: “Việc nhân dân, Chính phủ và quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng Pôn Pốt và hồi sinh dân tộc là một sự nghiệp cao cả, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX”.
Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng đã khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc của quân và dân ta; là thắng lợi của tinh thần quốc tế, trách nhiệm với đồng loại của nhân dân Việt Nam, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á; vạch trần bản chất phản động, hiếu chiến, phân biệt chủng tộc, sắc tộc, chế độ độc tài Campuchia Dân chủ, cảnh báo cho nhân loại hãy cảnh giác trước nguy cơ của “chủ nghĩa phát xít mới”.
Đặc biệt, chiến thắng này đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là bài học phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhạy bén trong nhận diện đối tượng, đối tác, nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời đề ra chủ trương biện pháp, chủ động ứng phó với mọi tình huống; bài học về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, quân sự, trọng tâm là củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ quốc phòng, quân sự với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ở vùng biên giới, hải đảo, ở các địa bàn trọng điểm. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang có sức chiến đấu cao; chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Chú trọng củng cố đoàn kết hữu nghị với các quốc gia láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông nhằm giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, tạo sự ủng hộ to lớn của quốc tế, cô lập các đối tượng chống phá, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Hiện nay, trước tình hình quốc tế và khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường, những bài học được đúc kết từ thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng là những vấn đề có giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, cần được vận dụng và phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới; đồng thời, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, phê phán và đấu tranh với các luận điểm sai trái, xuyên tạc sự thật lịch sử của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời giữa Việt Nam - Campuchia. Từ đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia lên một tầm cao mới, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước; đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới và khu vực.

 

Tác giả bài viết: Đại tá, PGS,TS Nguyễn Văn Sáu Nguyên Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây