Đến thăm nhà văn hóa xóm 2, xã Phúc Thọ vào những ngày đầu đông, bà con đang tấp nập chuẩn bị những tiết mục văn nghệ đặc sắc để chuẩn bị cho Ngày truyền thông Hội LHPN Việt Nam (20/10). Từ khi có nhà văn hóa, to đẹp với khuôn viên rộng rãi, xanh mát, sân bóng chuyền được đổ bê tông đạt tiêu chuẩn, mọi hoạt động của bà con trong xóm diễn ra rất thuận lợi, từ các buổi họp dân, họp Chi bộ cho tới các buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ… Đây được xem là niềm tự hào của Nhân dân trong xóm. Tự hào, bởi đây là công trình do chính Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng, thể hiện tình đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Nhân dân.
Trao đổi với bà con Nhân dân xóm 2 ông Trương Xuân Long cho biết: Từ lúc nhà bác Hồng hiến đất vườn, để mở rộng khuôn viên, từ đó các hoạt động càng ngày càng phát triển mạnh hơn, rõ nhất là phong trào thể dục, thể thao đông vui sôi nổi, người dân đoàn kết hơn”.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của vợ chồng CCB Phạm Văn Hồng, qua trò chuyện, chúng tôi thêm khâm phục người CCB, thương binh đã trải qua những năm tháng tham gia kháng chiến đầy gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng. Ngược dòng thời gian, vào tháng 2 năm 1968, vừa tròn 22 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Văn Hồng lên đường nhập ngũ vào Quân đội. Năm 1972, để được trực tiếp tham gia trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Phạm Văn Hồng đã viết tâm thư bằng máu thể hiện quyết tâm chiến đấu để được ra trận. Ông Hồng nói tiếp: “thời gian trên 10 năm tham chiến ở chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào, bây giờ về đời thường, mình luôn phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, dù là việc nhỏ nhất thì mới tạo được lòng tin với bà con Nhân dân”.
Năm 2022, xã Phúc Thọ có chủ trương đầu xây dựng mới Nhà văn hóa xóm 2, mở rộng sân chơi thể thao của xóm với phương thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Xóm 2, không còn đất để xây dựng và mở rộng khuôn viên NVH. Vì vậy, ông đã bàn với vợ con hiến tặng gần 500m2 đất vườn của gia đình nằm ngay vị trí mặt tiền đường liên xã vào đúng thời điểm giá đất đang cao. Tuy nhiên việc hiến tặng đất đâu có dễ: CCB, thương binh Phạm Văn Hồng tâm sự: “Việc làm của tôi có nhiều lời đàm tiếu, có lời chê bai, dị nghị…Tôi nghĩ, làm việc gì cũng có thuận lợi, có khó khăn, nhất là những việc liên quan đến lợi ích cá nhân càng phức tạp. Phải có bản lĩnh và kiên định vững vàng”. Bà Võ Thị Ninh vợ ông Hồng chia sẻ thêm: Có người trẻ tuổi nói, sao mà ông bà ấy dại thể. Tôi bảo lại, không phải dại mô cháu ơi, con cái nhà bà có nhà ở riêng rồi, ông bà ở ri là tốt rồi, trông cho mạnh khỏe thôi…”
Khi biết ông có ý định hiến tặng đất cho xóm, các con có ý không đồng tình, thậm chí có người còn khuyên ông nên suy nghĩ lại vì với diện tích đó, có thể bán lấy tiền tỷ rồi mua ô tô, làm nhà to hay để lại cho con cái, có tiền an dưỡng tuổi già. Song CCB Phạm Văn Hồng xem đây là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy của các con và nhiều người. Ông và vợ đã động viên thuyết phục 6 người con, ông phân tích cho con thấu hiếu lời dạy của các bậc thành hiền rằng “ở đời cái cho đi là được nhận lấy”. Mình đừng có nghĩ là vật chất nó to, có khi ba cho đi thì sau này các con được nhận lại…Con cháu đều là đảng viên nên các cháu hiểu ra và tất cả đều đồng thuận hiến đất cho xóm. Bà Ninh vợ ông Hồng nói thêm: Ông nói thôi bà! ta cũng già rồi, bao nhiêu tiền cũng hết, ăn mấy cũng xong; chi bằng cho xóm cho làng đi để cho xóm xây dựng các công trình, trước mắt làm đẹp xóm làng, sau nữa là để cho con cháu mai sau được thụ hưởng. Thế là mảnh đất 500m2 trị giá 6,5 tỷ đồng thời giá lúc bấy giờ được gia đình CCB Phạm Văn Hồng hiến cho xóm mở rộng khuôn viên Nhà văn hóa. Được biết, cách đây 5 năm, khi xóm không có đất, cũng chưa có khu vui chơi cho các cháu trong xóm, gia đình ông Hồng đã hiến 400m2 đất mảnh vườn phía sau nhà đang ở cho xóm làm sân bóng cho các cháu thiếu nhi.
Về xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc hôm nay, nhìn những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông rộng rãi, Nhà văn hóa xóm vào mỗi buổi chiều về rộn rã tiếng hò reo, cổ vũ bóng đá, bóng chuyền của bà con... chúng ta cùng chung cảm nhận nông thôn mới đầy sống động đã thật sự thay da, đổi thịt từng ngày. Công trình Nhà văn hoá xóm 2 xã Phúc Thọ là thành quả chung của mọi nhà, mọi người, khẳng định sức mạnh của Nhân dân như Bác Hồ đã nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Ghi nhận việc làm ý nghĩa, của ông Hồng, đồng chí Nguyễn Bá Bắc - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thọ cho đánh giá: “Ông Hồng và gia đình ông luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng NTM nâng cao. Đây là nghĩa cử cao đẹp là một gia đình có đóng góp rất lớn cho xóm 2 nói riêng và phong trào của xã Phúc Thọ nói chung”.
Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, việc huy động sức dân và cán bộ, hội viên các đoàn thể trong tự nguyện hiến đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện thành công chủ trương này. Những tấm gương như thương binh Phạm Văn Hồng là điển hình có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, góp sức cùng địa phương sớm về đích NTM nâng cao năm 2023.