Người lính của Sư đoàn thép
Tháng 8 năm 1978, đang học dở lớp 9 của hệ phổ thông vừa học vừa làm, Đậu Văn Thanh, lên đường nhập ngũ vào Quân đội, được biên chế vào Sư đoàn 337, Quân khu 4. Vừa hoàn thành xong khóa huấn luyện 4 tháng, đơn vị đang tổ chức trinh sát, chuẩn bị địa bàn làm nhiệm vụ trên đất bạn Lào. Ngày 17/2/1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sư đoàn 337 được lệnh điều động hành quân thần tốc ra Lạng Sơn làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tổ quốc.
Trong 04 năm tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, ông Đậu Văn Thanh đã trực tiếp cầm súng tham gia 02 trận đánh ác liệt nhất là trận đánh bảo vệ cầu Khánh Khê - nơi tiếp giáp giữa huyện Cao Lộc và huyện Văn Quan và trận đánh bảo vệ Bình độ 400. Khu vực cầu Khánh Khê là vị trí cực kỳ quan trọng, ý đồ của địch là vượt sông Kỳ Cùng, vu hồi về điểm cao Sài Hồ - Đồng Mỏ để bao vây, cô lập thị xã Lạng Sơn. Trung Quốc huy động nhiều Quân đoàn với hàng trăm khẩu pháo các loại cùng dân binh với chiến thuật “biển người” đánh chiếm các điểm cao do Sư đoàn 337 trấn giữ. Trong suốt cuộc chiến đấu từ 28/2 đến 5/3/1979, những người lính của Sư đoàn 337 cùng quân, dân huyện Văn Quan đã chiến đấu anh dũng, kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” quyết không để địch vượt qua được sông Kỳ Cùng. Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt giữa một bên là Bộ đội ta quyết giữ cầu và quân địch quyết vượt cầu kéo dài suốt nhiều ngày, quân địch bị thiệt hại nặng. Về phía ta, cũng đã tổn thất không ít. Chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống ngay trước mắt, ông Thanh cùng những người còn lại càng quyết tâm chiến đấu để bảo vệ đến cùng từng tấc đất của Tổ quốc. Người này trúng đạn ngã xuống, người khác lại tiến lên. Pháo binh yểm trợ, bộ binh tấn công, các chiến sĩ Sư đoàn 337 đã chiến đấu quyết liệt, đánh tan đội hình tiến công của quân địch, buộc đối phương phải rút lui. Sau 12 ngày đêm chiến đấu liên tục, giành giật quyết liệt vơi địch từng tấc đất, chiến hào, Sư đoàn cùng các đơn vị bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự chiến dịch được giao, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Ngày 18/3/1979, quân xâm lược rút về bên kia biên giới.
Sau ngày 18/3/1979, mặc dù Trung Quốc không sử dụng đội hình lớn sang Việt Nam, nhưng chúng vẫn tiếp tục chiếm giữ một số điểm cao thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, chúng còn thường xuyên sử dụng pháo binh bắn phá và đưa bộ binh xâm nhập, tiến công đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Tại những nơi này, ông Đậu Văn Thanh lại tiếp tục tham gia trận đánh bảo vệ Khu vực bình độ 400 thuộc thôn Nà Làng, xã Thanh Lòa (Cao Lộc - Lạng Sơn). Bình độ 400 chỉ cao 400m, nhưng đứng ở điểm cao này bằng mắt thường cũng có thể quan sát được toàn bộ hoạt động cả quân sự và dân sự ở TP Lạng Sơn. Bình độ 400 có 5 mỏm, mỏm 1, 2 của Việt Nam; mỏm 3, 4, 5 của Trung Quốc. Mỏm 1 là cao nhất, sau đó các mỏm thấp dần về phía Trung Quốc. Trải qua hàng chục cuộc giao chiến lớn nhỏ quanh khu vực cao điểm 400, cả hai bên đều chịu nhiều tổn thất lớn. Tới cuối năm 1981 thì hai bên dần rút khỏi khu vực giao chiến. Sau trận đánh này, ông Đậu Văn Thanh mắc bệnh sốt rét kéo dài suốt hơn 2 tháng, tóc rụng gần hết, da xanh tái, sức khỏe giảm sút. Chiến tranh kết thúc, đầu năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương.
Tiên phong hiến đất mở đường
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Đậu Văn Thanh bắt tay vào làm kinh tế. Ông được địa phương bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất Nông nghiệp và trải qua nhiều vị trí công việc như Ban kiểm soát, Xóm trưởng...Ở vị trí công việc nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 1997, nhận thấy vùng đất trống đồi trọc ở Quỳnh Thiện lúc bấy giờ hoang hóa, lãng phí nên ông cùng một số hộ gia đình ra khai hoang, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Năm 2004, ông được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận trang trại với diện tích 13,6ha, vừa trồng rừng keo, trồng cây ăn quả, vừa nuôi bò Laisin, bò thịt, lợn rừng, gà.v.v. Bình quân mỗi năm thu nhập từ trồng rừng và chăn nuôi đạt trên 300 triệu đồng, từ nguồn thu giúp ông bảo đảm ổn định cuộc sống gia đình và nuôi dạy 4 người con ăn học trưởng thành.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tiên phong hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Năm 2022, lúc đó con đường đi ngang qua trang trại của gia đình ông còn là đường mòn nhỏ hẹp, chỉ có xe máy mới lưu thông qua được. Địa phương phát động phong trào hiến đất mở đường để nối con đường mòn đi sang xã Quỳnh Vinh. Thời điểm đó, đất đai đang ở cơn sốt, những vùng đất xung quanh được chia tách phân lô bán với giá khá cao. Tuy lam lũ với nghề nông, nhà lại đông con, nhưng gia đình ông Thanh đã tự nguyện hiến 914 m2 đất để mở đường. Ngoài ra, để mở rộng đường, gia đình ông tự giác chặt bỏ, di dời nhiều cây xanh các loại đã được trồng nhiều năm và một số tài sản trên đất. Nhiều người thắc mắc tại sao ông lại hiến nhiều đất như vậy, nhưng ông Thanh chỉ suy nghĩ đơn giản: “có đường đẹp thì khu dân cư cũng sẽ đẹp hơn, bà con đi lại thuận lợi, không còn cảnh trời mưa phải đi trên con đường đất lầy lội; là Cựu chiến binh thì mình cần phải tiên phong, gương mẫu”.
Nhờ sự tiên phong của ông và một số hộ dân khác, đến nay còn đường đất ngày nào đã được đổ bê tông rộng 8m, bộ mặt khối xóm cũng trở nên khang trang hơn, nhiều ngôi nhà mới được mọc lên, làm thay đổi diện mạo của làng quê. Ông còn tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động nhân đạo từ thiện, các cuộc vận động của địa phương.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chủ tịch Hội CCB phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai cho biết: Thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở đường giao thông, trong đó gia đình Cựu chiến binh Đậu Văn Thanh là một trong những trường hợp hiến đất với diện tích nhiều. Đây là việc làm có ý nghĩa cao đẹp, đáng trân trọng, thể hiện tính tiên phong trong đóng góp xây dựng nông thôn mới để phát triển quê hương. Địa phương đã trao giấy chứng nhận và tổ chức biểu dương, khen thưởng gia đình ông có nhiều thành tích trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua năm 2023.