Xã Yên Dũng Thượng xưa, nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh (Nghệ An) được vinh dự gọi tên Làng Đỏ bởi nơi đây có truyền thống cách mạng yêu nước. Những tổ chức quần chúng “đỏ” như Nông hội đỏ, Xích vệ đỏ, Phụ nữ cứu quốc, Hội Ái hữu, Hội Tương tế... đều bắt nguồn ở nơi này.
Xã Yên Dũng Thượng trong những năm 1930 được Xứ ủy Trung Kỳ chọn làm căn cứ hoạt động gây dựng phong trào cách mạng. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình liên tục chống áp bức bóc lột, đòi giảm sưu, giảm thuế, cấp ruộng đất công. Tiêu biểu là cuộc biểu tình 1/5/1930, hàng ngàn người dân Yên Dũng Thượng tập trung xuống đường hòa vào dòng người đông đảo từ các ngả kéo vào thành phố Vinh phản đối sưu cao, thuế nặng. Đồng chí Nguyễn Đôn Nhoãn, cán bộ Công hội đỏ làng Yên Dũng Thượng là người đầu tiên xông lên cướp súng trường từ tay tên giám binh Pơ-ti đập xuống đường gãy nát khi hắn dùng súng hành hung, áp bức người dân. Dù bị đàn áp dã man nhưng với sự chỉ đạo của Thành ủy Vinh, chi bộ Đảng và tổ chức Nông hội đỏ Yên Dũng Thượng đã cùng các tổ chức khác, tiếp tục chỉ huy quần chúng Nhân dân, phối hợp với công nhân các nhà máy Vinh - Bến Thủy tổ chức biểu tình, phát động phong trào đấu tranh đòi tăng lương cho công nhân, giảm sưu thuế cho nông dân. Tháng 8/1930, Yên Dũng Thượng được Xứ ủy Trung Kỳ lựa chọn làm địa điểm đặt cơ quan, để từ đó chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng. Tháng 9/1930, cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn nông dân và công nhân Nhà máy Diêm tham gia đã diễn ra tại Đình Trung. Sau cuộc đấu tranh, Chi bộ Đảng Yên Dũng Thượng và tổ chức Nông hội đỏ đã lãnh đạo nhân dân cử ra đại biểu để quản lý mọi công việc trong toàn xã. "Xô Viết nông dân" được thành lập và cái tên "Làng Đỏ" chính thức ra đời. Bài và ảnh: CẢNH THẮNG