CCB QUẾ PHONG VỚI NGHỀ TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG

Chủ nhật - 05/02/2023 19:50 118 0
Đồng báo các dân tộc miền núi nói chung, huyện Quế Phong nói riêng, từ xa xưa đã biết vận dụng các vật liệu của núi rừng làm ra những dụng cụ phục vụ đời sống sinh hoạt và chế tác ra các phương tiện chống chọi với giặc dã, thiên tai, thú dữ. Những thứ cần thiết cho con người, ngày càng hoàn chỉnh từ đời này qua đời khác, đến mức tinh xảo, nâng lên thành biểu tượng văn hóa truyền thống của người dân miền sơn cước.
          Bước sang thập kỷ 80- 90 của thế kỷ trước, những công cụ do bàn tay của đồng bào làm ra hầu như bị lãng quyên bởi sự xuất hiện “cái lạ” của sản phẩm công nghiệp từ đồ nhôm, đồ nhựa. Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay, lịch sử quay lại, giá trị của các dụng cụ, vật dụng từ mây, tre, nứa, gỗ… lại tái hiện, không chỉ người miền núi cao mà cả người miền xuôi cũng đều tôn trọng, trân quý; không chỉ có giá trị sử dụng mà còn nâng lên thành giá trị văn hóa. Có hàng chục loại dụng cụ đồng bào làm ra để phục vụ đời sống sinh hoạt, mang lại lợi ích thiết thân cho con người, nhưng tập trung vào những thứ như rổ, rá, nong, nia, thúng, mủng, ép xôi, chậu đựng đồ, giỏ đi bắt cá, nỏ, ná hay đồ trang trí trong nhà….
          Cựu chiến binh huyện Quế Phong (CCB) chủ yếu lớp thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, đã nhạy cảm, nắm bắt thời cuộc khai thác, phát huy thế mạnh từ bàn tay khéo léo của mình làm ra nhiều sản phẩm, đem lại thu nhập cho cá nhân gia đình, làm đẹp cho xã hội, thay được một phần những đồ nhựa đang thịnh hành hiện nay.
          Ai đã từng đến với Quế Phong, đi vào các bản làng, nhất là những vùng sâu, vùng xa, sẽ thấy hầu hết các “bô lão” CCB đều biết làm, ít nhất 1 đến 2 dụng cụ phục vụ gia đình. Tuy nhiên chỉ khoảng hơn 30% số CCB biết làm giỏi, làm đẹp, được thị trường chấp nhận. Lúc đầu các thợ CCB chờ người đến đặt hàng mới làm, về sau có sự lựa chọn của khách hàng và sự cạnh tranh của các chủ hàng, từng CCB bắt đầu chuyên sâu vào một vài sản phẩm hợp với tay nghề, sở trường của bản thân. Tiêu biểu có những thợ lành nghề, khi về xã Châu Thôn có CCB Lô Văn Tình, chi Hội bản Piểu, tuổi đã ngoài 70 nhưng có hàng chục loại sản phẩm được trưng bày tại gian nhà sàn của ông. Theo lời CCB Lô Văn Tình: Hiện nay, ông chỉ tập trung làm ép xôi, nống phơi thóc, những thứ khác có khách hàng đặt mới làm. Cũng tại xã Châu Thôn, CCB Vi Xuân Hòa chuyên đan sàng sảy gạo, làm chậu đựng thóc, CCB Hà Văn Tiến, Hà Văn Trọng chuyên làm “cà bèm”, “cà bùng” là những thứ để đựng đồ có giá trị nhất trong nhà thay cho tủ đứng, tủ tường, khi gặp thiên tai, hỏa hoạn chỉ một người mang vác di chuyển nhanh. CCB Hà Văn Việt chuyên làm hông xôi bằng gỗ… Ra vùng Châu Kim có CCB Kim Phong Thủy, nguyên là Chủ tịch Hội CCB xã, chuyên làm ghế mây có uy tín; CCB Mạc Thực, nguyên Phó Chủ tịch Hội CCB huyện lại gỏi làm nỏ phục vụ cả khách hàng thành phố Vinh mua về làm đồ trang trí trong nhà. Đến thị trấn Kim Sơn có CCB Hà Sỹ Hoành gốc người Đồng Văn có thế mạnh làm giỏ đựng cá cho đồng bào đi chài; CCB Lang Minh Bảo là tay kỹ xảo làm mâm mây phục vụ bà con trong huyện và tiêu thụ qua các huyện bạn.
Trong điều kiện hiện nay, dụng cụ công nghiệp không thiếu, nhưng với tay nghề của CCB làm ra sản phẩm từ núi rừng của quê hương, ngày càng được nhiêu người ưa chuộng là một điều đáng mừng. Các “nghệ nhân” CCB chỉ sản xuất bằng thủ công, nhưng khách hàng tha hồ lựa chọn các kiểu dáng, mẫu mã, thể loại, giá cả hợp lý, mỗi CCB làm nghề đòi hỏi ngày càng tinh xảo qua từng đường mây, nút lạt, hoa văn thể hiện trên từng sản phẩm của mình. Đối với CCB trẻ đã tích cực đến học nghề nhưng khó theo kịp lớp già, nhiều trường hợp bỏ cuộc, từ đó nghĩ về mai sau, vấn đề mai một về nghề đan lát là khó tránh khỏi.
Có điều là, hiện nay những sản phẩm làm ra không phải chỉ dùng vào phục vụ cho một nội dung cụ thể nào, mà còn để bỏ tủ tường, tủ ly, treo tường trưng bày làm cảnh… nghĩa là vật văn hóa trong nhà, từ đó làm khó cho người sản xuất, vì phải thu nhỏ đồ vật như ép xôi, giỏ xách tay, giỏ bắt cá, bắt gà… Những thứ thu nhỏ đó khách hàng yêu cầu chỉ làm bằng quả trứng ngỗng, hay quả cam, quả xoài. Tuy nhiện các thợ tay nghề giỏi vẫn vui vẻ làm được, chỉ cần giá trị được tăng lên.
          Mấy năm lại đây, UBND huyện đã có một cửa hàng đặt tại ngã ba chợ Kim Sơn với tên gọi “Gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm tiêu biểu huyện Quế Phong”. Đây là nơi tiếp nhận những đồ dùng đan lát, chế tác từ mây, tre, nứa, gỗ của đồng bào nói chung, CCB huyện Quế Phong nói riêng để bày bán theo yêu cầu khách hàng. Bên cạnh đó còn có một vài cửa hàng nhỏ của gia đình theo hiệp đồng ký gửi hàng của bà con các vùng và một số huyện bạn mang tính chất trao đổi, so sánh, cạnh tranh chất lượng.
          Từ nghề truyền thống của gia đình, quê hương, nhiều CCB huyện Quế Phong có thêm thu nhập, giải quyết chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống; tuy nhiên cũng có gia đình mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi khi có hiệp đồng của công ty, cửa hàng, khách sạn, hoặc cá nhân đặt hàng đại lý. Một lợi ích khác đó là góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, từng bước thay cho đồ nhựa hiện nay.
                                                                                                Bài và ảnh: QUANG VĂN CHANH

Tác giả bài viết: Quang Văn Chanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây