Trần Đình Thuội ở xóm Lũy xã Mã Thành năm nay 72 tuổi, lớn lên sau khi học xong THPT, năm 1978 anh xung phong lên đường nhập ngũ được biên chế vào đơn vị 953 vùng 5 Hải quân và tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Năm 1982 hoàn thành nhiệm vụ, anh được phục viên.
Thực hiện chủ trương của Đảng Ủy, UBND xã về việc di dân lên vùng kinh tế mới, anh đưa gia đình lên dốc Hồng thuộc miền núi xã Tiến Thành để lập nghiệp. Sau khi nghiên cứu kỹ địa hình, được bạn bè giúp đỡ anh thuê máy húc đào ao, đắp 6 con đập, ngăn khe suối, khoanh gần 1000m bờ vùng bờ thửa để giữ nước. Nhờ đó đã cải tạo 1 ha vệ chải hoang hóa thành ruộng 2 vụ lúa và 1 vụ thả cá. Mỗi năm thu hoạch được 20 tấn thóc, 5 tấn cá. Vợ chồng làm đơn xin thầu 50 ha đồi hoang để trồng cây và đã trồng được trên 10 vạn cây keo lá tram. Tận dụng một số vùng đất còn hoang hóa, vợ chồng mua 10 con bò sinh sản để chăn nuôi. Sau 1 năm đàn bò lên tới 17 con. Trong chuồng lúc nào cũng nuôi 10 con lợn nái, hàng trăm con gà thả vườn. Được bạn bè giúp đỡ, anh ra trường Đại học Nông nghiệp và Viện cây ăn quả học cách ươm chiết cây giống, trồng cây ăn quả. Được tận tình giúp đỡ của các kỹ sư, giáo sư, sau 3 tháng học tập anh đã nắm vững được các quy trình kỹ thuật và mua về 300 gốc nhãn lồng Hưng Yên, 200 gốc táo đào muộn, 200 gốc vải thiều Hải Dương, 100 gốc hồng không hạt, 60 gốc mơ, sau khi trồng được 2 ha các loại trên, anh lên thành phố Điện Biên mua 60 gốc dứa thơm không có gai. Loại dứa này mỗi quả nặng từ 3 đến 5 kg để làm giống. Sau 4 năm nhờ chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời; vụ quả đầu tiên anh đã thu hoạch được 8 tấn. Trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng. Liên tiếp mấy năm sau số tiền thu hoạch về cây ăn quả có năm được trên 500 triệu đồng.
Nhờ chủ động được nước tưới tiêu mỗi quả đồi chia làm 4 tầng, dưới cùng cấy lúa và thả cá, tầng 2 trồng cây ăn quả, tầng 3 trồng dứa, mía, sắn, tầng 4 trồng cây keo lá tràm. Riêng diện tích cây nguyên liệu giấy đã có trên 10 vạn cây phủ kín 30 ha đồi. Sau 5 năm anh ươm chiết và bán được trên 1 vạn cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều và nhãn lồng Hưng Yên khắp 5 xã vùng Bắc Yên Thành. Trong số diện tích trồng cây có 2 ha trồng cam đã thoái hóa, anh chuyển sang trồng bưởi da xanh và trồng hoa bông trang loại này nở quanh năm vừa đẹp vừa đạt giá trị kinh tế. Sản xuất phát triển, có thu nhập cao, anh đã chu cấp cho hai người con trai đi du học tại Pháp; quá trình tu nghiệp con của anh là những sinh viên tiêu biểu có tay nghề và thu nhập cao, từ đó tạo điều kiện để cho gia đình anh đầu tư mở rộng sản xuất…
Từ hai bàn tay trắng nhờ tích cực học tập kỹ thuật, chịu khó, chịu khổ lao động, Trần Đình Thuội đã trở thành một nông dân xuất sắc giỏi của tỉnh. Anh đã biến một vùng đất hoang thành kho tiền, kho bạc và đã được đi báo cáo điển hình ở huyện, tỉnh và trung ương. Anh xứng đáng là anh lính Cụ Hồ, một CCB Gương mẫu.
Bài và ảnh: Trường Sơn