ĐƯỜNG CHIẾN TRẬN - MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Thứ tư - 15/02/2023 02:01 117 0
Cụ Phan Đình Châu sinh năm 1930, tại làng Đông Thôn, xã Hưng Thông huyện Hưng Nguyên - Nghệ An. Một miền quê có truyền thống cách mạng từ xa xưa, nơi đã sinh ra các bậc tiền bối cách mạng, các anh hùng liệt sĩ như Lê Hồng Phong, vợ là Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng...
CCB Phan Đình Châu ở tuổi 94 vẫn còn minh mẫn.
CCB Phan Đình Châu ở tuổi 94 vẫn còn minh mẫn.
Năm 1945 Cách mạng tháng 8 thành công, đập tan xiềng xích nô lệ suốt 80 năm bị đô hộ. Đất nước Việt Nam bước sang một trang sử mới vinh quang chói lọi, nhưng thực dân Pháp muốn thôn tính nước ta lần thứ hai, chúng đã gây hấn ở nhiều nơi từ bắc vào nam. Nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu: " Hỡi đồng bào, chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ..." Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếng kèn xung trận. Từ thành thị đến nông thôn đâu đâu  cũng vang lên bản anh hùng ca: " Cùng nhau đi hùng binh"; " Tiếng gọi thanh niên...".  Những câu khẩu hiệu được viết trên vách, trên tường, trên nong phơi lúa  " Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"; " Thà hy sinh chứ  nhất định  không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".
          Đầu năm 1950 một cuộc chia tay vui vẻ, không một chút vấn vương, bi lụy trong giây phút xa cách, bà con làng Đông đã  tiễn chân chàng trai Phan Đình Châu vừa tròn 20 tuổi lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế về sư đoàn 308.  Dọc đường chiến trận từ  Hà - Nam - Ninh lên Hòa Bình...  Năm 1953 đơn vị anh đã có mặt tại các chiến trường Mường Khoa, Sầm Nưa, lên Bản Ban, Xiêng Khoảng của nước bạn Lào.  Đầu năm 1954 đơn vị lại được lệnh hành quân về nước,  ai cũng vui mừng được trực tiếp tham gia đánh giặc tại  mặt trận Điện Biên Phủ. Ngay đêm đó các chiến sĩ đã chuẩn bị ba lô, bao gạo, mang theo súng, đủ cơ số  đạn, sẵn sàng chiến đấu khi gặp địch. Từ đất Thượng Lào, đơn vị  băng rừng, vượt suối về đến Trần Đình (Điện Biên) thì đợt một của chiến dịch đã bắt đầu.
           Trung đoàn 102 thuộc Sư đoàn 308 được lệnh tấn công vào các đồn địch phía Đông cánh đồng Mường Thanh. Trung đoàn 108 chiến đấu dũng cảm, kiên cường đến nửa đêm đã chiếm nửa đồi A1 và mỏm Thia Lia. Quân địch phản kích liên tục. Quân ta từ đồi C1, thấy địch phản kích vào đồi A1 đã nổ súng tạt sườn yểm hộ, làm cho địch không thể tiến lên được. Những ngày chiến đấu ở Điện Biên gian khổ ác liệt là vậy, nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội, cán bộ, chiến sĩ thương yêu nhau hơn bao giờ hết, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, khó khăn gian khổ cùng nhau, lấy thân mình che chở cho  đồng đội. Những cử chỉ nhân ái cao đẹp ấy là cội nguồn tạo nên sức mạnh để chúng ta đánh thắng  giặc Pháp tại Điện Biên Phủ ngày ấy.
          Sau chiến thắng Điện Biên, Phan Đình Châu được về điều trị và nghỉ dưỡng tại huyện Đại Từ , tỉnh Thái Nguyên. Khi sức khỏe hồi phục ông được trở lại đơn vị huấn luyện tại Hà Tây. Năm 1958 khi có chủ trương giảm tám vạn quân sĩ, Lúc bấy giờ, mắt ông bị mờ, tháng 10 năm 1958 ông được phục viên. Về quê, ông tham gia huấn luyện Dân quân, Tự vệ của địa phương. Năm 1963 theo chủ trương của Nhà nước, dân miền xuôi đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Gia đình ông cùng bà con Hưng Thông lên lập nghiệp tại bản Cà, xã Châu Quang. Vốn đã quen với núi rừng Tây Bắc, ông không ngỡ ngàng gì trước cảnh núi rừng heo hút, mưa nguồn suối lũ... Ông cùng gia đình hăng hái tăng gia sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống, tích cực xây dựng Hợp Tác Xã từ cấp thấp đến cấp cao. Ông luôn là hội viên tích cực của Hội CCB; là tấm gương "Tuổi cao gương sáng" của Hội Người cao tuổi xã Châu Quang.
           Năm nay đã 94 tuổi, mỗi khi hỏi về kỷ niệm chiến đấu ở Điện Biên Phủ thì cụ vui nhộn hẳn lên, chất lính trong cách giao tiếp, chuyện trò vẫn sôi nổi chân thành như thời trai trẻ. 94 tuổi  nhưng cụ Phan Đình Châu vẫn vui khỏe, minh mẩn, hăng say tập thể dục buổi sáng, đi bộ , đi xe  đạp thường xuyên.  Cụ luôn giữ chữ tâm chữ đức, sống tình nghĩa thủy chung với bà con làng xóm. Các con, cháu của cụ đã trưởng thành, theo gương cụ sống khiêm nhường đức độ, hiếu thảo với mẹ cha. Cụ thường tâm sự với con cháu "Mình được đem tuổi thanh xuân phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điều vinh dự”. Gần 70 năm rồi, Điện Biên ngày ấy, một thời binh lửa, những đồng đội, đồng chí; những chiến binh dũng cảm kiên cường, nay còn ai? Các anh mãi mãi là hình ảnh cao đẹp trong tâm thức của mỗi  chúng ta. "

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nhi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây