Năm 1981, sau 5 năm công tác trong môi trường quân ngũ, ông được phục viên về quê ở huyện Diễn Châu. Năm 1992 ông cùng gia đình lên xóm Châu Thành, xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp lập nghiệp cho đến bây giờ. Ngày đầu lập nghiệp nơi vùng đất mới cuộc sống của gia đình ông cũng rất khó khăn.
Để thoát khỏi đói nghèo, hàng chục năm nay từ nuôi lợn nhỏ lẻ hàng năm sau khi trừ chi phí thu được chẳng đáng là bao. Đến năm 2010, ông đã mạnh dạn dốc toàn bộ vốn liếng, đồng thời vay thêm Ngân hàng, người thân hàng trăm triệu đồng, quy hoạch lại chuồng trại để nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Năm cao điểm gia đình ông nuôi đàn lợn thịt hơn 100 con, mỗi lứa xuất bán 4 đến 5 tấn lợn hơi, đem về nguồn thu trên dưới 300 triệu đồng.
Hiện tại lợn nuôi giá cả bấp bênh cùng với nhiều loại dịch bệnh gia tăng, gia đình ông Phượng chỉ còn duy trì 1 lợn nái và vài con lợn thịt. Ông chuyển hướng đầu tư nuôi thêm bò nhốt chuồng để tận dụng nguồn phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và trồng cỏ quanh vườn để làm thức ăn cho đàn bò. Tiếp đó ông vay thêm nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại nuôi gà, ngan hơn 400 con. Ông chia ra thành các khu nuôi, nuôi từng lứa riêng gối vụ để có sản phẩm bán thường xuyên. Mỗi năm gia đình ông Phượng xuất bán ra thị trường khoảng 2 tấn ngan, gà thịt mang về nguồn thu khoảng trên dưới 200 triệu đồng.
Ông Phượng chia sẻ “Từ khi lên vùng kinh tế mới, vợ chồng tôi bàn thống nhất là phải tập trung làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi tập trung vào chăn nuôi, tùy thuộc vào từng thời điểm mà đầu tư nhưng chủ yếu là chăn nuôi tổng hợp, bò, lợn, ngan, gà, vịt là phù hợp nhất. Ngoài ra trồng mía, trồng keo, trồng quýt. Trước đây tôi có vay Ngân hàng CSXH một đợt, hiện đã trả hết nợ rồi. Năm 2020, tôi được Hội CCB xã xét duyệt cho vay 50 triệu đồng để tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi sản xuất, trồng rừng tổng hợp. Thu nhập hàng năm trừ chi phí rồi được khoảng 300 đến 400 triệu đồng".
Ngoài chăn nuôi gia đình ông Phượng còn trồng gần 1ha quýt PQ. Quýt PQ là loại cây dề trồng, năng suất cao. Hiện tại, vườn quýt của gia đình ông Phượng có khoảng 200 gốc, giá bán bình quân 7000đồng/kg tại vườn. Năm nay giá thấp bằng nửa năm ngoái nhưng cũng thu được khoảng 30 triệu đồng.
Từ sản xuất, chăn nuôi tổng hợp đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình và ông cũng có điều kiện để ủng hộ các phong trào của xóm và của Hội CCB, nhất là hỗ trợ cây, con giống cho các hội viên vay không lấy lãi hàng chục triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi ông Lê Hải Nam, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết:“Hội CCB xã Tam Hợp có 577 hội viên, quản lý 4 tổ vay vốn với tổng dư nợ hơn 8,2 tỷ đồng. Được sự quan tâm của Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp phân nguồn về cho xã, sau đó phân về cho các tổ chức Hội. Hội tiến hành bình xét, làm hồ sơ cho hội viên vay vốn và đều phát huy hiệu quả. Riêng gia đình CCB Trịnh Văn Phượng là hộ tiêu biểu phát huy hiệu quả nguồn vay vốn của Ngân hàng. Mô hình không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn giúp đỡ được nhiều đồng chí, đồng đội có con giống phát huy rất hiệu quả, góp phần vào phong trào XĐGN chung của xã Tam Hợp.
Từ nguồn vốn vay chính sách và sự cố gắng trong phát triển kinh tế, CCB Trịnh Văn Phượng trở thành một tấm gương điển hình tiêu biểu của Hội CCB xã Tam Hợp nhiều lần được đi dự Đại hội thi đua CCB gương mẫu ở các cấp Hội tổ chức. Đặc biệt cuối năm 2017 ông là đại biểu tiêu biểu duy nhất của huyện miền núi Quỳ Hợp được đi dự Hội nghị tôn vinh điển hình trong phong trào thi đua CCB gương mẫu do Hội CCB Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.