Theo Người: “Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực ta không cho phép viết dài, thì giờ của ta, người đánh giặc, người dân đi làm không cho phép xem lâu. Vì vậy viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy. Trong các báo cáo có những bài dài lằng nhằng, dài mấy cột như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói gì, đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích”.
Người nêu vấn đề:
- Vì ai mà mình viết?
- Mục đích viết làm gì?
- Phải đặt câu hỏi viết cho ai?
- Viết cho đại đa số Công – Nông – Binh
- Viết để làm gì?. Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình để phục vụ quần chúng.
- Thế thì viết cái gì?
Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: “Ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân tộc ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chính ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà dấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Những cái hay, cái đúng thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào, nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”.
Người đặt vấn đề: “Lấy tài liệu đâu mà viết?”
Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:
- Nghe: Lắng nghe cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết
- Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình các nơi.
- Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy
- Xem: Xem báo chí, xem sách vở, xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.
- Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng và viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu mà thôi. Tìm tài liệu cũng như công tác khác, phải chịu khó.
Cách viết thế nào?
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “trước hết là phải tránh cái lối viết “rau muống”, nghĩa là lằng nhằng “tràng giang đại hải” làm cho người xem như chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động, nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Bất đắc dĩ phải dùng chữ, thí dụ “Độc lập, tự do”, “hạnh phúc” là những từ Trung Quốc nhưng ta không có chữ gì dịch thì cố nhiên phải dùng. Người còn căn dặn nhiều điều mà những người viết báo phải quan tâm đó là “chớ ham dùng chữ mà người đọc khó hiểu, viết phải thiết thực, viết rồi phải đọc đi đọc lại, đọc lại bốn năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ? Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chỗ nào khó hiểu họ nói ra cho thì phải sửa lại. Trong lúc viết phải chú ý giữ bí mật”.
Người còn phê phán cách viết “hoa hòe” chữ u không ra chữ u, chữ n không ra chữ n, chữ i không ra chữ i. Họ cho thế là mỹ thuật. Cách viết thế nào, cách nói cũng thế. Nói phải cho gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung. Nói lung tung như nhiều cán bộ nói ở các cuộc mit tinh, nói rồi không biết đường nào mà đi nữa thôi thì cũng dở, nói nữa không biết nói gì? Nói ít nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn. Muốn nói gì phải chuẩn bị trước. “Cách viết và cách nói đại khái như thế”.
Những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đại khái là những điều mà những người làm báo đã, đang và mãi mãi học tập, rèn luyện để xứng đáng “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” góp phần vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong quá trình hội nhập và phát triển, sánh vai với cường quốc năm châu.