Chuyện của liệt sĩ hi sinh tại cửu ngõ Sài Gòn trước giờ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975)

Thứ sáu - 18/04/2025 03:55 28 0
Một ngày tháng 3/2025, lãnh đạo xã Phúc Thọ, thành phố Vinh và gia tộc họ Nguyễn Đình, đã tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Dương, sinh năm 1951, hy sinh tại căn cứ Đồng Dù, phía Tây cửa ngõ Sài Gòn, trước có gần chục tiếng đồng hồ chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (11h ngày 30/4/1975), góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Được cất bốc chuyển từ Nghĩa trang huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh về an táng tại quê nhà.
1, Liệt sĩ Nguyễn Đình Dương           2. Lễ truy điệu an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Dương
1, Liệt sĩ Nguyễn Đình Dương 2. Lễ truy điệu an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đình Dương
Nguyễn Đình Dương, sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng. Ba xã Nghi Phúc, Nghi Thái, Nghi Thọ (của huyện Nghi Lộc cũ) nay 2 xã Nghi Phúc, Nghi Thọ nhập lại thành xã Phúc Thọ. Tháng 5/1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, Nguyễn Đình Dương đã làm đơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện thì bổ sung vào chiến trường miền Đông Nam Bộ và được biên chế vào c10, d3, e48, f320 chiến đấu.
Theo lời kể của Cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Tạo, thương binh hạng 3/4, ở phường Lê Lợi, TP.Vinh. Ông và liệt sĩ Nguyễn Đình Dương, cùng đơn vị với nhau và cùng trong đội hình trung đoàn, của Sư 320, tham gia đánh vào căn cứ Đồng Dù ngày 29/4/1975. CCB Lê Xuân Tạo nói, chiến tranh đã lùi xa, sau này có điều kiện nhìn lại, càng hiểu và biết rõ hơn về căn cứ Đồng Dù. Thời đó trước khi ra trận chúng tôi chỉ biết nghe cấp trên quán triệt và giao nhiệm vụ cho đơn vị phối hợp với các cánh quân khác đột phá căn cứ Đồng Dù, nơi này được quân đội Việt Nam Cộng hoà ví “như cánh cửa thép” án ngự phía Tây Bắc Sài Gòn, ta phải đánh tan để thọc sâu vào nội đô thành phố. Căn cứ Đồng Dù có qui mô rất lớn, sào huyệt của Sư đoàn Bộ binh 25, được xây dựng hỗn hợp, bố trí hết sức kiên cố, lực lượng địch trong căn cứ khoảng 3.000 tên, trang bị đầy đủ hằng chục xe tăng, xe bọc thép, hằng ngàn khẩu súng các loại, trong đó có cả các loại pháo hạng nặng và pháo 175 mm (vua chiến trường). Bên ngoài, là nhiều lớp hàng rào kẽm gai, với hệ thống lô cốt kiên cố và các bãi mìn dày đặc xung quanh.
CCB Lê Xuân Tạo kể, trước khi xuất quân, cấp trên yêu cầu mỗi người phải ghi lại họ tên, quê quán, đơn vị, để vào túi ni lông, cho vào túi áo, khi chiến đấu ai hi sinh, hay bị thương nằm lại, sẽ có dân quân du kích làm công tác thương binh, tử sĩ. Khoảng hơn 5h30 sáng ngày 29/4/1975, chúng tôi nghe Pháo binh ta bắn liên tục mấy giờ liền để mở đường, sau đó đến các đơn vị Bộ binh nhiều hướng sử dụng cả B40, B41, nổ mìn định hướng, đánh bộc phá, lần lượt mở tung nhiều lớp hàng rào kẽm gai. Tôi nhớ, c3, d7 đánh mở của số 1, khi mở đến những lớp hàng rào trong cùng, bị địch bắn ra dữ dội; làm quân ta bị thương vong rất nhiều, nhưng với quyết tâm và lòng dũng cảm cao độ, lớp trước ngã xuống, lớp sau tiến lên. Bây giờ nghĩ lại sống sót sau trận đánh chỉ là sự may rủi. Vào trận, đạn pháo tránh mình, chứ mình đâu tránh được. Hôm sau, nghe tin có quân và dân Củ Chi giúp đỡ, phối hợp, nên ta đã bắt sống chuẩn tướng Lý Tòng Bá sư trưởng, đại tá Trần Thắng Chức sư phó, cùng một số sĩ quan của Sư 25, quân đội VNCH và cánh cửa thép phía Tây Bắc Sài Gòn đã bị tiêu diệt. Kết hợp cùng các cánh quân khác đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đến 11h30 ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. CCB Tạo chùng xuống nói. “Tiếc là, để góp phần giành thắng lợi, chúng ta đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trước giờ đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh Nguyễn Đình Dương cũng trong trường hợp đó. Cũng như tôi, tham gia trận đánh này, nhưng may mắn được sống trở về. tuy bị thương nặng. Anh Dương và nhiều người khi hi sinh, nhờ tìm thấy thông tin cất trong túi áo, nên thi hài anh đã được đưa vào an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi”. Ngày nay, Nghĩa trang Liệt sĩ Củ Chi, được xây dựng khang trang, bề thế, nơi yên nghỉ của gần 8.000 liệt sĩ, trong đó có 5.000 ngôi mộ có tên. Hằng năm, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ban liên lạc truyền thống CCB Sư đoàn 320, sẽ tổ chức cho anh em CCB các đơn vị vào thắp hương viếng, tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hi sinh, để dành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay4,576
  • Tháng hiện tại197,214
  • Tổng lượt truy cập1,326,924
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây