Đón Anh về quê Mẹ

Thứ sáu - 18/04/2025 03:59 30 0
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta trãi dài 20 năm (1954 - 1975). Lớp lớp bao thế hệ đã cùng chung câu quân hành, biết bao người con của đất nước đã ra trận và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã ngã xuống để giành lại Độc lập - Tự do cho Tổ quốc, cho cuộc sống bình yên của chúng ta hôm nay.
Riêng Trung đoàn 27 chúng tôi, từ 1968 - 1975, đã gần 2.500 đồng đội ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị. Chỉ riêng đất mẹ Nghĩa Đàn, Nghệ An đã có tới 87 liệt sĩ là chiến sĩ của Trung đoàn 27.
        Tháng 8/1969, theo tiếng gọi của non sông đất nước, đ/c Phan Văn Cường lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đ/c được bổ sung vào chiến đấu trong đội hình Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn bộ binh 27 - đơn vị chủ lực cơ động của mặt trận B5 - Quảng Trị. Đây là Trung đoàn đã từng làm cho kẻ thù Mỹ - Ngụy kinh hoàng trong các trận đánh từ Mậu thân 1968, đến trận chiến giữ chốt bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Là Trung đoàn mà từ khi thành lập (02/1968) đến ngày ký hiệp định Pari (tháng giêng năm 1973), chỉ đánh trên một chiến trường duy nhất - Chiến trường Quảng Trị.
         Ngày ấy, có hai câu thơ được chiến sĩ Trung đoàn 27, xem như là lời “Tuyên ngôn” của người chiến sĩ trên chiến trường Quảng Trị:
“Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền”.
          Trong những năm tháng ấy, Tiểu đoàn 1, của đ/c Phan Văn Cường đã tham gia rất nhiều trận đánh và đã lập được nhiều chiến công vang dội, nổi bật là trận tập kích Cụm xe Tăng cơ giới Mỹ, tại khe Nước, trên trục Đường 76, bắn cháy 11 xe tăng, tiêu diệt hằng chục tên Mỹ.
         Đầu năm 1972, Trung đoàn vinh dự được Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao nhiệm vụ nổ súng mở màn cho Chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Tiểu đoàn 3 đánh phục kích trên cao điểm 288; Tiểu đoàn 2 đánh chiếm Căn cứ Phu-lơ; Tiểu đoàn 1 của đ/c Phan Văn Cường đón lõng trên đồi Tròn và cao điểm 241, không cho địch chạy thoát về Cam Lộ.
          Trận đánh lịch sử này, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã đánh chiếm điểm cao, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn 2 Tiểu đoàn Ngụy, bắt sống 70 tên trong đó có tên Tiểu đoàn Trưởng Hà Thúc Mẫn.
           Trung tuần tháng 4/1972, Trung đoàn nhận lệnh vượt sông Thạch Hãn, tiến về giải phóng Khu tập trung Gia Đẳng và 2 quận lỵ (Hải Lăng và Triệu phong). Với thành tích này, Trung đoàn được Đảng bộ và Nhân dân Quảng Trị gắn với cái tên rất trìu mến: “Đoàn Triệu - Hải anh hùng”.
          Ngày 2/5/1972, Quảng Trị được giải phóng.
          Nhưng liền sau đó, từ 28/6/1972 đến 16/9/1972, Trung đoàn cùng tất cả các đơn vị khác trên toàn mặt trận Quảng Trị bước vào trận chiến sinh tử (81 ngày đêm) bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Đó là một trong những trận chiến khốc liệt nhất, hy sinh nhất của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để rồi, mỗi khi đến Quảng Trị, lòng ta lại thổn thức với mấy câu thơ của người đồng đội Trung đoàn 27 đã tạc vào bia đá trên đôi bờ Thạch Hãn:
“Đò lên Thạch Hãn, ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
          Và mỗi lần đến Thành cổ, ta không khỏi rưng rưng với lời của một người lính vốn là sinh viên giữ chốt năm ấy:
“Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi
Đồng đội tôi đang nằm dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây”
Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào…”
         Sáng ngày 28/8/1972, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, của đ/c Phan Văn Cường chốt giữ tại thôn An Lộng (xã Triệu Hoà - Triệu Phong). Chỉ gần 20 tay súng, đã phải đương đầu với 2 Đại đội Thủy quân Lục chiến, dưới sự yểm trợ tối đa của xe tăng, pháo đất, pháo hạm, máy bay các loại của địch. Chúng hòng tiêu diệt bộ đội ta, nhằm mở đường cho tải chiếm Thành cổ. Mặc dù lực lượng bị tổn thất, nhưng bộ đội ta vẫn kiên cường dũng cảm đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, tiêu diệt hàng chục tên, khiến kẻ địch đã phải chùn bước.
           Trong trận chiến đấu này, Đại đội 2 đã có 7 chiến sĩ anh dũng hy sinh, trong đó có đ/c Phan Văn Cường. Đây là một tổn thất vô cùng lớn đối với anh em đồng đội, là sự mất mát đau thương của gia đình, dòng họ và bạn bè thân thích, nhưng cũng là sự hy sinh lớn lao của những người chiến sĩ cho độc lập, tự do của dân tộc.
          Với tấm lòng nghĩa tình đồng đội, tri ân Liệt sĩ. Sau khi tìm được thông tin 74 liệt sĩ của đơn vị là con em Nghĩa Đàn, hy sinh trên chiến trường Quảng Trị, chúng tôi đã xin phép địa phương tổ chức được buổi gặp mặt toàn thể thân nhân liệt sĩ của đơn vị thật ý nghĩa, làm dịu chút nỗi đau mất mát của các gia đình. Trong buổi gặp mặt ý nghĩa này có em trai của đ/c Phan Văn Cường, là anh Phan Văn Hường cùng tham dự. Có thể nói, đây là việc làm rất ý nghĩa, có tính nhân văn cao cả để cho nhiều hội đồng ngũ trên đất Thái Hòa, Nghĩa Đàn và các địa phương khác ngưỡng mộ; đồng thời cũng là dịp để anh em chúng tôi, cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành tại địa phương, gia đình và bạn bè, mãi mãi ghi ơn tạc dạ những anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, để con cháu và các thế hệ mai sau được trường tồn trong hoà bình, tự do, hạnh phúc./. 


 

Tác giả bài viết: Hoàng Anh Triển

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay4,485
  • Tháng hiện tại197,123
  • Tổng lượt truy cập1,326,833
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây