Hiện nay theo thống kê của Phòng Tư pháp, huyện Quỳ Hợp đã xây dựng được 287 tổ hòa giải ở các khối, xóm, bản, tổ dân cư, với tổng số 1826 hòa giải viên (mỗi xóm bản có 1 tổ hòa giải từ 3-7 thành viên), hoạt động đảm bảo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Hoạt động hòa giải ở cơ sở hầu hết đều do cán bộ các tổ chức đoàn thể, người uy tín ở khu dân cư đảm nhận.
Để đảm bảo đội ngũ này hoạt động hiệu quả, các xã, thị trấn, các xóm bản, khu phố rất chú trọng triển khai thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở: Xây dựng tổ hòa giải; xác định rõ trách nhiệm của mặt trận và chính quyền các cấp trong tổ chức hoạt động này...
Ông Lương Đức Anh, Chủ tịch UBMTTQ xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp cho hay: "Nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải, trong thời gian qua Ủy ban MTTQ xã Châu Thành chúng tôi đã tham mưu củng cố, kiện toàn, duy trì, hướng dẫn hoạt động hoà giải cơ sở đảm bảo theo quy định. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở xã Châu Thành đi vào nền nếp, chất lượng hòa giải được nâng lên, góp phần hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn".
Với sự vào cuộc của Ủy ban MTTQ các cấp cũng như trên cơ sở hướng dẫn của Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp thường xuyên rà soát, thống kê số lượng tổ hòa giải hiện có; số lượng tổ viên đủ điều kiện trở thành hòa giải viên, cần được bổ sung, thay thế. Cơ cấu Tổ hoà giải có Tổ trưởng và các tổ viên do Ủy ban MTTQ cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận lựa chọn, giới thiệu để nhân dân bầu và do UBND cùng cấp công nhận.
Đội ngũ cán bộ Mặt trận, hòa giải viên cơ sở ở Quỳ Hợp luôn chủ động bồi dưỡng, trau dồi nghiệp vụ, kỹ năng, cập nhật thông tin pháp luật để có thể hòa giải “thấu tình, đạt lý”, nhất là nắm chắc các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở để áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, phương thức hoà giải đôi khi không cần lập biên bản, chỉ thực hiện bằng lời nói trong trường hợp xảy ra tranh chấp nhỏ trong gia đình, hàng xóm, khi có những hành vi chưa đến mức bị xử lý hình sự, hành chính, như đánh nhau, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ, cãi nhau gây mất trật tự công cộng... Trong trường hợp tranh chấp về đất đai, công tác hòa giải được thực hiện bắt buộc do UBND cấp xã phối hợp MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện, làm cơ sở căn cứ khởi kiện tại toà án đúng quy trình.
Quỳ Hợp là một huyện miền núi tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã vùng cao đặc biệt khó khăn nên trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. Vì vậy Ủy ban MTTQ các cấp và đội ngũ hòa giải viên cơ sở đã góp phần tích cực vào tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2020 toàn huyện đã hòa giải thành công 40/67 vụ việc về tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, hôn nhân gia đình ....một cách ổn thỏa, hợp tình, hợp lý.
Cùng với đó trong 6 tháng đầu công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành ở Quỳ Hợp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc góp phần giảm đơn thư khiếu nại tố cáo trên địa bàn. Toàn huyện chỉ có 15 lượt/ 14 vụ việc công dân đến Trụ sở tiếp công dân để kiến nghị, phản ánh và khiếu nại, so với cùng kỳ năm trước giảm hơn 61%.
Để đạt được kết quả đó công tác Hòa giải ở cơ sở, yếu tố xây dựng Đại đoàn kết toàn dân ở Quỳ Hợp trong thời gian qua đã được đẩy mạnh. Trao đổi với chúng tôi bà Ngân Thị Hồng, UVBTV Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp cho biết: "Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ hòa giải ở cơ sở trên là nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở, giải tỏa các bức xúc phát sinh trong cộng đồng dân cư, từ mâu thuẫn trong gia đình, hàng xóm, đến những khúc mắc về xây dựng nông thôn mới, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.... Thông qua việc nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, dư luận xã hội, đội ngũ này đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác vận động quần chúng, nhất là tạo được sự đồng thuận cao trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương"..
Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Nhờ làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở khối xóm bản, tổ dân cư nên trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp số đơn thư khiếu nại tố cáo ngày càng giảm không có điểm nóng xảy ra trên địa bàn góp phần đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thu Hường