Trong hàng trăm chuyến xe mang nhiều biển số khác nhau khắp toàn quốc về quê tôi ủng hộ đồng bào bị thiệt hại, tôi để ý thấy nhiều xe mang biển số 37. Họ đến từ những khu phố, thôn nọ xóm kia của TP. Vinh, của các huyện trong tỉnh Nghệ An. Ngày trước tôi đóng quân ở xứ Nghệ và hiện nay thỉnh thoảng ra thăm “Chiến trường xưa” nên biết rõ những thôn xóm ấy kinh tế chưa giàu, nhưng rất giàu về tình cảm, như ngày xưa bà con tuy còn đói khổ vẫn san sẻ sắn khoai và tương cà cho bộ đội. Hình ảnh ấy cứ đọng mãi trong chúng tôi hơn 40 năm qua.
CCB Dương Xuân Tuệ đến cứu trợ cho bà con bị lũ ở xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch)
Tháng 10/2020, nước từ thượng nguồn sông Gianh ào về, nhiều nhà ven sông Gianh ngập đến mái ngói. Đúng 0 giờ 30, tôi nằm trên gác gỗ chờ nước rút để soạn đồ thì nhận được cú điện thoại của đồng chí Dương Xuân Tuệ, Hội trưởng CCB xã Nghi Đức, TP. Vinh, nhờ dẫn đường đi cứu trợ bà con vùng lũ Quảng Trạch. Đoàn cứu trợ của anh gồm 35 người và 5 chiếc xe to nhỏ cùng 3 cái bè mảng đi xuyên đêm vào Quảng Bình. Ba cái bè mảng tự chế bằng nhiều ống nhựa ghép lại, có ca bin và gắn động cơ đẩy, rất sáng tạo. Anh nói mới chỉ kêu gọi trong một thôn của mình mà hàng hóa đã chất đầy xe, gồm bánh chưng, nước lọc, mì tôm và các loại hàng thiết yếu khác, nếu nhận hàng cả xã thì nhiều xe mới chở hết.
Tôi cẩn thận hướng dẫn cho các anh chỗ hạ thủy, địa chỉ cần ưu tiên ủng hộ, dặn dò những chỗ nguy hiểm trên sông cần phải tránh. Vừa hạ ba cái bè xuống, chất hàng lên chưa kịp ăn uống gì các anh đã nổ máy ngược dòng Gianh đang cuồn cuộn nước lũ. Chúng kiến cảnh khó khăn của bà con, đoàn cứu trợ do anh Tuệ làm đoàn trưởng rất cảm động, muốn phát nhiều quà, chia sẻ nhiều tình cảm với bà con nhưng thời gian không cho phép vì mưa mỗi lúc một to, nước sông đang dâng, cảnh báo về hoàn lưu bão số 9 sẽ gây hậu qủa khôn lường.
Thấy nhiều nơi còn ngập nặng, các anh để bè mảng lại về quê chở thêm hàng, vài ngày sau lại vào Quảng Bình thêm chuyến thứ hai, tiếp tục đi cứu trợ cho bà con ở vùng thượng nguồn sông Son, gần Phong Nha. Đoàn đã đến tận những nơi khó khăn nhất, bị cô lập nhất, cần cứu trợ nhất để phát bánh chưng, nước ngọt, mì tôm cho bà con. Mới về tạm nghỉ được vài ngày thì Nghệ An bị lũ lớn, đội thiện nguyện do anh Tuệ làm đoàn trưởng lại lên đường đến xã Thanh Mỹ, là tâm lũ của Thanh Chương để cứu trợ cho bà con, mặc dù nước cũng đã vào nhà mình nhưng còn thấp.
Chuyện về người cán bộ Hội CCB xã Nghi Đức tôi chỉ biết đến vậy vì bản thân tôi nhiều ngày đi theo các đoàn thể thăm hỏi các gia đình CCB trong tỉnh bị thiệt hại nặng về người và tài sản, anh Tuệ cũng suốt ngày lăn lộn với bà con vùng lũ ở Thanh Chương, Đô Lương nên chúng tôi ít khi liên lạc với nhau. Song có một chuyện tôi mới biết khi gần đây về quê giúp ông bà dọn dẹp hậu quả lũ lụt.
Bà con xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch quyên góp hàng ủng hộ huyện Thanh Chương bị lũ.
Mặc dù sau lũ đã gần chục ngày nhưng các chuyến hàng cứu trợ vẫn tiếp tục về Quảng Bình, dù mật độ có thưa hơn. Làng tôi cũng vậy, vẫn diễn ra cảnh hàng ngày tiếng loa của trưởng thôn gọi bà con đi nhận hàng cứu trợ. Nhưng hôm nay không có tiếng loa truyền thanh của trưởng thôn mà lại có tiếng truyền tai nhau: bà con mình ai có gì thì đi quyên góp ủng hộ đồng bào Nghệ An bị lũ nhé ! Tôi chợt nghĩ, đi nhận quà thì loa cho rõ để ai cũng có thể nghe mà nhận quà đầy đủ, còn làm thiện nguyện là từ tâm nên không cần loa, vậy mà cả làng đều đến điểm tiếp nhận góp quà, không sót một ai, kể cả người nghèo nhất thôn. Người thì gạo và lương khô mới nhận được, người thì dăm chục vài trăm ngàn. Thế là nhóm thiện nguyện gom quà đầy hai ô tô, nhanh chóng hành quân ra xứ Nghệ giúp đỡ bà con ngoài ấy.
Lại nghĩ tới câu nói “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Trong hoạn nạn khắp miền Trung thì không biết ai nặng nhẹ, chẳng biết lá nào “rách” nhiều hơn lá nào, như tình cảm là thứ không thể đo đếm được. Nhưng có thể khẳng định rằng: Tình nghĩa giữa Nghệ An và Quảng Bình là rất đáng trân trọng, như tình cảm của bà con quê tôi với người dân Thanh Chương và việc làm khó diễn tả bằng lời của đồng chí Chủ tịch Hội CCB xã Nghi Đức.
Bài và ảnh: XUÂN VUI