LÀM GIÀU TRÊN VÙNG ĐẤT KHÓ CỦA CCB CAO TIẾN HÙNG

Thứ bảy - 02/05/2020 03:26 123 0
Sau bao năm cần cù lao động, hiện nay gia đình anh Cao Tiến Hùng đang sở hữu trang trại làm kinh tế khá khoa học, hiệu quả. Khác với các thanh niên trong xóm, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Cao Tiến Hùng đã chọn con đường lập nghiệp trên chính mãnh đất quê hương.
Cán bộ Hội CCB xã Kỳ Sơn và Huyện Tân Kỳ tham quan mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Cao Tiến Hùng
Cán bộ Hội CCB xã Kỳ Sơn và Huyện Tân Kỳ tham quan mô hình trồng cây ăn quả của hội viên Cao Tiến Hùng
Sau bao năm cần cù lao động, hiện nay gia đình anh Cao Tiến Hùng đang sở hữu trang trại làm kinh tế khá khoa học, hiệu quả. Khác với các thanh niên trong xóm, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, Cao Tiến Hùng đã chọn con đường lập nghiệp trên chính mãnh đất quê hương.
Được bố mẹ giao lại cho diện tích hơn 40 ha đất rừng nhận khoán, anh Hùng đã cùng vợ ngày đêm bám trụ, khai hoang phục hóa đồi núi trọc để trồng rừng nguyên liệu. Đây là vùng đất hoang vu, hẻo lánh, dân cư ở thưa thớt, nhưng bằng nghị lực vươn lên, vợ chồng anh đã phủ kín bằng màu xanh bạt ngàn tươi tốt. Để thuận lợi trong khâu đầu tư cũng như chăm sóc, thu hoạch keo, anh Hùng đã khoanh thành từng vùng trồng gối vụ, bởi vậy mà hiện nay trên khu rừng này có diện tích keo từ 2, 3 năm tuổi đến 5 năm tuổi. Theo anh: Để nâng cao hiệu quả kinh tế thì từ khâu chọn giống, chăm sóc phải tuân thủ khoa học kỹ thuật. Nhờ đó mà cứ sau sáu năm trồng, chăm sóc, gia đình anh lại thu hoạch keo xuất bán mỗi ha đạt giá trị kinh tế từ 70 đến 80 triệu đồng. Anh chia sẻ thêm: “ Bản thân trồng rừng để vừa tăng thu nhập và vừa bảo vệ môi trường sinh thái nên đã thực hiện trồng xen giữa các năm đảm bảo trên 40 ha rừng lúc nào cũng có màu xanh. Thứ hai nữa là đã bám trụ làm nông thì phải trồng cây với phương châm lấy ngắn nuôi dài”.
Cùng với trồng cây nguyên liệu, 5 năm trở lại đây gia đình anh đã cải tạo quy hoạch gần 2 ha đất để trồng các loại cây ăn quả, đào ao nuôi cá kết hợp với chăn nuôi lợn, gà. Đồng thời gia đình anh phát triển thêm dịch vụ vận tải, tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động trong xóm, tiền công 200 nghìn đồng một người/ngày. Hiện nay, mỗi năm từ mô hình kinh tế tổng hợp đem lại nguồn lãi ròng 250 triệu đồng cho gia đình.
Kinh tế phát triển, vợ chồng anh có điều kiện lo cho các con ăn học, đồng thời sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm làm kinh tế cho các hội viên CCB cũng như bà con trong xóm.  Với sự giúp đỡ của anh Hùng, hiện nay 1 số hộ dân trong xóm đã biết dựa vào tiềm năng đất đai, chú trọng công tác trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp phát triển chăn nuôi, đem lại thu nhập khá.     
 Cùng tham quan trang trại anh Hùng, ông Bùi Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Tân Kỳ ghi nhận. “Phong trào phát triển kinh tế của Hội CCB huyện Tân Kỳ đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, trong đó có anh Cao Tiến Hùng ở Chi hội Đồng Nậy xã Kỳ Sơn. Noi gương anh, hiện nay Chi hội CCB xóm Đồng Nậy xuất hiện thêm 1 số mô hình kinh tế như thế này. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục cho cán bộ, hội viên tới tham quan học tập để nhân rộng mô hình”. 
 Năng động, sáng tạo, giám nghĩ giám làm, đất đã không phụ công người, giờ đây gia đình CCB Cao Tiến Hùng đang sở hữu mô hình kinh tế cho thu nhập khá trên vùng đất khó. Hàng năm anh được suy tôn là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tân Kỳ, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con nơi đây./.

Tác giả bài viết: Cẩm Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây