VINH NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ 1975

Thứ tư - 29/04/2020 04:19 102 0
Tháng Tư năm 1975, tôi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), đang ở tuổi đôi mươi. Những ngày ấy, cứ chiều tối khi vừa ăn cơm xong, những sinh viên trẻ chúng tôi thường đến Văn phòng Đoàn trường theo dõi tin tức chiến sự ở miền Nam. Lúc này, tình hình đang diễn biến nhanh chóng. Tấm bản đồ lớn trong văn phòng cứ mỗi ngày lại được đồng chí Phó Bí thư Đoàn trường (phụ trách công tác tuyên huấn) tô thêm những lá cờ đỏ đánh dấu các địa phương vừa được giải phóng như: Tây Nguyên (Giữa tháng Ba 1975), Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3), miền duyên hải Nam Trung Bộ (Đầu tháng Tư), v.v... và ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
Nô nức đón chào miền Nam hoàn toàn giải phóng
Nô nức đón chào miền Nam hoàn toàn giải phóng
          Tháng Tư năm 1975, tôi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh), đang ở tuổi đôi mươi. Những ngày ấy, cứ chiều tối khi vừa ăn cơm xong, những sinh viên trẻ chúng tôi thường đến Văn phòng Đoàn trường theo dõi tin tức chiến sự ở miền Nam. Lúc này, tình hình đang diễn biến nhanh chóng. Tấm bản đồ lớn trong văn phòng cứ mỗi ngày lại được đồng chí Phó Bí thư Đoàn trường (phụ trách công tác tuyên huấn) tô thêm những lá cờ đỏ đánh dấu các địa phương vừa được giải phóng như: Tây Nguyên (Giữa tháng Ba 1975), Huế (26/3), Đà Nẵng (29/3), miền duyên hải Nam Trung Bộ (Đầu tháng Tư), v.v... và ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
          Theo kế hoạch của Đoàn trường, các lớp sinh viên tích cực tập các bài hát để chuẩn bị đêm liên hoan mừng chiến thắng (Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn quật khởi, v.v...). Ai cũng có cảm giác ngày chiến thắng đang đến rất gần.
          Ngày 30 tháng Tư năm 1975 là một sự kiện in đậm trong ký ức mỗi người. Sau những ngày mưa nhỏ, sáng hôm ấy, trời Vinh bỗng nắng lên, cái nắng dìu dịu đầu hè, những đám mây trắng hòa quyện với sắc xanh của bầu trời. Rất đông sinh viên tập trung dưới các loa truyền thanh của nhà trường lắng nghe tình hình chiến sự. Và đúng 11h45, bản tin thời sự của Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam vang lên một cách dõng dạc, hào sảng, rất đỗi tự hào: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút sáng nay, quân giải phóng đã tiến vào đánh chiếm Dinh Độc lập và Bộ Tổng tham mưu ngụy quyền Sài Gòn. Tổng thống ngụy Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cờ giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng!”.
          Hàng trăm sinh viên chúng tôi reo lên tột cùng vui sướng. Có những người khóc lên vì hạnh phúc. Tiếp đó Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam lại phát bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên vừa mới sáng tác “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Có những tốp sinh viên ôm nhau nhảy múa như những đứa trẻ quên cả những thầy cô của mình đang đứng đó. Thật là niềm hạnh phúc vô biên!
          Rồi chúng tôi tập hợp lại trước sân trường, đi thành từng hàng dọc, tuần hành mừng chiến thắng, hòa vào dòng người trên các phố Phan Đình Phùng, Quang Trung, Lê Lợi,... Nhiều cụ già cũng khóc. Và những dòng khẩu hiệu vang lên: “Hoan hô quân giải phóng!”, “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại!”. Khuôn mặt ai cũng vui mừng, tươi rói, ngập tràn hạnh phúc. Suốt cả buổi trưa, buổi chiều, thành Vinh như ngày hội.
          Buổi chiều chúng tôi ôn lại các tiết mục văn nghệ. 7 giờ tối, chúng tôi tham gia biểu diễn văn nghệ tại Khu nhà bạt (Nay là Nhà văn hóa lao động tỉnh Nghệ An). Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn hồ hởi, hăng say như thế. Tôi ngâm bài thơ “Toàn thắng về ta” của nhà thơ Tố Hữu mới học thuộc buổi chiều:
                   “Ôi nỗi mừng dâng mọi nỗi mừng
                   Trào vui nước mắt cứ rưng rưng
Cả Việt Nam tiến công, cả miền Nam nổi dậy
Dồn dập tim ta trăm trận thắng bừng bừng”.
          Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng tôi đã thành ông, thành bà, nhưng mãi mãi trong kí ức không bao giờ quên những tháng ngày lịch sử ấy./.

 

Tác giả bài viết: Lê Lân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây