Năm 1976, Mai Thị Thủy ở thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tròn 16 tuổi cô xung phong đi dân công xây dựng công trình cống Ba ra Đô Lương và kênh đào Vách Bắc để cung cấp nước tưới tiêu đồng ruộng cho các huyện Đô Lương, Yên Thành và Diễn Châu. Ngày 19 tháng 8 năm 1978 cô lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 49, Sư đoàn 471 đóng quân ở các tỉnh Ga Lai, Đắc Lắc, làm nhiệm vụ truy quét bọn Phun Rô ở biên giới. Tháng 11 năm 1980, Thủy được kết nạp vào Đảng và được chuyển về phục vụ tại Sân bay Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cuối năm 1981,Thủy được xuất ngũ về địa phương. Về quê, Chi bộ giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi đoàn xóm 4, xã Tăng Thành, sau này sáp nhập vào thị trấn Yên Thành. Sau đó làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ. Năm 1998 đến 2001 được bầu làm Trưởng xóm. Từ năm 2002 làm Thủ quỹ UBND thị trấn Yên Thành và phụ trách Bảo hiểm xã hội cho đến nay.
Gần 40 năm công tác, chị luôn đề cao trách nhiệm, giương mẫu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là trong hoạt động nghĩa tình đồng đội. Chị chia sẻ: Trung đoàn 49 đơn vị cũ của chị có 450 chị em phụ nữ, trong đó huyện Yên Thành có 385 đồng chí còn lại một số ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1981 đơn vị giải tán một số chị em được tuyển dụng vào Nông trường cà phê Tây Nguyên, một số về quê, nên khi giải quyết chính sách gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó Thủy bàn với một số chị em đi vào đơn vị cũ để xin lại quyết định ra quân và những giấy tờ liên quan. Nhưng vì nhiều lý do cho nên chị em không đi. Chị tâm sự và đề xuất nguyện vọng với chồng là Phan Văn Thuyên là CCB và được anh ủng hộ tạo mọi điều kiện để chị đến những nơi cần đến. Chị vào tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu gặp đồng chí Nguyễn Công Trung nguyên là Chính ủy của Trung đoàn, đến đồng chí Nguyễn Trọng Tiết ở Bắc Giang nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần để xin quyết định thành lập Trung đoàn 49; vào tỉnh đội Gia Lai Kon Tum và xuống Huyện đội Cờ Rông Năng để lấy chứng nhận là Trung đoàn 49 đã đóng quân và hoạt động ở địa bàn này trong thời gian 2 năm 4 tháng; rồi về Phòng Chính sách Quân khu 5 để xin xác nhận. Quân khu đã gửi Quyết định này về cho các địa phương. Sau 3 tháng trời, chị đã nhận được các loại giấy tờ cần thiết, chị phô tô quyết định và đi tới từng gia đình trao lại cho chị em. Trên cơ sở giấy tờ đúng quy định, Sở Thương binh - xã hội của huyện Yên Thành đã gửi quyết định cho các địa phương giải quyết các chế độ theo Nghị định 62 của Chính phủ cho chị em. Mỗi người được phụ cấp 1 lần tùy theo năm phục vụ và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Năm 1985, chị lên xã Quang Thành, thăm đồng đội và vào nhà chị Thảo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người chồng bị bệnh tâm thần, Thảo ốm đau luôn, 3 con còn nhỏ. Thấy hoàn cảnh như vậy chị đã vận động 26 chị em cùng đơn vị ở các xã Quang Thành, Tây Thành, Đồng Thành, Thịnh Thành mỗi người giúp đỡ một ít. Người ủng hộ gỗ, cát, sỏi, người ủng hộ tiền mua ngói lợp và trên 100 ngày công từ đó xây được cho gia đình Thảo 3 gian nhà ngói. Đầu năm 2020, Mai Thị Thủy được cử đi dự hội nghị Hội truyền thống Trường Sơn ở thủ đô Hà Nội. Chị đã báo cáo tình hình nữ CCB Trần Thị Định ở xã Mã Thành là chiến sỹ Trung đoàn 49 năm nay 58 tuổi, cha mẹ mất sớm, người anh cả Trần Đình Nam hy sinh ở Điện Biên Phủ, chị không có chồng, có 1 đứa con trai đang ở trong ngôi nhà dột nát. Sau hội nghị, Chủ tịch Hội Trường Sơn đã về thăm và quyết định tài trợ cho chị Định 70 triệu đồng; ngoài ra chị vận động các hội viên trong Hội Trường Sơn huyện Yên Thành ủng hộ được 20 triệu đồng. Hội CCB và nhân dân xã Mã Thành góp công, tiền xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 200 triệu đồng. Mặc dù điều kiện và hoàn cảnh bản thân và gia đình còn không ít khó khăn. Nhưng vượt qua tất cả, chị đã làm việc, đã chia sẻ, xuất phát từ tình cảm, tâm đức và trên hết là vì nghĩa tình đồng đội. Việc làm của chị đã để lại trong lòng chị em phụ nữ, đồng chí, đồng đội một tình cảm yêu thương, quý trọng. Năm nay 61 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, nữ CCB Mai Thị Thủy vẫn luôn tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Bài và ảnh: Trường Sơn