GƯƠNG SÁNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Thứ tư - 28/04/2021 21:33 117 0
Sinh sống ở những vùng quê khác nhau nhưng ông Nguyễn Thế Ký và Nguyễn Thế Kỷ đều là những người trở về từ chiến trường ác liệt, là những đảng viên mẫu mực. Hai Cựu binh này luôn phát huy phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” và thực sự tỏa sáng giữa cuộc sống đời thời.
CCB Nguyễn Thế Ký (bên tái) có nhiều đóng góp làm đường giao thông nông thôn
CCB Nguyễn Thế Ký (bên tái) có nhiều đóng góp làm đường giao thông nông thôn
Đi đầu phong trào xây dựng nông thôn mới
Mỗi lần nhắc đến ông Nguyễn Thế Ký, sinh năm 1945, bà con xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương, niềm kính trọng và biết ơn, bởi ông là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của làng xóm, quê hương. Nhất là thời gian gần đây, ông là người đi đầu trong việc ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới.
Năm 1965, tròn 20 tuổi, ông Nguyễn Thế Ký lên đường nhập ngũ, nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau 22 năm cống hiến, năm 1987 ông được nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Trở về với gia đình, ông Ký tiếp tục lao động sản xuất và tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng quê hương. Ông từng làm Đội trưởng đội sản xuất, Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ, đại biểu HĐND xã trong nhiều năm liền và luôn được bà con quý mến, tin tưởng. Bởi lẽ, làm bất cứ việc gì, ông đều nhiệt tình, tận tụy và luôn đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu.
Khi xã Thuận Sơn Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Thế Ký và bà con xóm Thuận Phú đồng tình hưởng ứng. Trong đó nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn và xây dựng Nhà văn hóa đáp ứng các tiêu chí đạt chuẩn về thiết chết văn hóa – thể thao. Gia đình ông Ký luôn là hộ đi đầu khi bỏ kinh phí đổ bê tông đoạn đường trước nhà với chiều dài hơn 40m, và đóng góp hơn 10 triệu đồng để làm đoạn đường gia đình thường xuyên qua lại, hỗ trợ làm các đoạn đường khác trên địa bàn từ 1 – 2 triệu đồng. Việc làm của ông đã khích lệ, cổ vũ bà con xóm Thuận Phú đóng góp công sức, nguyên vật liệu và chi phí để mở rộng và bê tông hóa các tuyến đường nội xóm, thuận tiện cho việc đi lại.
          Hoàn thành đường giao thông nông thôn, xóm Thuận Phú huy động bà con đóng góp xây dựng Nhà văn hóa. Một lần nữa, gia đình ông Ký lại tiếp tục gương mẫu, đi đầu tham gia đóng góp hơn 10 triệu đồng. Trong quá trình thi công, do bà con trong xóm gặp khó khăn, chưa kịp đóng góp nên thiếu kinh phí mua nguyên vật liệu và chi trả tiền công cho thợ. Gia đình ông Ký đã cho Ban quản lý xóm vay hàng chục triệu đồng để tháo gỡ khó khăn và đảm bảo tiến độ công trình. Ông Ký bộc bạch: “Mình có lương hưu, cuộc sống đỡ vất vả hơn bà con nông dân, lại là đảng viên nên phải có tinh thần giúp đỡ, chia sẻ khó khăn và vì lợi ích chung. Hơn nữa, ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào sự khởi sắc quê hương ở nơi mình sinh ra, lớn lên và cư trú gần suốt cuộc đời”.
          Ông Đàm Công Cường – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Sơn cho biết: “Tuổi cao, từng bị tai biến mạch máu não nhưng ông Nguyễn Thế Ký luôn là hội viên tích cực trong các phong trào, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Gần 55 năm tuổi Đảng, ông là tấm gương sáng để các thế hệ hội viên CCB và bà con nhân dân học tập”.
Cày đêm nuôi 5 con vào đại học
          Cùng thế hệ với ông Nguyễn Thế Ký, ông Nguyễn Thế Kỷ,  sinh năm 1947 ở xóm 7, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, cũng có quãng thời gian gần 8 năm quân ngũ, không ít lần đối mặt với hiểm nguy. Trở về với cuộc sống đời thường, bao khó khăn vây bủa, ông Kỷ cùng vợ đã nỗ lực vượt qua để nuôi 5 người con vào đại học, nay tất cả đã thành đạt.
          Trong ngôi nhà đơn sơ, ông Nguyễn Thế Ký nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ: “Bước sang tuổi 21, lúc ấy là năm 1968, tôi vào bộ đội và trở thành chiến sỹ lái xe của Đoàn 559. Địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng Hạ Lào, nhiệm vụ chính là chở vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường, thường xuyên gặp cảnh bom rơi, đạn dội, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh…”.
Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông Kỷ được phục viên, trở về quê hương tiếp tục lao động sản xuất và lập gia đình. Trong vòng hơn 7 năm, bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Kỷ) liên tục sinh 5 người con (4 trai, 1 gái). Ở vùng quê bán sơn địa Nghi Kiều lúc ấy chẳng có công việc gì ngoài làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả. Con đông, lại sinh dày nên vợ chồng ông Kỷ càng thêm phần nhọc nhằn, gian nan trong công việc mưu sinh và nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.
Cuộc sống vất vả và nghèo khổ nhưng ông Nguyễn Thế Kỷ quyết tâm cho các con học hành đến nơi đến chốn, bởi theo ông chỉ có học vấn mới thay đổi được cuộc đời. Ông Kỷ và vợ quanh năm cày sâu cuốc bẫm, gần như không có một ngày an nhàn, thậm chí có lúc đêm để các con ở nhà, vợ chồng cùng ra đồng cấy và thu hoạch lúa. Ngày quần quật với việc cấy hái, đêm vẫn soi đèn ra đồng bắt ếch bán kiếm thêm chi phí trang trải nhu cầu hàng ngày. Thấy bố mẹ quá vất vả, những người con của ông Kỷ từ nhỏ đã chăm ngoan, học giỏi, hễ rảnh rỗi là phụ giúp công việc. Rồi đến lúc 5 anh em lần lượt vào đại học, bố mẹ có lúc phải “thắt lưng buộc bụng”, vay mượn khắp nơi để lo cho chi phí ăn học hàng tháng. Nhất là thời điểm nuôi hai con học đại học và ba con học phổ thông, phải đến khi hai con đầu ra trường, có việc làm, gánh nặng mới vơi đi ít nhiều.
Đến nay, cả 5 người con của ông Kỷ đều đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định và lập gia đình riêng, trong đó người con thứ 2 là Nguyễn Thế Cung, sinh năm 1982 đã có bằng Thạc sĩ. Gia đình ông được Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc công nhận là Gia đình hiếu học, là tấm gương điển hình để bà con xã Nghi Kiều học tập. Ông Kỷ được đánh giá là đảng viên gương mẫu với 45 tuổi Đảng, luôn đi đầu trong các phong trào ở địa phương../

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Xinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây