Căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị, các Chi hội CCB trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn đã có nhiều hình thức xây dựng quỹ đa dạng và phù hợp như: Trồng keo, trồng mía, tổ chức bảo vệ ruộng đồng, tuần tra đảm bảo an ninh thôn xóm, nhận thầu làm đường giao thông, đổ cột bê tông cắm mốc…. Tiêu biểu trong hoạt động xây dựngquỹ là các Chi hội thuộc Hội CCB xã Nghĩa Mai. Hiện nay, Hội CCB xã Nghĩa Mai có 377 hội viên, sinh hoạt tại 10 Chi hội. Là đơn vị thuộc địa bàn khó khăn, hội viên CCB đa phần sản xuất nông nghiệp, nhưng Hội đã xây dựng được nguồn quỹ lên đến 769.500.000 đồng, bình quân hơn 2 triệu đồng/hội viên, cao nhất trong toàn huyện Hội. Có được kết quả đó là nhờ các Chi hội đã phát huy lợi thế từ nguồn đất đai rộng lớn, hội viên CCB sản xuất nông nghiệp nên thường xuyên có mặt tại địa phương. Các chi hội đã tổ chức trồng keo, trồng mía trên diện tích đất được giao quản lý. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: “Trồng keo gây quỹ của các Chi hội bắt đầu từ những năm 1992, 1993, khi Nhà nước có Chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc theo Quyết định 327 của Hội đồng Bộ trưởng. Các Chi hội CCB đã mạnh dạn nhận đất trồng rừng”. Việc trồng keo có ưu điểm là nguồn vốn ban đầu bỏ ra ít, việc phát cây, dọn đất các hội viên thay nhau làm, chỉ cần bỏ tiền mua cây giống. Cây trồng dễ sống, công chăm sóc không nhiều. Từ đó đến nay rừng keo của các Chi hội đã cho thu hoạch 4, 5 lần. Số tiền thu được, tùy vào từng Chi hội. Có Chi hội trích chia cho các hội viên một phần, một phần để tái sản xuất, trồng lại rừng, còn phần lớn để làm quỹ thực hiện các hoạt động phong trào... Chính vì vậy các hội viên CCB rất vui vẻ, tích cực và nhiệt tình trong hoạt động. Điển hình như Chi hội Mai Thịnh, hiện nay trồng và chăm sóc hơn 2 ha keo, Chi hội Mai Sơn có hơn 1ha. Các chi hội đều có nguồn quỹ lên đến trên 100 triệu đồng. Riêng Chi hội Mai Liên lựa chọn trồng mía trên diện tích 9.000 m2 đất. Cây mía đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn, nhưng mỗi năm đều cho thu hoạch. Hàng năm, Chi hội thu về từ 45 – 50 triệu đồng, trừ tiền đầu tư mua giống và phân bón, số tiền còn lại đủ để Chi hội tổ chức tất cả các hoạt động phong trào, còn dư để cho hội viên có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất thấp. Ngoài ra, các Chi hội còn tổ chức nhận làm công dọn cỏ, thu hoạch mía… cho gia đình các hội viên với tiền công được tính thấp hơn mức giá chung, vừa giúp đỡ hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, vừa có nguồn thu để gây quỹ. Cứ như vậy, tình cảm đồng chí, đồng đội thêm gắn kết, nguồn quỹ Hội hàng năm đều tăng lên đáng kể, các phong trào, các hoạt động nghĩa tình diễn ra sôi nổi.
Về hoạt động trồng keo xây dựng quỹ còn phải kể đến Chi hội Trung Thịnh, xã Nghĩa Trung. Chi hội hiện có 56 hội viên, nhưng có nguồn quỹ hơn 150 triệu đồng. Từ năm 2009, Chi hội bắt đầu khai hoang đất đồi trọc để trồng keo, hiện nay diện tích rừng keo rộng trên 7ha, trồng hơn 10 nghìn cây keo. Từ quả đồi hoang cằn cỗi giờ trở thành một rừng keo xanh tốt, chỉ vài năm nữa có thể thu về mấy trăm triệu đồng. Ngoài Trung Thịnh, các Chi hội ở Nghĩa Trung còn xây dựng quỹ bằng hình thức thành lập Tổ tự quản bảo vệ An ninh thôn xóm. Các Tổ tự quản có nhiệm vụ tuần tra, nắm tình hình an ninh trật tự, kịp thời báo cho cơ quan Công an có biện pháp xử lý. Tham gia hòa giải khi có vụ việc mâu thuẫn nảy sinh trong nhân dân. Hàng năm, mỗi hộ gia đình trong xóm đóng góp 20.000 đồng, số tiền này một phần để duy trì hoạt động của tổ tự quản, phần còn lại làm quỹ cho Chi hội CCB. Các Chi hội Quang Sú, Đồng Vàng (xã Nghĩa Đức), Chi hội Tân Hợp (thị trấn Nghĩa Đàn) thì xây dựng quỹ bằng cách nhận bảo vệ đồng ruộng cho nhân dân, tránh để gia súc phá hoại cây trồng. Tùy vào từng xóm, mỗi nơi sẽ quy định mức đóng góp cụ thể trả công cho việc bảo vệ, thường giao động từ 3 đến 4kg lúa/sào đất/vụ. Các Chi hội sẽ phân công hội viên tuần tra, canh giữ những cánh đồng được giao, sau mỗi vụ mùa, số tiền thu được từ việc bán lúa sẽ nhập vào quỹ Hội. Ngoài ra, các Chi hội còn nhận làm các phần việc của xóm để lấy tiền xây dựng quỹ như: Chi hội Đồng Chùa (xã Nghĩa Bình) nhận làm đường giao thông nông thôn, làm thủy lợi nội đồng, Chi hội Đức Trung (xã Nghĩa Đức) nhận đổ cột bê tông cắm mốc, Chi hội Xuân Tiến (xã Nghĩa Đức) nhận quản lý chợ….
Hoạt động xây dựng quỹ của các Chi hội CCB rất đa dạng, tùy thuộc vào tình hình cụ thể của từng đơn vị, nhưng đều được sự đồng ý, thống nhất, sự đồng tình hưởng ứng của hội viên, không có việc áp đặt và bắt buộc một cách cứng nhắc. Các hoạt động đó không chỉ giúp xây dựng nguồn quỹ Hội, mà còn là cầu nối giúp cho các hội viên thêm gắn bó với tổ chức Hội, với các đồng chí, đồng đội của mình, tạo điều kiện cho các hội viên hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, từ đó góp phần xây dựng Hội CCB ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Bài và ảnh: Đậu Huyền