Theo quan niệm truyền thống, cổng làng thường chuộng kiểu kiến trúc không cầu kỳ, phô trương mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nền nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là một điểm nhấn trong cái bố cục hài hòa với không gian của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, bến nước, ao làng, sân đình và những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc, gắn bó, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của biết bao lớp người dân quê. Để rồi mỗi người con của làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người mỗi lần nhớ về quê hương, gia đình, nơi chôn rau cắt rốn là lại bồi hồi, rưng rưng nhớ tới cái cổng làng với bao cảm xúc xốn xang.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, hối hả, xô bồ, nét đẹp của những chiếc cổng làng truyền thống đang bị mai một dần. Hình ảnh của những chiếc cổng tam quan cổ kính dần lùi vào ký ức xa xăm của lớp người cao tuổi. Thay vào đó là những chiếc cổng chào được mọc lên ngạo nghễ ở đầu thôn, đầu xã. Những chiếc cổng chào được xây dựng bằng bê tông, cốt thép thoạt nhìn có vẻ bề thế, có khi còn được tô điểm bằng những hình vẽ, hoa văn “rồng chầu, hổ phục”, câu đối ở hai bên cho có vẻ cổ kính nhưng nhìn kỹ thì lại thấy lạc lõng, vô hồn. Ở một số nơi, để có được danh hiệu làng văn hóa, lãnh đạo địa phương đã vận động người dân đóng góp kinh phí với mức thu không phải là ít để xây những chiếc cổng chào lớn được trang trí những hoa văn cầu kỳ có chi phí lên tới hàng chục triệu đồng. Cũng có những mạnh thường quân làm “ông này, bà nọ” ở xa, lâu lâu mới trở về thăm quê hương không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn xây cổng chào để được “nở mày, nở mặt” với làng, thực chất là để “khoe danh”. Không ít cổng chào hiện nay đang mất dần đi dáng vẻ thuần việt, thay vào đó là những nét kiến trúc chướng mắt, lai căng. Để được cho là “chơi sang”, “đẳng cấp”, một số cổng chào còn được gắn bảng điện tử với những dòng chữ: “well come to…” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm thể hiện sự học đòi, phô trương đến mức kệch cỡm, phản cảm.
Chiếc cổng làng truyền thống mang trong mình nó những trầm tích văn hóa và in đậm dấu ấn của thời gian. Chất quê, hồn quê phần nào cũng được kết tinh, hội tụ qua dáng dấp của chiếc cổng làng. Trước tốc độ phát triển đến chóng mặt của làn song đô thị hóa, Làm sao để níu giữ được những nét bản sắc tinh túy, đẹp đẽ trong đời sống văn hóa của mỗi làng quê nói chung, chiếc cổng làng nói riêng là nỗi niềm đau đáu không của riêng ai./.
Bùi Minh Tuấn