NGƯỜI ĐI “BẰNG ĐẦU”

Thứ ba - 11/08/2020 04:50 170 0
Vừa qua tôi dẫn đoàn cán bộ của UBMTTQ Thành phố và Phòng LĐ-TBXH đến thăm Công ty của Thành. Từ đường Vinh - Cửa Hội qua Liên đoàn địa chất 4 theo đường Lê Quý Đôn đi vào chừng 500m rẽ trái là đến Công ty máy công nông nghiệp Thành Vinh.
Lê Bá Thành (áo trắng) cùng với công nhân tại xưởng sản xuất
Lê Bá Thành (áo trắng) cùng với công nhân tại xưởng sản xuất
Bước vào Công ty chúng tôi gặp Giám đốc trẻ Lê Bá Thành
Được Thành giới thiệu hàng loạt sản phẩm do chính anh thiết kế và sản xuất như :Máy hàn Điện tử, Motơ Điện, Máy Nghiền thức ăn gia súc , Máy ép nước Mía , Máy vặt lông gia cầm… và nhiều loại máy công nông nghiệp ứng dụng phù hợp với điều kiện sử dụng cho từng đối tượng. Nhìn những bằng khen , giấy khen treo chi chít trên tường. Chủ tịch MTTQ Thành phố hỏi: Thành học cơ khí điện trường nào mà làm giỏi thê ́? Thành trả lời: Cháu không được học trường nào cả, cháu chỉ vừa học vừa làm thôi. Thế hồi học phổ thông chắc cháu học giỏi lắm nhỉ? Đẩy chiếc xe lăn thoăn thoắt không trả lời ngay vẻ mặt Thành thoáng buồn ngoảnh đi như dấu những nỗi niềm tuổi thơ cực nhọc của một đứa trẻ tật nguyền. Thành rót nước mời chúng tôi uống và tâm sự: Cháu không được một ngày cắp sách đến trường. Khi cháu mới sinh ra cũng bình thường như những bạn khác. Nhưng đến năm 3 tuổi đôi chân cháu bỗng teo tóp lại rồi tê liệt hoàn toàn. Mẹ cháu buồn lắm; rồi sau mấy năḿ mẹ Thành sinh thêm một đứa em lại bị tai biến thai sản cả mẹ và em đều qua đời. Mãi sau này mới biết bệnh của cháu và em cháu đều do di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố cháu hoạt động ở Chiến trường. Lúc đến tuổi đi học bạn bè cắp sách đến trường cháu cứ lấm lét nhìn theo. Những năm ấy có ai nhận một đứa trẻ bại liệt như cháu vào trường học đâu. Nhiều hôm cháu bò theo các bạn nằm nép ở góc trường nghe thầy cô giảng rồi lấy que viết lên nền đất những chữ o, chữ a dần dần cháu biết ghép lại thành ra biết đọc, biết viết. Về nhà nhặt được mảnh báo nào là cháu ghép lại đọc hết từng chữ, từng trang.

Bố cháu đi bộ đội, bà nội già yếu, cháu tàn tật khổ sở trăm bề. Có hôm thương bà quá cháu bò ra ruộng hái rau ngã lăn xuống bùn không ngoi lên được. Bà thay bố, mẹ nuôi cháu được bốn năm sau thì bà nội cũng về với tổ tiên. Cháu phải theo bố ra ngoài Vinh. Những ngày ở với bố cháu không làm được gì đáng kể ngày hai buổi chờ bữa cơm cháu buồn lắm. Cháu thấy không thể sống dựa dẫm mãi được. Mặc dù đôi chân không nâng nổi cuộc đời, nhưng còn có cái đầu mình phải đi lên “bằng đầu”. Nghỉ thế rồi cháu nhất quyết xin bố tìm cho mình một chỗ làm. Thật may mắn lúc ấy bác Phan Khuyên đang làm Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi. Có chương trình hỗ trợ Người khuyết tật, trẻ mồ côi. Cháu được vào làm việc ở một xưởng cơ điện vừa học vừa làm. Những ngày làm việc đầu tiên ở xưởng Cơ điện đối với người bại liệt hai chân như cháu thật cực nhọc. Nhưng chính những ngày ấy đã nhen lên cho cháu một niềm hy vọng. Cháu nghĩ: Máy móc, điện năng có thể nâng bước cuộc đời mình. Từ đó: Vừa làm, cháu vừa để tâm suy nghĩ rồi tích lũy dần những kiến thức về cơ khí, điện…
Sau những năm làm việc miệt mài cháu đã mạnh dạn xin bố được vay tiền xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thành lập Công ty riêng . Cháu không được học phổ thông , học nghề ở trường nhưng nhờ lao động cháu đã ứng dụng linh hoạt những quy luật vận hành của máy móc , những công năng của điện. Khi được tiếp xúc với các loại máy người ta sản xuất bán trên thị trường cháu đều nghiên cứu cải tiến thêm nhiều chi tiết quan trọng vượt trội. Vậy nên máy móc của cháu vừa đẹp vừa bền, giá lại rẻ hơn mà người khuyết tật có thể dùng được như: Cái máy ép nước mía , máy cắt thức ăn gia súc. Là người khuyết tật phải di chuyển bằng xe lăn nhưng các nhà sản xuất họ không làm số lùi, nhiều lần đường sá ách tắc hoặc gặp đường bé mà không tiến được là cháu đành ngồi tại chỗ. Từ thực tế đó cháu đã nghiên cứu để chế thêm số lùi cho xe mình và giúp những người khuyết tật khác có xe ba bánh tiến và lùi được dễ dàng.
Việc ứng dụng ấy có ý nghĩa thiết thân của người khuyết tật như cháu.
Nhìn nhà xưởng rộng hơn hai trăm mét vuông và gần đây lại mở rộng gấp đôi tổng tài sản trên dăm tỷ đồng. Với đủ loại máy tiện , máy bào, máy ép Thủy lực , ô tô và hàng loạt máy móc môtơ, máy thành phẩm đang chờ bốc lên xe xuất xưởng đến với bạn hàng cả nước. Có lẽ ai cũng ngạc nhiên vì những máy móc hoàn mỹ kia lại do một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tật nguyền không được học hành và đào tạo qua một trường kỷ thuật nào. Từ lao động người thanh niên ấy lại biết ứng dụng những tri thức nhân loại vào cuộc sống một cách sáng tạo như vậy. Ngoài ra Thành còn day nghề , tạo việc làm cho nhiều người khác. Đứng trước Thành tôi thấy cuộc đời này có những con người tưởng chừng như đã tàn phế nhưng họ đã vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường. Họ có thể chinh phục mọi trở ngại, dành lấy yêu thương và quý trọng của xã hội. Những giọt mồ hôi , nước mắt của Thành đã hòa quyện vào sản phẩm lấp lánh trí tuê, như những quả chín giữa mùa được chắt lọc từ bùn đất. Nó tỏa hương thơm ngát đúng như lời cổ nhân “ hữu xạ tự nhiên hương ” tài năng của Thành đã làm cho Trang Nhung một cô sinh viên xinh đẹp, giỏi giang, như một bông hoa lộng lẫy hương sắc núi rừng; tận Nghĩa Đàn những năm về Vinh học đã mê mẩn Thành rồi tình nguyện nâng khăn sửa túi cho Thành như một sự sắp đặt của đất trời và số phận. Trang Nhung vừa là người rất mực yêu thương bù đắp những khiếm khuyết của Thành vừa là một kế toán trung thành và tận tụy. Trang Nhung đã gửi gắn cuộc đời mình vào Thành. Nhung tin Thành sẽ đi “bằng đầu” dẫn dắt Nhung trên con đường hạnh phúc./.

                                                                                                                                                       Bài và ảnh: Tạ Quang Dư

 

Tác giả bài viết: Tạ Quang Dư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây