Lịch sử dân tộc, quốc gia chi phối vận mệnh, số phận của mỗi gia đình và mỗi cá nhân cũng có phần đóng góp riêng vào lịch sử quốc gia, dân tộc. Đó cũng là cách tiếp cận lịch sử đối với luận điểm “gia đình là tế bào của xã hội”.
Đạo lý của dân tộc là “Trồng cây nhân đức cho đời mai sau” là “Để lại phúc đức cho con, cho cháu”. Đạo lý của dân tộc cũng luôn nhắc nhở thế hệ hậu sinh rằng “Có trước thì mới có sau”, do vậy cần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Công cha, nghĩa mẹ”, “Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Hiếu với cha mẹ, ông bà là cơ sở của lòng hiếu với dân, trung với nước. Bởi lẽ đó, thái độ và trách nhiệm của mỗi con người đối với gia đình, quê hương, đối với lịch sử, đối với dân tộc, đối với Tổ quốc trở thành điểm nhạy cảm nhất trong nhân cách cá nhân. Đối với những kẻ bội nghĩa, vong ân quay lưng lại với gia đình, quê hương, Tổ quốc, phản bội lịch sử cần phải lên án.
Giáo dục truyền thống qua tham quan phòng truyền thống
Chưa phải là quá xa xôi, từ trước và sau Cách mạng tháng 8 đến nay, hơn 70 năm qua đi, lịch sử của mỗi gia đình gắn bó biết bao với lịch sử của cả dân tộc. Trong những ngày cuối mùa xuân, trên khắp đất nước mỗi công dân lòng náo nức nhớ lại cách đây hơn 40 năm trước theo những bước chân thần tốc của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng miền Nam, non sông qui về một mối. Nhân chứng còn đó và bao nhiêu vật chứng cũng đang còn đó, hiện diện trong cuộc sống và quan hệ của hai, ba, bốn thế hệ của mỗi gia đình.
Giáo dục truyền thống cho học sinh qua hình thức dã ngoại
Lớp trẻ ngày nay vùi đầu vào sách vở, học ở trường, học thêm, thi cử căng thẳng sau đó là giải trí, giải tỏa đầu óc giao tiếp văn hóa tinh thần ở bên ngoài gia đình. Cha mẹ chúng ở độ tuổi trên dưới 40 đang tất bật làm ăn, tranh đua làm giàu. Ông bà tuổi trên 60 mang trong mình những trải nghiệm lịch sử vô cùng quí báu thì tự coi mình là người của một thời đã qua, hoặc là vẫn còn không ít những ham muốn với lợi ích cho riêng mình, mà không mấy gắn bó với con cháu như là một nhu cầu tình cảm tự nhiên.
Những mối quan hệ trên ở các lứa tuổi phản ánh phần nào sự lỏng lẻo, thiếu hụt trong sợi dây tình cảm huyết thống máu mủ, ruột thịt mà ở đó vốn sâu nặng những giá trị văn hóa nhân hậu, vị tha, làm nên linh hồn của mỗi gia đình, của cả cộng đồng. Trong tình hình ấy, ở nhiều gia đình đã có nhiều hoạt động tìm về cội nguồn như: làm lễ thượng thọ cho người cao tuổi, tu sửa phần mộ người đã khuất, tìm mộ liệt sỹ trong gia đình hy sinh trong kháng chiến để qui tụ vào nghĩa trang, hoặc đưa hài cốt về quê hương; xây dựng lại nhà thờ họ, từ đường, lập lại và viết thêm gia phả… Những giá trị đó là hồn người, hồn dân tộc sáng lên trong diện mạo văn hóa tinh thần, trong hoạt động, giao tiếp của những người đang sống với nhau và với cả những người đã chết, xét về sinh thể mà sống mãi về tinh thần. Qua đó cũng là giáo dục lịch sử nhìn về bản chất của nó, để tiếng nói của lịch sử mãi mãi âm vang, làm nên ngọn lửa sưởi ấm và thắp sáng như nguồn năng lượng cao cho cuộc sống của từng cá nhân, của cả cộng đồng, trước hết là từ mỗi gia đình./.
QUỲNH THỤC