Tháng 8/1945, cụ tham gia dân quân tự vệ đi biểu tình giành chính quyền ở huyện. Năm 1947, cụ xung phong gia nhập vào Vệ quốc đoàn và được biên chế vào Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 57 tham gia chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên và chiến trường Lào. Đầu năm 1952 tham gia Chiến dịch Hòa Bình, cụ là Tiểu đội trưởng được giao nhiệm vụ diệt xe tăng địch thường xuyên càn quét khu vực từ An Trạch đến cầu Cụt Tai trên Quốc lộ 6. Năm đó đơn vị tổ chức cho Bộ đội ăn tết trước. Mỗi người được phát thêm 2 cái bánh chưng và một ít lương khô để ra trận địa phục kích, đây là quà của bà con dân tộc Mường ở An Trạch gửi tặng đơn vị. Sáng ngày 11/01/1952 địch cho một đoàn xe tăng từ thị xã Hòa Bình đi về phía An Trạch. Chúng vừa đi vừa bắn phá hai bên đường. Khi chiếc xe đi đầu cách địa điểm mai phục khoảng 10 mét, Viêng hạ lệnh cho Tiểu đội đồng loạt nổ súng để thu hút hỏa lực của địch, còn cụ đem theo một gói bộc phá 10 kg nhảy lên xe tăng bẻ cần ăng ten cụp xuống đặt bộc phá vào nắp pháo xe, cụ nhanh chóng rút chốt hai quả lựu đạn xòe. Cụ nhanh chóng nhảy xuống lăn 4 vòng nằm úp mặt bên vệ đường. Chiếc xe tăng chạy được khoảng 10 mét thì một tiếng nổ rung chuyển núi rừng. Chiếc xe bốc cháy, khói đen mù mịt. Cùng lúc đó toàn Tiểu đoàn nổ súng xung phong và diệt thêm 7 chiếc xe tăng nữa. Số còn lại quay đầu chạy về thị xã Hòa Bình.
Chiều hôm đó, Viêng được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, (tức là Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay) và được cử đi dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua toàn quân tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Sau đó dự Đại hội Thi đua toàn quốc ở tỉnh Tuyên Quang. Đại hội được cử 6 đại biểu trong đó có Nguyễn Văn Viêng đến báo cáo thành tích với Bác Hồ. Viêng được vinh dự chụp ảnh chung và đứng bên cạnh Bác Hồ cùng với Anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Một kỷ niêm suốt đời ông không bao giờ quên được. Bức ảnh đó ông trân trọng treo ở giữa gian nhà thờ, ai đến ông cũng bảo mùa xuân này là mùa xuân đẹp nhất. Đầu năm 1954, cụ cùng Trung đoàn 57, Sư đoàn 304 về tham gia đào giao thông hào, kéo pháo đánh chiếm sân bay Hồng Cúm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau chiến dịch thắng lợi, cụ được cử đi đào tạo Sĩ quan 3 năm ở Trung Quốc sau đó trở về xây dựng đơn vị. Năm 1964, cụ lại được điều động vào miềm Nam chiến đấu và được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Bệnh viện Quân đội ở Tây Ninh. Năm 1969, cụ bị thương phải ra miềm Bắc điều trị. Năm 1972, viết thương tái phát sức khỏe yếu, cụ được cấp trên cho về nghỉ hưu, hạng thương binh 4/4. Từ 1972 đến 1989 cụ sinh sống ở Khu gang thép Thái Nguyên. Cuối năm 1989, cụ đưa gia đình về quê ở làng Nhãn Tháp, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành. Khi có chủ trương thành lập Hội CCB, cụ là người đầu tiên đi vận động các Sỹ quan đã về hưu và thành lập Chi hội CCB ở làng Nhãn Tháp, xã Vĩnh Thành, cụ được bầu làm Chi hội trưởng.
Thực hiện Tết trồng cây của Hồ Chủ tịch, hàng năm cứ đến Tết Nguyên đán, cụ đã đi vận động nhân dân trồng cây phủ xanh các đồi trọc. Riêng đồi Nhãn Tháp nơi Bác Hồ về thăm nói chuyện với nhân dân xã Vĩnh Thành đã trồng được 4000 gốc thông. Đến nay toàn xã đã trồng phủ kín 70 ha thông ở các đồi trọc. Cụ có 4 người con trai 2 người con gái. Con đầu Nguyễn Văn Sơn sinh năm 1957 vừa tròn 20 tuổi, cụ vận động gia nhập quân đội và tham gia chiến đấu ở biên giới năm 1978. Theo gương người anh, con trai thứ 2, thứ 3 đều gia nhập quân đội và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trở về địa phương cả 4 cha con đều gia nhập Hội CCB. Suốt 18 năm từ 1989 đến 2007, cụ được tín nhiệm bầu vào Thường vụ Hội Người cao tuổi (NCT) xã và Chi hội trưởng Hội CCB thôn Nhãn Tháp. Năm 2008, cụ 88 tuổi vợ ốm nặng qua đời, cụ xin nghỉ công tác nhưng vẫn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của Hội CCB và Hội NCT. Cụ thường nói với mọi người: Sinh thời, Bác trăm công nghìn việc nhưng không khi nào quên rèn luyện thân thể, vì thế học tập và làm theo Bác Hồ từ những điều giản dị nhất. Làm theo lời Bác dạy, buổi sáng sớm cụ đi xe đạp một vòng xung quanh xóm quay lên khu tưởng niệm Bác Hồ tập dưỡng sinh rồi mới về ăn sáng.
Mùa xuân này ở tuổi 100 nhưng hai mắt cụ còn sáng đọc báo, xâu kim không phải treo kính, hai hàm răng còn nguyên vẹn, ăn ngủ điều độ, mọi công việc tự làm không phải nhờ người khác. Nhiều người hỏi bí quyết làm gì mà cụ sống thọ như thế? Cụ chỉ cười và nói: Phải sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Cụ thường xuyên làm thơ và tham gia sinh hoạt với Hội thơ làng Nhãn. Nghĩ về Bác Hồ, cụ viết: Đi xa vẫn nặng nỗi lo/ Di chúc để lại dặn dò cháu con/ Muôn dân thề nguyện sắt son/ Làm theo lời dặn, đền ơn Bác Hồ. Đó là tâm niệm khắc sâu trong trái tim của cụ./.