MÃI MÃI GHI SÂU NHỮNG LỜI BÁC HỒ DẶN CÁC NHÀ BÁO

Chủ nhật - 21/06/2020 20:45 209 0
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà báo lớn. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người thường nhắc nhở các nhà báo khi chuẩn bị viết bài báo, trước hết phải chú ý đến người đọc. Trước khi cầm bút, các nhà báo phải tự đặt ra câu hỏi: “Mình viết cho ai đọc?”. Câu trả lời rõ ràng là: “Mình viết cho quần chúng nhân dân, cho người lao động đọc, phải viết cho họ như viết cho người bạn tâm tình, người đồng chí thân thiết với tất cả thái độ tôn trọng và lòng yêu mến chân thành”. Như vậy, Người đã xác định rõ ràng: Quần chúng nhân dân, người lao động là đối tượng mà các nhà báo phải hướng tới. Bởi vậy, Người đã nhiều lần căn dặn rằng, khi cầm bút viết, mỗi nhà báo phải chú ý những điều sau đây:
Bác Hồ tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962)
Bác Hồ tại Đại hội II, Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962)
Một là, “phải viết cho sát đối tượng. Muốn vậy, phải viết theo cách nói của quần chúng nhân dân, phải sử dụng những từ ngữ mà họ hay dùng, những cách nói quen thuộc trong đời sống hàng ngày của họ”. Về mặt này, Bác Hồ là tấm gương mẫu mực. Người viết thư cho tầng lớp nào thì Người dùng cách nói phù hợp với tầng lớp đó, làm cho họ thấy gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với mình. Ví dụ khi viết thư gửi đồng bào đạo Phật, Người dùng những chữ họ vốn hay dùng, làm cho họ trở về với những điều họ đã biết, lấy những điều đã biết để hiểu cái mới mà Người muốn nói: “Đời sống của nhân dân ta dần dần dần được cải thiện, cũng như tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm… Cuối cùng tôi xin chúc các vị luôn mạnh khỏe, tinh tiến, tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”. Hoặc khi viết cho nông dân về việc phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí thì Bác lại nói theo cách nói của nông dân: “Ta muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa có kỹ, bón phân nhiều lúa vẫn xấu và lúa bị cỏ át đi”. Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí, quan liêu
Hai là, phải viết giản dị dễ hiểu. Bác từng căn dặn: “Nhớ là phải viết ngắn gọn, rõ ràng, nói những điều thiết thực, đi thẳng vào nội dung mình định nói, không kề cà, dài dòng”. Ví dụ như khi nói về các khái niệm “dân chủ”, “chuyên chính”, những khái niệm rất trừu tượng, khó hiểu nhưng Bác lại dùng những chữ gần gũi, quen thuộc với quần chúng nhân dân nên họ thấy cụ thể và dễ hiểu: “Như cái hòm đựng của cải thì phải có khóa. Nhà thì phải có cửa. Khóa và cửa cốt để phòng kẻ gian ăn trộm. Dân chủ là của cải quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa thì phải có khóa, có nhà thì phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”. Khi quần chúng đọc những câu trên thì họ thấy cài cửa, cái hòm, cái khóa rất cụ thể, quen thuộc với họ, cho nên họ thấy các khái niệm “dân chủ”, “chuyên chính” được Người giải thích rất rõ, cho nên đọc thấy dễ hiểu.
Ba là, bài báo phải có tính chiến đấu, phải đấu tranh không khoan nhượng chống kẻ thù giai cấp, chống tiêu cực, tham nhũng,… Theo Bác, “mỗi nhà báo phải luôn luôn xác định báo chí là một mặt trận, mỗi người là một chiến sĩ trên mặt trận ấy, phải tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng, phê bình những cái sai, những thói hư tật xấu trong xã hội, xây dựng cuộc sống mới, con người mới, dám bảo vệ cái đúng, không uốn cong ngòi bút của mình”. Về mặt này, Bác đã nêu gương sáng. Các bài của Bác như Bản án chế độ thực dân Pháp; Tội ác của giặc Mỹ trời không dung, đất không tha; Chống tham ô, lãng phí, quan liêu… đã góp phần quan trọng vạch mặt kẻ thù, xây dựng xã hội mới.
Bốn là, phải viết cho hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn người đọc. Muốn vậy, phải chịu khó tìm tòi những từ ngữ, hình ảnh, cách nói hay để thu hút người đọc. Như Bác từng viết: “Chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi”, “Đi theo chủ nghĩa cá nhân thì cuộc đời mình sẽ xuống dốc, mà xuống dốc thì dễ hơn lên dốc”, “Có đức mà không có tài thì chỉ giống như ông bụt ngồi trên chùa, không giúp được ai”, “Với niềm tin phấn khởi như mùa xuân, nhiệt tình như ánh sáng, chúng ta hãy bước vào công việc”,.v.v…
Năm là, các nhà báo phải thường xuyên rèn luyện toàn diện để đáp ứng nhu cầu của thời đại và của xã hội, của người đọc, “Trước hết, để làm tròn nhiệm vụ của mình, các nhà báo phải tự mình tu dưỡng đạo đức cách mạng trong đó có đạo đức nhà báo, thường xuyên học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động bởi vì báo chí là để phục vụ quần chúng nhân dân. Không những phải trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải tích cực học tập nghiệp vụ, văn hóa, khoa học kỹ thuật”. Trong điều kiện hiện nay, những lời Bác dạy trên đây càng có ý nghĩa thời sự, tình hình chính trị, tư tưởng bên cạnh những thuận lợi, vẫn có những diễn biến phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện mình, phải khiêm tốn học hỏi.
Sáu là, khi viết báo phải cẩn trọng, kiên trì, công phu, “khi viết xong rồi, mỗi nhà báo phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tự xem xét có sai gì về ý, về câu, về chữ không. Nếu có sai thì phải sửa ngay. Bởi vì khi đang viết thì bài là của mình, đến khi đăng bài rồi thì cả xã hội đọc nên phải cẩn thận, phải dò từng ý, từng câu. Trên đây, chúng tôi chỉ mới tóm tắt một số vấn đề chính mà Bác căn dặn các nhà báo. Có thể nói đây là một trong những di sản quý giá đối với những người cầm bút hôm nay. Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm, thực hành, góp phần thắng lợi vào phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

 

Tác giả bài viết: Lê Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây