NHỮNG CCB NGHỆ AN VƯỢT LÊN NỖI ĐAU DA CAM

Thứ tư - 20/10/2021 02:54 109 0
Sinh ra ở hai vùng quê khác nhau nhưng họ có điểm chung là những Cựu binh bị nhiễm chất độc Da cam, gặp hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe giảm sút vẫn nỗ lực vượt lên, góp phần xây dựng quê hương.
Xưởng cơ khí của gia đình CCB Lương Đình Thanh
Xưởng cơ khí của gia đình CCB Lương Đình Thanh
Hơn 30 năm “vác tù và hàng tổng”
Mỗi khi nhắc đến ông Lê Xuân Tỳ (SN 1948), bà con khối Hoàng Diệu, phường Hồng Sơn (TP Vinh) luôn bày tỏ niềm kính phục và nể trọng. Bởi hơn 30 năm qua (từ năm 1990 đến nay), ông Tỳ luôn là người “vác tù và hàng tổng”, lặng lẽ đóng góp cho sự bình yên và phát triển của khối phố. Hết làm Khối trưởng rồi Bí thư chi bộ, hiện tuổi đã cao, sức lực không còn khỏe nhưng vẫn đảm đương chức vụ Bí thư chi bộ khối.
Ông Tỳ là Cựu binh từng có thời gian 7 năm chiến đấu ở núi rừng Trường Sơn, chủ yếu và vùng miền Tây Quảng Trị. Trong đó, liên tục trong thời gian dài tham gia chiến đấu tại chiến trường Khe Sanh, nơi Mỹ tập trung thả chất độc làm chết cây rừng. Sau khi xuất ngũ (năm 1985), ông Tỳ được xác định bị nhiễm chất độc Da cam với tỷ lệ mất sức 61%. Trở về với đời thường, Cựu binh Lê Xuân Tỳ lập gia đình và phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Hiện tại ông sống một mình trong ngôi nhà nhỏ nằm cuối con ngõ thuộc khối Hoàng Diệu với số tiền trợ cấp hàng tháng chưa đầy 3 triệu đồng và 1,6 triệu tiền phụ cấp. Dẫu sức khỏe ngày một giảm sút, ông Tỳ vẫn hăng hái đi đầu trong các phong trào của khối.
Với cương vị Bí thư chi bộ, ông thường xuyên chỉ đạo các thành viên trong Ban cán sự và các đoàn thể vận động nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, thu gom rác thải, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn thành phố, ông Tỳ cùng các thành viên trong Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền và điều tra dịch tễ. Nhờ đó, góp phần cùng Ban chỉ đạo cấp phường nắm rõ các đối tượng liên quan để khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo an toàn cho nhân dân. “Mình thấy vẫn còn đủ sức khỏe, lại có nhiều thời gian nên phải chung tay gánh vác công việc khối phố, góp phần nhỏ bé cho cuộc sống yên bình” – ông Tỳ chia sẻ.
Ngôi nhà nhỏ của ông Tỳ được treo rất nhiều các loại huân, huy chương, kỷ niệm chương và giấy khen của các cấp, các ngành. Và đầu năm nay, Cựu binh trở về từ mặt trận Khe Sanh vinh dự được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hồng Sơn cho biết: “Đồng chí Lê Xuân Tỳ luôn là một cán bộ khối nhiệt tình, tận tụy với công việc, được bà con nhân dân quý mến và được cấp trên tin tưởng. Đồng chí thực sự là chỗ dựa vững chắc cho các phong trào ở cơ sở”.
Đi đầu trong phát triển kinh tế
Cũng trở về từ chiến trường miền Nam và mang trong mình chất độc Da cam, ông Lương Đình Thanh (SN 1952) ở xóm 2, xã Nghi Xá (Nghi Lộc) cũng là CCB tích cực tham gia công tác xã hội. Bằng nghị lực và sự thông minh, năng động, người CCB ấy đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Ông Lương Đình Thanh nhập ngũ đầu năm 1975, từng tham gia chiến đấu ở vùng núi rừng phía Tây tỉnh Quảng Trị và địa bàn tỉnh Tây Ninh cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Thời điểm hành quân qua miền Tây Quảng Trị, cây cối đã xanh tươi nhưng vẫn bắt gặp những thùng phuy chứa hóa chất nằm rải rác trên các tuyến đường.“Ai cũng biết những thùng phuy ấy là do máy bay Mỹ thả xuống từ mấy năm trước nhưng không nghĩ là chất độc hóa học, càng không biết đến hậu quả khủng khiếp do nó mang lại” – ông Thanh tâm sự.
Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra (1979), đơn vị của ông Lương Đình Thanh được điều lên tỉnh Lạng Sơn, tham gia chiến đấu đánh quân Bành Trướng xâm lược bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thành nhiệm vụ, năm 1980 ông Thanh được xuất ngũ, và năm 1982 lập gia đình. Thấp thỏm chờ đợi tới hai năm, cuối cùng vợ ông Thanh cũng sinh được con trai đầu lòng, đặt tên là Lương Đình Nghiêm (SN 1984). Nhưng rồi “Niềm vui ngắn chửa tày gang”, vừa sinh ra Nghiêm đã mang dị tật, càng lớn thể chất và trí tuệ càng thua kém những đứa trẻ cùng trang lứa. Ban đầu không hiểu nguyên do, về sau mới biết là do di chứng chất độc Da cam từ người bố. Dù hết sức buồn khổ, vợ chồng ông Thanh đã động viên nhau vượt qua và hy vọng lần sinh tiếp theo sẽ có niềm vui trọn vẹn. Và may mắn đã mỉm cười khi người con thứ hai, thứ ba và thứ tư (2 gái, 1 trai) sinh ra và lớn lên đều khỏe mạnh, không có biểu hiện của di chứng chất độc Da cam.
Là một đảng viên, sau khi xuất ngũ, ông Lương Đình Thanh tích cực tham gia công tác xã hội, từng làm Kế toán UBND xã, Phó Chủ nhiệm HTX phụ trách sản xuất gạch ngói, liên tục làm Trưởng xóm và Bí thư chi bộ trong nhiều năm. Để trang trải cuộc sống, nuôi 4 con nhỏ, vợ chồng nhận làm hai mẫu ruộng, tập trung chăm bón để lúa đạt năng suất cao. Ông Lương Đình Thanh được người dân Nghi Xá đánh giá là người năng động trong sản xuất, làm ăn. Gia đình ông là hộ đầu tiên mua máy xay xát và máy tuốt lúa vừa đáp ứng nhu cầu gia đình, vừa phục bà con trong xã. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, thời điểm cao nhất trong chuồng có tới 50 con. Nguồn thu nhập ngày càng tăng lên, giúp gia đình có điều kiện mở rộng sản xuất và nâng cao đời sống. Ông Thanh cũng là người đầu tiên mở xưởng hàn xì, sản xuất các loại vật dụng thông thường như xe rùa, cửa sắt, cánh cổng và hàng rào bằng sắt, thép. Hiện tại, xưởng cơ khí của ông Thanh có 6 nhân công với các loại máy móc khá hiện đại, hầu như lúc nào cũng có việc làm với mức thu nhập ổn định.
Ông Hoàng Văn Thái – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Nghi Xá cho biết: “Ông Lương Đình Thanh là hội viên tích cực tham gia công tác xã hội và giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn. Trong phát triển kinh tế, ông Thanh là người chăm chỉ, năng động và làm ăn có kế hoạch”.
                                                                  


 

Tác giả bài viết: Công Kiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây