XÂY DỰNG HỘI CƠ SỞ Ở HUYỆN MIỀN NÚI, VÙNG CAO

Chủ nhật - 26/12/2021 20:08 102 0
Quế Phong là huyện miền núi, vùng cao, có gần 75 km đường biên giới chung với huyện Sầm Tớ và huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Dân số hơn 71 vạn người, với 7 dân tộc cùng chung sống (Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Thổ, Tày, Mường), trong đó dân tộc ít người chiếm 90,6%.
Đ/c Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh trao tặng Bằng khen cho 8 tập thể và cá nhân tiêu biểu
Đ/c Thiếu tướng Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh trao tặng Bằng khen cho 8 tập thể và cá nhân tiêu biểu
Năm 2018, Hội CCB huyện có 16 tổ chức Hội cơ sở, với 180 chi hội. Năm 2019, sau khi sáp nhập, còn 15 tổ chức Hội cơ sở, với 104 chi hội. Số hội viên toàn huyện trên 2.100 người, trong đó hội viên là dân tộc ít người chiếm 86,7%. Phần lớn hội viên CCB tuổi cao, trình độ văn hóa thấp; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, hội viên…
Thực hiện Kế hoạch số 13/KH-CCB ngày 26/3/2018 của Thường trực Hội CCB tỉnh về “xây dựng điểm Hội CCB cơ sở vùng dân tộc ít người ở huyện Quế Phong, giai đoạn 2018-2021”; Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực các tổ chức Hội trong huyện Quế Phong đã quán triệt, tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đạt kết quả toàn diện, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn các năm trước.
Nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội
 Từ huyện đến cơ sở luôn chăm lo công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị…của các cấp; động viên cán bộ, hội viên phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt các nhiệm vụ của Hội và địa phương. Trong đó, đã chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của 92 CCB là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; 22 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội CCB cơ sở và các chi hội trưởng là người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và đồng bào các dân tộc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy chế, quy định, nhiệm vụ của địa phương.
Để kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt và hoạt động, của Hội cơ sở và chi hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp đa dạng. Năm 2017, Hội CCB xã Nậm Nhoóng có 9 chi hội, với 59 hội viên, trong đó có 3 chi hội có 5-6 hội viên, một số chi hội trưởng ở bản xa, tuổi cao, không biết đi xe máy, trình độ văn hóa chỉ lớp 3, lớp 4; số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự về không muốn tham gia sinh hoạt Hội, có năm không kết nạp được hội viên nào. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Thường trực huyện Hội và Đảng ủy xã, Ban Thường vụ Hội CCB xã đã tập trung thực hiện các nội dung: Lựa chọn cán bộ Hội có năng lực, uy tín cao (năm 2018 và 2019 đã kiện toàn 7 lượt cán bộ); duy trì nề nếp sinh hoạt BCH, BTV và các chi hội; tổ chức tập huấn cán bộ; phân công cán bộ Hội xã dự sinh hoạt chi hội, đối thoại với hội viên; phát huy hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở… Vì vậy, nhận thức của hội viên và trình độ của cán bộ Hội được nâng lên. Trong 3 năm, Hội đã kết nạp 7 hội viên, đạt 100% số thanh niên xuất ngũ về địa phương; chất lượng sinh hoạt Hội có nhiều chuyển biến mới. Chi hội bản Long Quang, xã Tiền Phong lại có cách làm: Sinh hoạt chi hội thường ngắn gọn (khoảng 1 giờ), còn giành thời gian đi thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn, đề xuất các biện pháp giúp đỡ hội viên; vận động đóng góp quỹ Hội... Chi hội bản Pà Khổm, là bản vùng cao của xã Tri Lễ chỉ có 5 hội viên, đã phối hợp với Ban công tác Mặt trận bản, tham mưu cho chi bộ thành lập tổ tuyên truyền, đi đến các gia đình vận động nhân dân thực hiện theo các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không tái trồng cây thuốc phiện, không mua bán trái phép chất ma túy, không xâm canh, xâm cư, không di cư tự do trái pháp luật, không ăn lá ngón, không tảo hôn… Những việc làm của chi hội đã góp phần giải quyết các vụ việc ở cơ sở, từ năm 2019 đến nay, các tình trạng trên không còn xảy ra. Ngoài ra, chi hội còn tham mưu cho cấp ủy củng cố lại chi đoàn, vì trước đây chi đoàn chỉ có tên nhưng ít khi tổ chức sinh hoạt và hoạt động. Các cuộc sinh hoạt chi đoàn, đồng chí chi hội trưởng hoặc chi hội phó đều được mời tham dự để tuyên truyền, giáo dục, động viên thế hệ trẻ, trong đó có nêu những gương tốt về phát triển kinh tế, xây dựng bản làng của những cá nhân, hộ gia đình trong bản để để lớp trẻ học tập, noi theo.
Từ năm 2018-2021, toàn huyện Hội kết nạp 126 hội viên. Hiện nay 100% CCB tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội, tăng 2% so với trước năm 2018. Chế độ sinh hoạt Hội được thực hiện có nề nếp, nội dung sinh hoạt đa dạng hơn. Nội bộ Hội đoàn kết, thống nhất cao. Đội ngũ cán bộ Hội được kiện toàn, năng lực của nhiều đồng chí được nâng lên. Số chi hội, Hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ và số hội viên gương mẫu đều tăng so với trước; 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng 26,66% so với trước năm 2018. Số tập thể và cá nhân xuất sắc đều bảo đảm theo chỉ tiêu quy định.
 Điểm sáng về xóa nghèo, phát triển kinh tế
Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện cụ thể trên từng địa bàn, từ huyện Hội đến các chi hội đã có nhiều cách làm sáng tạo; động viên cán bộ, hội viên tích cực, chủ động khắc phục những khó khăn, phát huy các nguồn lực trong và ngoài Hội để xóa nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình hội viên và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Ở xã Hạnh Dịch, đơn vị làm điểm của huyện, trước năm 2018, số hội viên nghèo của xã chiếm 58,9%. Hội đã động viên CCB cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình kinh tế VACR để phát triển kinh tế hộ gia đình; phối hợp với Ban Nông nghiệp mở 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho 54 hội viên; tổ chức cho hội viên tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế của các xã bạn; chỉ đạo xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của CCB Hà Xô Viết… Đến nay toàn xã có 47 mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế, trồng keo…, hàng năm, mỗi mô hình cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng. Số hộ CCB nghèo trong xã hiện còn 21%, so với trước năm 2018 giảm được 37,9%.
Hội CCB xã Thông Thụ đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu không còn phù hợp, xây dựng mô hình 5+1 (vận động 5 hội viên khá giúp 1 hội viên nghèo). Do vậy, từ 46 hộ CCB nghèo năm 2018, đến nay còn 12 hộ nghèo, hội viên không còn nhà dột nát, tạm bợ. Còn ở chi hội CCB Bản Long Quang, xã Tiền Phong: Năm 2017 chi hội có 12 CCB hộ nghèo, sau 3 năm xóa được 8 hộ thoát nghèo, hiện còn 4 hộ (năm 2022 sẽ phấn đấu không còn hộ nghèo). Để có được kết quả đó, chi hội đã tiến hành khảo sát, rà soát, phân thành 3 loại hộ nghèo (thứ nhất, hộ nghèo, già cả không nơi nương tựa; thứ hai, hộ nghèo có sức lao động nhưng không tích cực, thiếu vốn, có tư tưởng trông chờ ỷ lại; thứ ba, hộ nghèo tích cực lao động sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu vốn đầu tư); từ đó đề ra các biện pháp phù hợp đối với từng loại để hội viên phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
 Hội viên Lô Thanh Bình, chi hội CCB bản Na Phày, xã Mường Nọc thấy rằng: Tuy đất đai nhiều, nhưng hàng năm nhiều hộ gia đình hội viên và nhân dân trong vùng vẫn thiếu đói, vì cách sản xuất còn theo lối cũ, không tiếp cận được với các loại giống mới, khi đi mua giống và phân bón thường mua phải loại hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ thực tế đó, anh đã tập trung chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây công nghiệp; thành lập Hợp tác xã; mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật về cho bà con; đưa giống lúa mới vào canh tác cho năng suất cao; vay vồn Ngân hàng đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, đóng gạch không nung, tạo việc làm cho con em CCB… và CCB Lô Thanh Bình trở thành hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Đến nay, số hộ hội viên nghèo toàn huyện còn 12,53%, giảm 12,52% so với năm 2018. Riêng năm 2021, giảm 3,32%, là đơn vị có tỷ lệ giảm cao nhất so với các đơn vị trong tỉnh Hội. Số hộ CCB cận nghèo còn 21,62%, giảm 35,54% so với năm 2018 (năm 2018 còn 57,16%). Số hộ khá, giàu chiếm 57,49%.
Cùng với các nội dung trên, công tác phối hợp giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở và hoạt động đối ngoại nhân dân được các cấp Hội tích cực thực hiện, đạt hiệu quả thiết thực. Các tổ chức Hội đã xây dựng được 78 mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực (tăng 26 mô hình so với trước năm 2018). Tại Hội nghị sơ kết 3 năm xây dựng điểm Hội cơ sở ở huyện Quế Phong, đồng chí Nguyễn Đình Minh, Chủ tịch Hội CCB tỉnh đã trao tặng Bằng khen của tỉnh Hội cho 8 tập thể và cá nhân tiêu biểu; ghi nhận, biểu dương những nổ lực lớn, đạt nhiều kết quả tốt trong xây dựng và hoạt động của Hội CCB các cấp trong huyện; đồng thời yêu cầu Hội CCB các huyện, thị vùng dân tộc ít người trong tỉnh tham khảo, học tập kinh nghiệm của Hội CCB huyện Quế Phong, tiếp tục xây dựng Hội cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới./.

Trần Thiếu Huyền

Tác giả bài viết: Trần Thiếu Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây