Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Quân đội, chiến đấu lập công trên tuyến lửa Trường Sơn, người anh hùng có tuổi đời trẻ nhất, khi được phong tặng trong số 47 Anh hùng trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Phan Văn Qúy bắt tay vào một cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt, cuộc chiến thương trường. Mặc dù trải qua nhiều thất bại, nhưng với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, không chùn bước trước khó khăn, gian khổ, người anh hùng Trường Sơn năm xưa đã từng bước khẳng định mình. Năm 2001, ông cùng với một số bạn bè đã thành lập Tập đoàn Thái Bình Dương, do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc. Do sản xuất kinh doanh phát triển, hiện nay Tập đoàn Thái Bình Dương có 16 doanh nghiệp thành viên và liên kết đầu tư kinh doanh trên 3 lĩnh vực chính là bất động sản, công nghiệp và khoáng sản, với tổng số vốn điều lệ hơn 1000 tỷ đồng. Những năm gần đây Tập đoàn đã nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng.
Sau khi đạt thành tích bước đầu, Phan Văn Qúy cùng với Tập đoàn Thái Bình dương dành một phần lợi nhuận để triển khai các chương trình hết sức có ý nghĩa cho quê hương Yên Thành, tỉnh Nghệ An nói riêng và cả giải đất miền Trung nói chung. Ông Thường tâm sự: Là một người con của quê hương nên khi đã được thành công, tôi thấy rất cần phải có trách nhiệm với mảnh đất đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn trưởng thành.
Năm 2008, ông là một trong những sáng lập viên sáng lập ra “Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung”, nhằm vận động hỗ trợ, tài trợ phòng tránh giảm thiểu thiệt hại cho 14 tỉnh ven biển miền Trung, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Chỉ tính sau 3 năm, Quỹ đã quyên góp được 100 tỷ đồng, xây dựng được 30 nhà cộng đồng tránh lũ trên giải đất miền Trung, trong đó Nghệ An có các công trình tại các xã Công Thành (Yên Thành), Diễn Hoàng (Diễn Châu), Hưng Nhân (Hưng Nguyên).
Bên cạnh “Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung”, Tập đoàn Thái Bình Dương còn dành hàng tỷ đồng tài trợ cho “Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và các chương trình từ thiện nhận được của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi lễ trao cúp vàng doanh nhân Xứ Nghệ lần thứ 2, ông Quý đã tài trợ cho Quỹ vì người nghèo Nghệ An 250 triệu đồng, Quỹ khuyến học Nghệ An 200 triệu đồng. Tháng 03/2001, lãnh đạo Tập đoàn Thái Bình Dương đã trao 120 triệu đồng cho Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để ủng hộ nhân dân Nhật Bản sau thảm họa động đất, sóng thần. Đối với huyện Yên Thành, ông đã tài trợ xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo xuất khẩu lao động huyện, từ đây hơn 700 người con quê hương Yên Thành đã có công việc ổn định. Chưa hết, Tập đoàn Thái Bình Dương còn tài trợ một máy siêu ấm của Đức, trị giá 300 triệu đồng cho Bệnh viện Đa khoa huyện, góp phần quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi thấy hàng trăm hộ gia đình ở xã Nhân Thành chưa được dùng nước sạch, ông Quý tài trợ xây dựng Nhà máy nước có công suất 1.500 m3 /ngày đêm phục vụ nhu cầu cung cấp nước sạch cho hơn 10.000 dân, với tổng vốn tài trợ hơn 3 tỷ đồng. Tiếp đó, ông Quý cùng với Tập đoàn đã đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế phía Nam huyện Yên Thành, với số vốn hơn 2 tỷ đồng. Trong vụ tai nạn sập mỏ đá Lèn Cờ, xã Nam Thành, Tập đoàn hỗ trợ 100 triệu đồng giúp đỡ các gia đình nạn nhân.v.v. Tổng số tiền mà Tập đoàn Thái Bình Dương đã tham gia tài trợ ủng hộ trong những năm gần đây hơn 27 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Nghệ An hơn 50%, với những dự án chương trình trên các lĩnh vực đền ơn đáp nghĩa, phòng tránh thiên tai, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài. Riêng xã Nhân Thành, ngoài tài trợ xây dựng Nhà máy nước phục vụ cho hơn 10.000 người dân, 5 cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã, ông Quý còn ủng hộ hơn 100 triệu đồng quỹ khuyến học khuyến tài dòng họ Phan Văn.
Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương xứ Nghệ, đến thăm xã Nhân Thành, nơi sinh ra hai người Anh hùng LLVT Nhân dân, chúng tôi thấy Nhân Thành đã đổi thay, được UBND tỉnh Nghệ An công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ba trường học, trụ sở làm việc của UBND, trạm y tế xã được làm cao tầng khang trang. Ngày Anh hùng Phan Văn Qúy lên đường nhập ngũ, toàn xã mới có 35% hộ dân có nhà ngói sân gạch, bây giờ cả xã đã “ngói hói”, trong đó có hơn 40% số hộ làm được nhà cao tầng, mua được ô tô, máy nông cụ. Đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, trải nhựa hoặc bê tông hóa, trồng hoa hai bên vệ đường. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, với mức thu nhập 46 triệu đồng//người/năm. Dịp này, đến thăm xóm, thôn nào, bà con Nhân Thành cũng nhắc đến Anh hùng Phan Văn Qúy. Dòng họ Phan Văn tôn vinh ông không những chiến đấu lập công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây mà còn thành đạt trong phát triển kinh tế, làm nhiều việc từ thiện nhân đạo cho quê hương. Ông là tấm gương cho tuổi trẻ Nhân Thành học tập noi theo. Đối với anh hùng Phan Văn Qúy, ông đã biết san sẽ thành công trong kinh doanh. Đó là nền móng vững chắc để người lính Trường Sơn năm xưa từng bước khẳng định mình trên thương trường hôm nay./.
Bài và ảnh: Lê Hoài Thung