Giải phóng xong Định Quán thì sang đầu tháng 4 năm 1975 Sư đoàn tôi được lệnh hành quân về đánh địch ở thị xã Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh lúc ấy. Lúc bấy giờ tôi là Đại đội trưởng cũng chỉ biết là hành quân chứ chưa biết đánh Xuân Lộc. Sau khi hành quân đến vị trí tập kết mới biết đây là Xuân Lộc. Tại đây, quân địch phòng thủ rất kiên cố có Sư đoàn 18 ngụy do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Ngoài Sư đoàn 18 còn có nhiều Chiến đoàn, Thiết đoàn và lính bảo an bảo vệ. Đúng 5 giờ sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975 sau 15 phút Pháo binh Sư đoàn và Pháo Quân đoàn đồng loạt bắn cấp tập thì xe tăng và bộ binh ta tiến công. Nói về Pháo binh của Sư đoàn bao gồm 1 Tiểu đoàn pháo mặt đất 85 ly gọi là Ca nông nòng dài, 1 Tiểu đoàn Lựu pháo 105 ly và 1 Tiểu đoàn Pháo cao xạ 37 ly. Riêng Pháo binh của Quân đoàn chỉ có pháo 130 ly ngày ấy gọi là vua chiến trường .
Theo dự tính của cấp trên thì trận đánh này có thể kết thúc trong vài 3 ngày nhưng thực tế lại kéo dài vì đây là khu vực phòng thủ cuối cùng cho nên chính quyền Sài Gòn tăng cường lực lượng và quyết tâm giữ đến cùng. Đánh đến ngày thứ 5 mà ta không thể nào dứt điểm được cho nên Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã cử Tướng Trần Văn Trà - Phó Chỉ huy Chiến dịch đến tận Xuân Lộc khảo sát và quyết định chỉ cần dùng một lực lượng nhỏ tiếp tục đánh như thường lệ còn tất cả lực lượng tập trung đánh cắt ngang đường số 1 và Dầu Dây nhằm cô lập hoàn toàn Xuân Lộc với Biên Hòa và Sài Gòn cho nên Xuân Lộc mất tác dụng. Theo cách đánh đó cho nên chỉ mấy ngày sau đó số chết và còn lại ở Xuân Lộc phải tìm cách tháo chạy về Biên Hòa và Sài Gòn .
Chiều 20 tháng 4 sau khi Xuân Lộc được giải phóng và đến ngày 21 tháng 4 Nguyễn Văn Thiệu bắt buộc phải từ chức. Từ ấy trở đi đơn vị tôi tiếp tục vừa đánh địch vừa củng cố lực lượng xốc lại đội hình. Đến ngày 26 tháng 4 Sư đoàn tôi được lệnh nổ súng đánh địch ở Yếu khu quân sự thị trấn Trảng Bom và thời khắc này cũng là mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đến đây tôi lại nhớ bài thơ của Lê Đức Thọ trong đó có đoạn: Nghe chim tu hú gọi // Rừng Lộc Ninh sáng rồi // Suốt đêm qua không ngủ // Nằm đếm tiếng mưa rơi // Lo cho anh bộ đội // Lặn lội quảng đường dài // Hết tăng rồi lại pháo // Mong chẳng thấy tăm hơi .
Lúc bấy giờ Sở Chỉ huy Chiến dịch đang ở Lộc Ninh. Những ngày này năm ấy đang là mua hè tức cuối mùa khô. Thời tiết ngày ấy ở miền Nam chia hai mùa rõ rệt không phải như bây giờ có sự thay đổi. Mùa khô trong ấy là rất nóng. Tôi nhớ khi đơn vị hành quân vào chiếm lĩnh trận địa đi qua nương rẫy của bà con ta nhìn toàn là chuối và đu đủ. Nhìn chín đỏ mà thèm. Ngày ấy cứ rỗi thời gian một chút là Chính trị viên mở đài ra nghe tin tức. Đài báo tin chiến thắng các nơi mà háo hức như thúc dục mọi người phải tiến nhanh. Khi đội hình đến Hố Nai cách Sài Gòn chừng 70 km thì bọn địch ở đây chống trả quyết liệt và pháo địch từ Biên Hòa bắn ra mạnh liệt nhằm chặn bước tiến của quân ta cho nên gây cho ta không ít thương vong. Nhưng rồi rạng sáng ngày 30 tháng 4 đội hình Sư đoàn tôi cũng có mặt gần xa lộ Biên Hòa – Sài Gòn (cách Sài Gòn chừng 40 km). Tranh thủ lúc im tiếng súng chúng tôi tạm nằm bên những vệ cỏ nằm thiếp đi và tờ mờ sáng 30 bỗng nghe tiếng xe máy xe ô tô vọng lại anh em chúng tôi tỉnh dậy mới biết mình đang ở gần xa lộ. Bao năm sống chiến đấu ở trong rừng nay được ra đồng bằng cảm thấy sảng khoái lạ thường. Ăn vội bánh lương khô, đơn vị lại tiếp túc hành quân. Đến cầu Đồng Nai, quân địch lại chống cự và dọc đường từ cầu Gãy đến cầu Đồng Nai lính ngụy vứt quần áo tháo chạy đầy đường. Nhìn thấy họ chúng tôi chỉ cười và vẩy tay thân thiện. Thậm chí có đoạn gặp xe con người lái xe còn dừng lại tươi cười mời ông lên xe tôi chở đi. Đến gần 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi cũng có mặt ở Dinh Độc Lập. Đến lúc này hai hàng nước mắt chúng tôi ai cũng rưng rưng vì quá sung sướng. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau không nói nên lời bởi ngày ra đi đánh giặc có ai nghĩ tới cái ngày Bắc - Nam thống nhất đâu. Nghĩ tới Sài Gòn là ảo tưởng và dù có chiến thắng thì chắc gì mình còn sống để trở về.
Sau khi Bộ Tư lệnh Chiến dịch vào tiếp quản và giao cho Quân đoàn 4 trong đó có Sư đoàn tôi ở lại làm nhiệm vụ Quân quản, còn các đơn vị rời thành phố làm nhiệm vụ khác, thế là chúng tôi ở lại với Sài Gòn thân yêu. Đêm ấy và mấy ngày sau đó bà con ta ở Sài gòn thay nhau vào thăm Quân giải phóng rồi tặng quà bánh cho chúng tôi.
Đã hơn 50 năm kể từ ngày lên đường cầm súng và vượt trường sơn đánh giặc, đến nay ký ức trong tôi chẳng bao giờ quên được. Đúng là: Đất nước của những người con gái, con trai ra đi không hề rơi nước mắt / Nước mắt chỉ giành cho ngày gặp mặt ./.
Đào Nguyễn