CCB HUYỆN QUẾ PHONG TỪNG BƯỚC HIỆU QUẢ VỐN ỦY THÁC NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Thứ hai - 17/04/2023 02:57 169 0
Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) lúc đầu nằm trong Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; là nhánh chuyên phục vụ người nghèo và làm công tác xã hội; sau tách ra thành Ngân hàng độc lập với tên gọi Ngân hàng CSXH. Mục đích tôn chỉ đúng với tên gọi: Ngân hàng CSXH chuyên phục vụ người nghèo, làm chính sách xã hội, không vì lợi nhuận.
Gia đình CCB Lô Văn trường kiểm tra đàn dê về chuồng
Gia đình CCB Lô Văn trường kiểm tra đàn dê về chuồng
          Năm 2007 Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong tổ chức ủy thác một phần với tổ chức chính trị xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội CCB và Đoàn Thanh niên. Tổ vay vốn lập theo khối, bản, giao một hội ủy thác chịu trách nhiệm.
          Hội CCB huyện Quế Phong năm đầu ủy thác có phần lúng túng. Đại diện Thường trực Huyện hội ký vào giấy ủy thác “cũng thích” nhưng một số khái niệm về tài chính ngân hàng chưa thật hiểu rõ nội dung. Đối với tổ viên được vay, cầm đồng tiền ủy thác “cũng mừng” nhưng làm gì để sinh lời thì còn mơ hồ. Khởi đầu ủy thác chỉ có món vay giảm nghèo, mỗi suất 5 triệu đồng, lãi suất 0,5%, ít khi giải được bài toán thoát nghèo. Thực tế có hiện tượng số CCB đã có tuổi, khi đồng vốn đến tay “thích quá” đem cất trong rương, trong hòm, đến tháng đem trả lãi suất cho tổ trưởng vay vốn, lúc hết số tiền được vay thì bảo: đã trả xong tiền cho Ngân hàng. Số CCB trẻ cứ đòi có vốn mới làm công trình, dự án. Khi được giải ngân, số tiền chưa biết đưa vào làm việc gì trong lúc lãi suất tính từng ngày, đến khi có dự án, công trình, số lãi gần với vốn vay ban đầu. Bên cạnh đó vốn Nhà nước về Ngân hàng mỗi năm hàng chục tỷ đồng, cán bộ Ngân hàng phải xuống từng xã, thị thúc dục các tổ nhận vốn giải ngân, nếu chậm Giám đốc Ngân hàng lại bị nhắc nhở thậm chí kỷ luật, vì là huyện nghèo, có tiền lại không tiêu thụ được. Từ đó hàng năm thu lãi đã khó, hiệu quả đồng vốn lại không cao. Có người lãi ngang với vốn vay ban đầu.

          Từ thực tiễn cọ xát với Ngân hàng, với vốn ủy thác, qua các cuộc họp ban đại diện, tổ vay vốn và từng hộ vay; rút kinh nghiệm của cán bộ Hội các cấp, từng bước hiểu được thế nào là “một vốn bốn lời”. Đồng tiền là phương tiện, sử dụng làm ăn để thoát nghèo, tiến lên làm giàu. Thường trực huyện Hội xuống từng cơ sở, đến với tổ vay vốn, gặp từng hộ vay để trao đổi, giải thích; đưa đi tham quan, học tập các tổ và các cá nhân làm ăn tốt. Cũng qua một kỳ đại hội, đồng vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH mới đi vào thực chất, bảo đảm giá trị đồng vốn cho vay.
          Hiện nay số dư nợ do hội viên CCB huyện Quế Phong ủy thác quản lý: 106 tỷ 306 triệu đồng gồm 17 món vay với 36 tổ vay vốn phủ khắp các xã, thị trấn. nhiều nhất món vay xóa đói, giảm nghèo hơn 34 tỷ đồng; vay làm công trình vệ sinh, nước sạch 3 tỷ 200 triệu đồng. vay làm nhà ở, giải quyết việc làm, sinh viên học, xuất khẩu lao động, kinh doanh… mỗi món từ 1- 4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng chục tổ vay vốn của các tổ chức chính trị xã hội khác ủy thác, mỗi tổ cũng hơn 100 tỷ đồng.
          Qua những năm tháng gắn bó với Ngân hàng CSXH, Thường trực Hội từ huyện đến cơ sở luôn trăn trở tìm giải pháp để đạt được mục tiêu: Vừa giải ngân được vốn Ngân hàng CSXH, đem lại hiệu quả cho từng gia đình vừa trả được vốn và lãi cho Ngân hàng. Mỗi lần đi cơ sở, ngồi họp với các tổ vay vốn, cán bộ hội luôn bàn luận nói rõ mục đích của Ngân hàng, trách nhiệm của người vay. Đồng vốn của Ngân hàng như “bà đỡ” để từng hộ “vượt cạn” vươn lên có vay, có trả, Nhà nước không thể cho không.
          Từ đồng vốn Ngân hàng CSXH, đến nay đã có 63 mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh khá, giỏi; tuy quy mô khác nhau nhưng được coi là hạt giống tốt nhân lên đại trà. Đứng đầu là xã Tiền Phong với 12 tổ 100% vốn vay đều đưa vào sản xuất kinh doanh, tiêu biểu mô hình CCB Vi Văn Duẩn ở chi Hội bản Đan làm gia trại VACR; CCB Nguyễn Văn Bảy, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; Lương Văn Xuyên; Lang Văn Thông ở chi Hội bản Na Chạng thế mạnh chăn nuôi trâu, bò, trồng cây bảo vệ rừng. Tiếp đến xã Mường Nọc có 5 tổ, hội viên xuôi ngược đan xen học tập lẫn nhau, tiêu biểu tổ của CCB Nguyễn Thành Vinh, chi Hội Phong Quang, kinh doanh sản xuất đa lĩnh vực vẫn hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thịnh, Võ Đình Chinh ở Chi hội Hải Lâm, thế mạnh trồng keo, nuôi trâu bò. Đặc biệt nổi lên gia đình CCB Lô Văn Trường từ hộ nghèo, nhờ vốn ủy thác, biết tập trung vào chăn nuôi, chủ yếu là dê hàng trăm con, nay đã thoát nghèo. Các xã vùng sâu, vùng xa, các tổ cũng như cá nhân điển hình nhờ vốn ủy thác đã thực sự lan tỏa trong cộng đồng, đang từng bước vươn lên làm giàu. Xã Thông Thụ, Đồng Văn có Lang Văn Minh, Lang Hồng Thắng, Ngân Văn Thganh… Hạnh Dịch, Tri Lễ có CCB Hà Xô Viết, Ngân Văn Tươi, Lô Văn Học, Lô Xuân Phòng…
          Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả từ đồng vốn ủy thác vẫn còn gần 2% dư nợ quá hạn và lãi tồn khó thu. Nguyên nhân như đã trình bày từ đầu. Lúc mới ủy thác, Thường trực Hội các cấp bỡ ngỡ khâu chỉ đạo. Người được vay khi cầm đồng tiền “quá vui” nên “quyên” trả gốc và lãi. Nhà nước đưa vốn về quá gấp “tiêu hóa” khó khăn. Tất cả dễ bị đánh bài…”liều”.
          Vừa tròn 15 năm sử dụng vốn vay ủy thác Ngân hàng CSXH, các tổ chức được ủy thác nói chung, Hội CCB nói riêng ngày càng hiểu biết hơn cách chỉ đạo ủy thác. Tổ trưởng vay vốn được chọn kỹ hơn về năng lực điều hành; người được vay cũng qua quá trình tính toán cách làm ăn, dùng đồng vốn phải được sinh lời. Hiện nay mọi việc điều hành cũng như thông tin dễ hơn trước nhiều bởi thời kỳ 4.0, chuyển đổi số. Vay hay không là quyền của mỗi người, nhưng khẳng định: Đảng, Nhà nước sinh ra Ngân hàng CSXH là cách làm nhân văn, nhân đạo, hợp với người nghèo, những người đang còn yếu thế. Hội CCB huyện Quế Phong, quá trình ủy thác mới hiểu câu nói của cố nhân “Có nhảy xuống nước thì mới biết bơi”. Hàng trăm tỷ đồng vốn của Ngân hàng CSXH do Hội CCB ủy thác ngày càng thật sự mang lại hiệu quả, đạt được mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm giàu, góp phần đưa quê hương miền núi Quế Phong phát triển đi lên./.
                                                 Bài và ảnh: Quang Văn Chanh
 

Tác giả bài viết: Quang Văn Chanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây