Trên núi Nghĩa Lĩnh uy nghiêm, trầm mặc có lăng vua Hùng, có điện kính thiên, có cột đá thề. Đó là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, đó là nơi cội nguồn dân tộc, nơi gọi về những mảnh hồn chim lạc.
Người xưa quen gọi Nghĩa Lĩnh là núi Hùng. Núi Hùng như chiếc đầu rồng hướng về phía Nam, mình uốn khúc thành dãy núi Trọc, núi Văn, núi Pheo. Thế rồng chầu, voi phục ấy là nơi phát tích của giống nòi nơi nhân dân cả nước hướng về, với lòng thành kính trong niềm tự hào, hãnh diện. Mấy ngàn năm trông coi, gìn giữ, đánh giặc và dựng nước, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của dân tộc luôn hướng về: Nước mở văn lang xưa/ vua đầu viết sử/ mười tám đời nối nhau/ ba sông đẹp như vẽ/ mộ cũ ở lưng đồi/ đền thờ trên sườn núi/ muôn dân đến phụng thờ/ khói hương còn mãi mãi.
Vào dịp kỉ niệm 50 năm, ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong, Bộ Quốc phòng đã thiết kế và thi công bia tưởng niệm “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Có thể coi đây là “cột đá thề” của con cháu thời đại Hồ Chí Minh.
Không chỉ người Việt Nam tự hào về quần thể di tích Đền Hùng, mà khi đọc lưu bút của các đoàn đại biểu quốc tế và bạn bè khắp năm châu bốn biển đến thăm viếng Đền Hùng, chúng ta thật sự súc động. Nhiều dòng lưu bút thừa nhận đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.
Việc tu sửa và tôn tạo khu di tích có một không hai trong lịch sử này không ngoài ý nghĩa ấy. Sau tôn tạo, trùng tu, chỉ mong sao Đền Hùng còn giữ vẹn nguyên nét đặc trưng của văn hóa cội nguồn, của tâm linh. Bởi cùng với ý nghĩa lịch sử vô giá, Đền Hùng còn là biểu hiện của tinh thần dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Hai chữ “đồng bào” là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.