“NGHỆ NHÂN ƯU TÚ” , CỰU TÙ TĂNG ĐÌNH THÍCH

Thứ hai - 24/04/2023 21:35 108 0
Được tin cựu chiến binh (CCB) Tăng Đình Thích, chủ tịch hội chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (CSCMBĐBTĐ) huyện Diễn Châu, quê ở xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu, tỉnh nghệ An tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi và đón bằng “Nghệ nhân ưu tú”(Trong lĩnh vực di sản văn hóa di vật thể), tôi và mấy anh bạn trọng hội CCB huyện Diễn Châu tới thăm.
CCB Tăng Đình Thích với chiếc sáo năm xưa
CCB Tăng Đình Thích với chiếc sáo năm xưa
Thấy khách và đông đảo bà con trong xã tới thăm, ông Thích mừng lắm. Ông nói “có được vinh dự hôm nay, công đầu là của bà xã, tiếp đó là nhờ anh em trong hội CCB và phòng văn hóa thông tin huyện, đã giúp tôi gắn bó đam mê với các bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Luôn cố gắng vượt qua khó khăn để giũ gìn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương”. Thấy chồng nhắc đến tên mình trong ngày vui có một không hai này. Vợ ông Thích tươi cười, đôi má ửng hồng, tay rót rượu mời khắp mọi người mà lòng dạ xốn xang.
Hơn 50 năm chìm nổi với nghề nhạc công, có những lúc tưởng chường như muốn xa nghề nhưng cái nghề như vấn vào chân, không dứt ra được, bởi vì đã mang lấy cái thân tằm không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ. Bây giờ gia đình ông Thích cũng có mấy thế hệ nối tiếp nhau về làm nghề.Ông và người cha của ông Thích vừa là diễn viên, vừa là nhạc công trong đội văn nghệ quần chúng xã Diễn Đồng những năm `1950-1960. Khi ông Thích lên 10 tuổi được cha dạy đánh trống, chơi đàn nhị, thổi sáo, theo cha đi biểu diễn ở các xã trong vùng. Năm 1967, khi chưa tròn 17 tuổi, ông Thích đã viết “Huyết tâm thư”, tình nguyện vào bộ đội. Ông từng là hạt nhân văn nghệ của binh trạm 41, đoàn 559 Trường Sơn. Sau đó, ông Thích được điều động vào đơn vị đặc công miền, chiến đấu ở vùng sông nước Miền Trung Bộ. Năm 1969, sau một trận chiến đấu ác liệt, bảo vệ trạm quân y. Ông Thích bị địch bắt giam ở nhà tù Phú Quốc. Tại đây, ông ở chung “chuồng cọp” với đồng chí Trương Tấn Sang (nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang), đồng chí Tô Diệu (Cục địch vận), các nghệ sĩ là cán bộ cách mạng như Hải Liên, Kim Hùng và các bạn tù cùng trại 46. Mọi người đã giúp đỡ ông học văn hóa, chính trị, tập làm thơ trong ngục tù quãng thời gian 4 năm ở tù là thời gian nghiệt ngã nhất mà ông Thích phải chịu đựng song cũng chính trong địa ngục trần gian của kẻ thù, người chiến sĩ trẻ Tăng Đình Thích được giác ngộ tư tưởng cách mạng từ những người cộng sản kiên trung như nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Tô Diệu, cục địch vận quân giải phóng Miền Nam. Trong lao tù ông Thích tận dụng phế liệu của địch để làm ra các loại nhạc cụ như sáo đàn bầu, đàn nhị, học thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu, học thuộc lòng 3254 câu Kiều của đại thi Hào Nguyễn Du, sáng tác hàng chục bài thơ. Những vần thơ ông sáng tác ra khi cận kề cái chết, vẫn lạc quan yêu đời, tin vào ngày chiến thắng. Tất cả các kỷ vật làm trong tù, ông giữ gìn như một báu vật. Sau khi được thả tù theo hiệp  định Pari năm 1973, ông đã tặng cho bảo tàng lịch sử quân đội và bảo tàng quân khu 4, chỉ giữ cây sáo làm kỷ niệm. Năm 2020, ông Thích tập hợp các bài thơ sáng tác trong tù và các bài bút ký, phóng sự của các nhà văn, nhà báo viết về ông để ra tập sách nhan đề “Chí khí người lính trong “Lửa hận ngục tù”, trở về quê hương đất mẹ, ông và các bạn tù tìm lại nhau và đúng như lời ước hẹn các nghệ sĩ Hải Liên, Kim Hùng đã tận tâm truyền dạy cho ông về kỷ thuật luyến ngón, lấy hơi, chuyền hơi thổi sáo trúc, kèo so na và kỷ năng biểu diễn tuồng, dân ca Nghệ tỉnh. Đến bây giờ ông Thích đã sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ như trống dân tộc, sáo trúc, đàn nhị, kèn so na. Riêng kèn so na ông thổi hàng giờ đồng hồ mà không bị ngắt quãng.
Hơn 50 năm học tập và gắn bó với nghề nhạc công, khi trái gió trở trời thương tích hành hạ nhưng CCB Tăng Đình Thích vẫn say mê tham gia câu lạc bộ thơ xã Diễn Đồng, đi biểu diễn văn nghệ do huyện và xã tổ chức để gốp vui cùng bà con. Hiện tại, nhóm nhạc công do ông tự lập chuyên phục vụ các ngày lễ, ngày hội, tế họ, đám hiếu cho cộng đồng dân cư, các xã trong và ngoài huyện như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ. ông Thích đã truyền nghề cho 12 người là học trò, trong đó có 3 người tiêu biểu là ông Nguyễn Đình Tuế ở xã Diễn Kỷ, Hoàng Xuân Tùng và Tăng Đình Hiếu ở xã Diễn Đồng. Cháu nội là Tăng Đình Thuận, 15 tuổi đang nối nghiệp của ông. Như vậy, nhà ông Thích giờ đây đã có 5 đời nối nghiệp nhau làm nghề nhạc công.Niềm vui là năm 2021, ông Tăng Đình Thích vịnh dự được UBND tỉnh Nghệ An xét công nhận “Nghệ nhân ưu tú”.
Đưa cho tôi chén rượu mừng ngày vui của CCB Tăng Đình Thích, chủ tịch Hội CCB huyện Diễn Châu đại tá Cao Huy Lương tươi cười nói: “CCB Tăng Đình Thích quả là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập. Điển hình này cần nhân rộng trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đó cũng là tấm lòng thơm thảo tâm huyết của Nghệ nhân Tăng Đình Thích, chủ tịch Hội CCB BĐBTĐ” huyện Diễn Châu .Tôi thấy khuôn mặt CCB Tăng Đình Thích ửng hồng, đôi mắt ánh lên niềm vui.Trăng cuối tháng như bông cúc nở xòe trên bầu trời trong xanh. Bên kia Sông bùng, tiếng con chim từ quy hót vang báo hiệu một mùa xuân mới lại về với vợ chồng ông Thích và bà con Xã Diễn đồng, huyện Diễn Châu ./.
                                           Bài và ảnh: Lê Hoài Thung
 

Tác giả bài viết: Lê Hoài Thung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây