BÁC HỒ VỚI NGÀY 2/9/1945

Thứ năm - 16/09/2021 21:18 105 0
Những tháng đầu tiên của năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mới. Ngày 9/3/1945, ở Đông Dương, Nhật đảo chính Pháp. Hai tháng sau, vào ngày 9/5/1945, Quân đội Liên Xô tiến thẳng vào Berlin (Thủ đô nước Đức), phát xít Đức đã đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Bác và Trung ương đảng nhận định thời cơ thuận lợi để khởi nghĩa giành chính quyền đã tới.
Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập 2/9//1945
Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập 2/9//1945
          Lúc này phong trào chống Nhật cứu nước đã trở thành cao trào, lan rộng khắp toàn quốc. Bác Hồ chuẩn bị chuyển địa điểm làm việc từ Cao Bằng về Tuyên Quang. Từ thời điểm này, Tân Trào trở thành trung tâm của khu giải phóng Việt Bắc. Bác Hồ ra chỉ thị phải tranh thủ thời cơ một cách khẩn trương, sáng tạo. Bác và Trung ương dự định trước mắt tổ chức hai hoạt động quan trọng: Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân. Chỉ trong bốn ngày liên tiếp đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc của Đảng (14 và 15/8/1945) và Đại hội đại biểu quốc dân (16 và 17/8/1945). Tinh thần chuẩn bị khởi nghĩa của quần chúng cách mạng lên rất cao. Có nơi như Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, sáng 18/8/1945 đại biểu di dự Đại hội về đến địa phương mình thì quần chúng nhân dân đã đứng lên tham gia biểu tình và khởi nghĩa giành chính quyền.
          Lúc này, Bác bị ốm nặng. Tại lán Nà Lừa (Tân Trào), dù đang rất yếu, Bác gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp đến và căn dặn: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới. Dù phải hy sinh đến mấy, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập". Nhờ được uống thuốc của đồng bào địa phương và tin khởi nghĩa thắng lợi các địa phương báo về đã làm cho Bác chóng khỏe lại. Vừa khỏi bệnh, Bác gọi đồng chí Văn Lâm (người bảo vệ Bác) sang nói với đồng chí Hoàng Sâm khẩn trương chọn thêm cho Bác vài đồng chí bảo vệ nữa để Bác gấp rút về Hà Nội.
          Sáng 23/8/1945, Người bí mật rời Tân Trào, đi qua Quán Vuông, Đèo Nhe, Lộc Rã, Quảng Nạp, đến 8 giờ tối thì Người tới Đại Từ. Trên đường đi Bác cảm thấy mệt nhiều, có lúc cán bộ phải cáng Người đi. Cho đến 9 giờ tối 23/8/1945, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa xe đến đón Bác, để Bác nghỉ lại Thái Nguyên đêm 23 và cả ngày 24/8 chờ tin tức. Sáng 25/8 Bác bắt đầu lên xe về Hà Nội, đến tối thì đến Phú Gia (ngoại thành Hà Nội). Sáng 26 đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) và đồng chí Trần Đăng Ninh đến báo cáo tình hình với Bác rồi hai đồng chí về ngay Hà Nội để tìm địa điểm trong nội thành để Bác về Hà Nội ở và làm việc. Sau đó, đồng chí Trường Chinh đến đón Bác, rồi đưa Người đến ở số nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội.
          Tại đây, chiều 28/8, Bác viết nháp bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày hôm sau, Người xem lại, sửa chữa, thêm bớt. Sáng 30, Bác mời một số đồng chí trong Ban Thường vụ nghe và góp ý kiến. Ngày 31/8, mặc dù chỉ còn hai ngày nữa là Bác dọc Bản Tuyên ngôn độc lập trước đồng bào cả nước nhưng Người vẫn viết bổ sung thêm tình hình mới và đọc đi đọc lại nhiều lần. Còn thời gian thì cố gắng bổ sung, sửa chữa cho tốt hơn, đó là phương pháp làm việc của Bác.
          Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Sau này, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có kẻ lại trong hồi ký của ông những chi tiết rất cảm động. Chiều 31/8, Bác nói đồng chí bảo vệ vẽ chi tiết sơ đồ nơi sẽ tổ chức Lễ Tuyên ngôn độc lập, Bác còn nhắc nhở ban Tổ chức ba việc: một là, nên chọn hai người phụ nữ tiêu biểu để kéo cờ (sau này ban Tổ chức đã chọn Đàm Thị Loan (đại diện cho các dân tộc Thiểu số) và Dương Thị Thoa (đại diện cho dân tộc Kinh) tham gia kéo cờ trong lễ 2/9; hai là, nếu trời mưa thì nên kết thúc lễ sớm hơn; ba là, chú ý bổ trí nơi vệ sinh cho đồng bào dự lễ.
          Lúc này có một chi tiết cảm động là những người cận vệ của Bác cứ suy nghĩ "nên để Bác mặc quần áo gì trong buổi lễ". Hỏi Bác thì Bác nói: "Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, không dạ đắt tiền làm gì, cốt tươm tất, giản dị, cà vạt hay cổ cồn đều không quan trọng". Và cuối cùng như chúng ta đã biết, Lễ 2/9 Bác chỉ mặc bộ quần áo ka-ki.
          Ngày 2/9/1945 xe đưa Bác từ Bắc Bộ phủ đến thẳng nơi mít tinh. Khi Người vừa mới xuất hiện trên bục gỗ cao trên lễ đài, muôn vàn tiếng hô vang lên: "Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!". Và Người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập với giọng sang sảng đầy tự hào, kiêu hãnh. Cờ đỏ chói, người đông nghịt. Hơn hai vạn người lắng nghe từng câu, từng chữ. Khi đọc được khoảng một nửa, Bác rất xúc động, dừng lại một lát rồi nhìn xuống đồng bào, thấy im lặng một cách khác thường, có lẽ mọi người đang nghĩ tới hai triệu đồng bào ta chết đói. Người liền hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Hàng vạn người đáp lại: "!".
          Nhiều người dự lễ đã khóc bởi vì thấy Chủ tịch nước và người dân thật gần gũi, thân tình biết bao.

Tác giả bài viết: Lê Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây