HAI NGƯỜI PHỤ NỮ THÀNH VINH

Thứ hai - 04/10/2021 20:52 104 0
Vinh là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ khí thiêng sông núi của Nghệ An. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, Vinh luôn là vị trí hết sức quan trọng.
Thẻ đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 của đ/c Nguyễn Thị Minh Khai
Thẻ đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 của đ/c Nguyễn Thị Minh Khai
Từ năm 1788 Quang Trung (Nguyễn Huệ đã chọn đất Vinh để xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Nhất là từ thời thuộc Pháp, với chính sách khai thác thuộc địa phục vu cho lợi ích chính quốc. Họ đã cho xây dựng Vinh - Trường Thi - Bến Thủy trở thành môt trong những trung tâm Công nghiệp lớn nhất miền Trung và Đông Dương. Các nhà máy như Diêm Bến Thủy, Xe lửa Trường Thi, Nhà máy Gỗ, Nhà máy Điện Vinh ... Đã thu hút nguồn lao động cả nước về đây. Hai vợ chồng  ông Nguyễn Huy Bình ở Làng Mọc, Nhân Chính Hà Nội là Công chức Hỏa xa và bà Đậu Thị Thư ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh làm nghề buôn bán nhỏ; cũng là những người đến với Vinh trong hoàn cảnh ấy. Gia đình ông bà lúc đó ở số nhà 132 khu phố MarechaiFoch, nay thuộc phường Quang Trung thành phố Vinh (Hiện tại còn có khu tưởng niệm của Nguyễn Thị Minh Khai trên vùng đất cũ). Nơi đây ông bà đã sinh cho đời ba người con, trong đó có hai con gái như hai ngôi sao sáng mãi cùng non sông đất nước.
Nguyễn Thị Minh Khai là con gái đầu lòng Nguyễn Thị Quang Thái là người con gái thứ hai. Nguyễn Huy Dung GS, BS là người con trai út. Nguyễn Thị Minh Khai (Nguyễn Thị Vinh) sinh ngày 1/11/1910 tại Vinh, năm 1919 bắt đầu được đi học Quốc Ngữ sau đó vào trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Năm 1927 hoạt động trong phong trào Cách mạng ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách Mạng Đảng. Năm 1930 tham gia Đảng Cộng Sản Đông Dương hoạt động ở Trường Thi Bến Thủy sau đó sang Hương Cảng làm Thư ký cho Nguyễn Ái Quốc tại Văn phòng Chi nhánh Đông Dương của Quốc tế Cộng sản. Năm 1931 bị địch bắt ở Hương Cảng xử tù ba năm. Năm 1934 ra tù tiếp tục hoạt động Cách mạng và sau đó được bầu Đại biểu chính thức dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (25/7-21/8/1935) ở MoKva. Tại Đại hội này ngày 16/8/1935 trong phiên họp thứ 40 Nguyễn Thị Minh Khai (Bí danh Phan Lan) đã đọc bản tham luận nổi tiếng khẳng định vai trò và thành tích của Phụ nữ Đông Dương. (Trong Đại Hội này Lê Hồng Phong là Trưởng đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong Đại Hội này Lê Hồng Phong Tổng Bí thư Đảng ta được bầu vào Ban Chấp Hành Quốc tế Cộng sản VII). Trở về hoạt động trong nước Nguyễn Thị Minh Khai được cử vào Nam Bộ truyền đạt Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được Xứ ủy Nam Kỳ cử làm Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn - Chợ Lớn . Ngày 30/7/1940 bà bị địch bắt kết án tử hình. Ở trong tù bà vẫn liên lạc và hoạt động Cách mạng. Biết mình chịu án tử hình Bà vẫn viết thơ động viên mọi người giữ vững ý chí chiến đấu: Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài /Thời cuộc đẩy đưa người chiến sỹ/ Con đường Cách mạng vẫn chông gai. Có mặt tại phiên tòa Nguyễn Thị Quang Thái đã nuốt nước mắt vào trong nhanh tay nhặt mảnh giấy của chị mình gửi cho đồng chí Lê Duẩn không để lọt vào con mắt cú võ của bọn Mật thám. Cùng với những hoạt động của mình Nguyễn Thị Minh Khai đã bồi dưỡng, giác ngộ cho người em gái Nguyễn Thị Quang Thái sớm đi theo Cách mạng. Khi mới 16 tuổi QuangThái đã tham gia phong trào Cách mạng yêu nước rồi bị giặc bắt tù đày tại nhà lao Thừa Phủ ( Huế ).
 Cũng như chị Nguyễn Thị Minh Khai. Ở trong tù Nguyễn Thị Quang Thái vừa giữ vững ý chí chiến đấu vừa viết tặng bạn tù một bài thơ nổi tiếng: Mười sáu năm nay sống ở đời/ Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi/ Trông phường đế quốc lòng ngao ngán/ Thấy bạn cần lao dạ rối bời/ Quyết chí hy sinh thây kệ chết/ Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi/ Ngọn cờ vô sản bao giờ phất/ Chín suối hồn ta mỉm miệng cười. Chính trong những ngày hoạt động Cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái đã gặp Võ Nguyên Giáp rồi nên duyên chồng vợ để lại cho đời một thiên tình sử bi hùng của đôi trai tài, gái sắc.
Ngày 28/8/1941 Thực dân Pháp đã thi hành án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai tại Hóc Môn, Bà Điểm. Trước họng súng kẻ thù Nguyễn Thị Minh Khai vẫn giữ vững niềm tin chiến thắng. Sau khi chị đã hy sinh Nguyễn Thị Quang Thái càng lao vào hoạt động Cách mạng để đền nợ nước, trả thù nhà.
Cuộc chia tay bí mật bên đường Cổ Ngư Hà Nội để Võ Nguyên Giáp ra nước ngoài nhận nhiệm vụ từ Nguyễn Ái Quốc. Quang Thái đành phải gửi con gái cho bà nội để tiếp tục hoạt động Cách mạng. Lần thứ hai Quang Thái bị địch bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Do chế độ nhà tù hà khắc với những đòn tra tấn dã man và bệnh dịch. Nguyễn Thị Quang Thái đã hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội (1944 lúc ấy mới 29 tuổi) trong lúc Võ Nguyên Giáp đang trên chiến khu Việt Bắc chuẩn bị cho Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Hai người con gái, hai Liệt sỹ anh hùng, hai người Đảng viên kiên trung. Người chị (Nguyễn Thị Minh Khai) là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, vợ của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, cũng là ngưòi Phụ nữ Việt Nam duy nhất Đại biểu Đại Hội VII Quốc tế Cộng sản. Người em (Nguyễn Thị Quang Thái ) là vợ đầu của Võ Nguyên Giáp sau này là Đại tướng Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Hai chị em như hai ngôi sao rực sáng trên bầu trời xứ Nghệ và tỏa rạng khắp non sông.


 

Tác giả bài viết: Tạ Quang Dư

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây