Huyện Diễn Châu (Nghệ An) có bờ biển dài 25 km, với bãi ngang, cửa sông rộng 4000 ha, đường sắt, đường quốc lộ 1A, đường 48A thông thương sang nước bạn Lào, thuận tiện cho việc phát triển thương mai, dịch vụ. Ngoài 13.500 ha đất canh tác, huyện còn có 7.500 ha đồi núi và gần 3.600 ao hồ mặt nước. Khai thác lợi thế này, Ban Thường vụ Hội CCB Diễn Châu tham mưu cho Đảng ủy, UBND, UBMTTQ 22 xã vùng giáo chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng hàng hóa, đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi, giao đất, giao đồi, đấu thầu đầm ao, ruộng trũng, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên CCB và người nhà của họ trồng rừng, làm kinh tế trang trại, gia trại.... Các xã dọc trục quốc lộ, tỉnh lộ thì dành mỗi nơi từ 5 – 6 ha đất để xây dựng chợ nông thôn, Trung tâm thương mại, chuyển 50% số lao động sang làm dịch vụ, thương mại, ưu tiên mặt bằng cho những hội viên có nhiều vốn, am hiểu thị trường mở cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, thành lập công ty doanh nghiệp tư nhân, phối hợp với các cơ quan chức năng ở huyện mở hàng chục lớp tập huấn, dạy nghề, thu hút hàng trăm hội CCB vùng giáo theo học. Các cấp hội đứng ra tín chấp, thế chấp vay từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội mỗi xã từ 2 – 3 tỷ đồng giúp hội viên đầu tư sản xuất, chăn nuôi làm thương mại, dịch vụ.
Đông đảo hội viên CCB vùng giáo Diễn Châu rất phấn khởi khi được huyện và tỉnh cho vay vốn, đào tạo nghề, ưu tiên mặt bằng nên ai cũng phấn khởi ‘Bung” ra sản xuất kinh doanh, tạo lập nghề mới. Nhà thì làm dịch vụ nghề cá, làm kinh tế trang trại theo mô hình VACR, hộ trồng dưa hấu đỏ, trồng rau sạch trong nhà lưới, hoặc hùn vốn cho con em đi xuất khẩu lao động, gia đình nào nhiều vốn thì mở đại lý, thành lập công ty TNHH, kinh doanh vật tư máy móc, đóng tàu đánh bắt xa bờ, mua phương tiện buôn bán hàng quá cảnh. Chợ Dàn (Xã Diễn Hồng), chợ Si (Diễn Kỷ), chợ Phủ Diễn (Diễn Thành), chợ Si Nam (Diễn Thịnh), cùng với các Khu công nghiệp Tháp Kỷ, Diễn Hồng, Trung tâm thương mại các xã Diễn Ngọc, Diễn Kỷ, Diễn Yên sau khi được xây dựng, nâng cấp mở rộng mặt bằng đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, hơn 1.200 giáo dân “Ly nông, bất ly hương”. Chỉ tình khu vực chợ Dàn và khu công nghiệp Diễn Hồng đã có 30 doanh nghiệp và 160 hộ giáo đầu tư sản xuất thủ công nghiệp, buôn bán hàng hóa, trong đó có 4 doanh nghiệp giáo dân là Chu Quang Hùng, Nguyễn Viết Cường và Châu Thức và Nguyễn Đại Phó chuyên sản xuất tôn lợp, thu mua sơ chế sắt thép, gieo ươm cây giống, lai tạo những loài hoa đẹp. CCB giáo dân Nguyễn Đại Phó chia sẽ: “Khi rời tay súng về quê, gia đình tôi còn là hộ nghèo, trãi qua hơn 10 năm lập nghiệp trồng hoa, lai tạo cây cảnh, cung ứng cho thị trường thành phố Vinh và các huyện phía Bắc tỉnh, tôi trở thành tỷ phú, thu mỗi năm từ 2 – 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10 lao động”. Không chỉ Diễn Hồng mà có hàng trăm hộ giáo và hội viên CCB sản xuất kinh doanh giỏi mà ở cả 22 xã có đồng bào theo đạo trong huyện đều có những điển hình CCB làm ăn giỏi, trở thành tỷ phú, triệu phú. Ngay như ở ngã ba Yên Lý (Xã Diễn Yên) có hơn 10 doanh nghiệp chuyên kinh doanh ô tô, máy nông cụ, ngư cụ, sản xuất nhựa bằng vỏ chai nhựa, cung ứng xăng dầu, sắt thép, làm đồ kim hoàn, kinh doanh vàng bạc, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/ năm. Giám đốc CCB, giáo dân Phú Vân cho biết: “ Do làm ăn có uy tín, phục vụ khách tận tình cho nên doanh nghiệp giữ vững chử tín, các mặt hàng trang sức, vàng bạc sản xuất chế tác đến đâu bán hết đến đó, không những phục vụ trong huyện mà còn vươn ra các huyện trung du, miền núi trong tỉnh, hàng năm tạo việc làm cho 5 lao động trẻ”. Cách xã Diễn Yên 2 km về phía Tây Bắc là giáo xứ Đăng Cao (Xã Diễn Đoài). Năm 1975 về trước, nhiều gia đình giáo dân ở đây cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm. Ngày nay, cả Giáo xứ Đăng Cao và xã Diễn Đoài đã xóa xong hộ đói, hộ giàu và hộ khá chiếm 60%. Đến nay xã có 80% số gia đình hội viên xây dựng nhà cửa khang trang có tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Con đường xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu ở đây là làm nghề chổi đót, trồng rừng làm kinh tế trang trại, kết hợp với sản xuất nông nghiệp với chăn nuôi gia súc. Năm 2020, Giáo xứ Đăng Cao được UBND tỉnh công nhận làng nghề và 15 năm qua đã có hơn 300 hộ giáo dân và gia đình CCB giàu và khá, thu nhập từ 80 triệu đồng đến 150 triệu đồng hộ/ năm. Tiêu biểu cho cách làm năng động có CCB giáo dân Nguyễn Ngọc Lễ là người nuôi cá giỏi nhất xã. Cá giống của ông không những cung ứng trong tỉnh mà còn vươn ra nước bạn Lào. Để có thành quả như ngày hôm nay, ông Lễ đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng, cùng với 1.200 ngày công, đào đất 1.200 m3 đất, biến vùng đất hoang rộng hơn 5.000 m2 thành trang trại trù phú với mô hình VAC khép kín, cho thu nhập mỗi năm hơn 250 triệu đồng. Trang trại của ông Lễ trở thành địa chỉ quan thuộc của người nghèo.
Chủ tịch hội CCB Diễn Châu, đại tá Cao Huy Lương cho biết: “Đến nay cả 10 Giáo xứ, 40 Giáo họ với 6.250 hộ dân trong huyện đã xói xong hộ đói. Trong đó có gần 3000 hộ giàu và khá, cho thu nhập mõi năm từ 90 triệu đồng đến 460 triệu đồng/ hộ/ năm. Toàn huyện có 310 mô hình giáo dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 28 công ty TNHH, 174 mô hình sản xuất công nghiệp, làm thương mại dịch vụ, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, người Công giáo Diễn Châu đang lao động nước ngoài khoảng 2.000 người, mỗi nơi có từ 200 – 300 lao động trẻ, mỗi năm gửi về cho gia đình hàng tỷ đồng. Kinh tế phát triển đời sống được nâng cao với mức thu nhập bình quân 46 triệu đồng người/ năm, đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và hội CCB vùng giáo góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới. Đến nay cả 10 giáo xứ đã được nâng cấp chỉnh trang Nhà thờ Giáo xứ, Giáo họ khang trang, trị giá hàng chục tỷ đồng. Các công trình phúc lợi khác như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn được làm cao tầng hoặc kiến trúc khang trang. Cả 22 xã vùng giáo đều được lập quỹ Khuyến học, nơi ít nhất 60 triệu đồng, nơi nhiều 100 triệu đồng. Nhiều giáo họ và gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Giáo họ khuyến học”. Đáng chú ý là 15 xóm Giáo toàn tòng và 45 chi hội CCB vùng giáo đã có 8 xóm đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, hơn 80 % gia đình hội viên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, người CCB gương mẫu. Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”, bà con giáo dân và hội viên CCB vùng giáo đã hiến hơn 64.000 mđất, tham gia 32.900 ngày công, cùng với hàng chục tỷ đồng. Trong đó có hội viên CCB 2 xóm Giáo toàn tòng xã Diễn Kỷ góp 240 triệu đồng, 820 ngày công, hiến hơn 600 m2 đất. Nhờ phát huy sức mạnh toàn dân, trong đó có công đóng góp của hội viên CCB và bà con Công giáo huyện nhà nên 10 năm xây dựng NTM (Từ năm 20210 – 2019), Diễn Châu được màu lúa, mùa cá. Tổng sản lượng lương thực đạt mỗi năm từ 13.000 – 136.000 tấn, sản lượng đánh bắt thu mua hải sản đạt 46.000 tấn, nuôi mỗi năm hơn 120.000 con gia súc, 1,6 triệu con gia cầm. Tổng gia trị sản xuất trên địa bàn đạt mỗi năm 9.300 tỷ đồng – 12.55 tỷ đồng/ năm, thu ngân sách năm 2018 đạt 536 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 28 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã vùng giáo. Trãi qua lao động sản xuất, “ Sống tốt đời đẹp đạo”, đã có hơn 150 hội viên CCB là giáo dân được nhân dân tín nhiệm bầu vào các chức danh ở xã và xóm, trong đó có hàng chục người trực tiếp làm Trưởng thôn, Đội trưởng sản xuất, Tổ trưởng các khu dân cư. Họ đã làm đẹp thêm, gương mặt của miền quê giàu truyền thống cách mạng, huyện Anh hùng LLVT nhân dân./.
Bài và ảnh: LÊ HOÀI THUNG