“Địa ngục trần gian”
Năm 1949, khi Quân Trung hoa dân quốc thua trận trước Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Hoàng Kiệt, tướng lĩnh của tỉnh Hồ Nam dẫn hơn 30 vạn quân chạy sang Việt Nam, lúc bấy giờ Pháp đưa ra đóng tại đảo Phú Quốc. Năm 1953, họ chạy về Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch. Thực dân Pháp đã tận dụng nhà cửa có sẵn lập ra nhà tù gọi là “Trại Cây dừa” giam giữ gần 14 ngàn tù binh. Sau Hiệp định Giơ ne vơ, Pháp trao trả cho phía Việt Nam dân chủ cộng hòa hầu hết tù binh ở trại này.
Cuối năm 1955, Việt Nam cộng hòa xây dựng một trại giam ở địa điểm “Căng Cây Dừa” với diện tích rộng 4ha đặt tên là “Trại huấn chính Cây Dừa”, còn gọi là “Nhà lao Cây Dừa”. Năm 1966, chính quyền VNCH cho xây dựng trại giam cách “Căng cây dừa” cũ 2 km, gọi là Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.
Nằm trên địa bàn thị trấn An Thới, huyện đảo Phú Quốc, nay là thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, được xây dựng trên diện tích hơn 400 ha với gần 500 ngôi nhà, chia thành 12 khu (mỗi khu có 4 phân khu) theo thứ tự A,B,C,D . Mỗi khu có thể chứa 3000 tù binh, xung quanh mỗi phân khu có 4 vọng gác canh giữ 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Trại được bao bọc bởi gần 10 lớp hàng rào kẽm gai chằng chịt. Xung quanh hoàn toàn trống trải tạo thành một “vành đai trắng” cách ly với bên ngoài.
Theo các tài liệu ghi lại, để khai thác thông tin từ các tù binh, bọn cai ngục đã dùng tới 45 kiểu tra tấn tù nhân vô cùng dã man, tàn bạo như: “Nhốt chuồng cọp” làm bằng dây kẽm gai cao 1m, dài 2m, ở đây người tù không thể nằm, đứng và ngồi bệt được, chỉ cần thay đổi động tác một chút gai thép sẽ cứa nát da thịt; “Đóng đinh” vào đầu 10 ngón tay; đánh đập bằng “Roi đuôi cá đuối khô”; dùng búa “Đục răng và bẻ răng” ; “Đục bánh chè”; dùng bao bố trùm lên người rồi ném vào chảo nước sôi; dùng bóng đèn công suất lớn để sát mặt trong thời gian dài để cho nổ con ngươi; “lộn vỉ sắt”; “Gõ thùng”; dùng lửa đốt miệng, bộ phận sinh dục.v.v. trong thời gian chưa đầu 6 năm (1967 – 1973) có khoảng 4000 tù nhân bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế.
Tra tấn tù binh Cộng sản bằng hình thức Đục răng và đóng đinh vào khớp gối...
Mặc dù tra tấn dã man như thế nhưng nhà tù đế quốc đã không thể làm nhụt chí của những người tù yêu nước. Với ý chí kiên cường, dũng cảm, mưu trí các tù binh đã đấu tranh với chúng bằng nhiều hình thức như phân hóa hàng ngũ địch, diệt ác ôn. Đã có rất nhiều cuộc vượt ngục bằng cách đào hầm được những người tù thực hiện chỉ với những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày như ca cà mèn, thìa, cọc sắt… trong đó phải kể đến một cuộc vượt ngục sau 6 tháng ròng rã đào hình thành đường hầm dài 120m, rộng 60 cm, đưa 21 chiến sỹ cách mạng thoát ngục vào ngày 21/1/1069.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục thế hệ trẻ
Vào dịp kỷ niệm 46 năm chiến thắng lịch sử (30/4/1975 – 30/4/2021) tôi may mắn được đến tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc. Trong dòng người vào thăm viếng, chúng tôi được nghe cô hướng dẫn viên nghẹn ngào, xúc động kể lại những câu chuyện về sự kiên trung, bất khuất của những người tù bị giam giữ nơi đây. Chị chia sẻ: “Tôi nhớ có lần đang thuyết minh cho một đoàn khách từ Hà Nội, có một chị trong đoàn cứ khóc nức nở. Chị kể, người bị kẻ thù đóng đinh vào người, đục và bẻ răng ấy chính là cha chị - Người đã hy sinh khi chị mới 2 tuổi. Hơn 40 tuổi, chị mới có điều kiện đến thăm nơi cha mình đã hy sinh và thắp hương cho ông tại Đài tưởng niệm khu di tích. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động, bởi vậy chúng tôi luôn cố gắng làm tốt nhất công việc của mình là lưu lại những ký ức hào hùng, bi tráng về những người tù Cộng sản đã anh dũng hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc”
Những ngày tháng Tư lịch sử này, Khu di tích Nhà tù Phú Quốc dường như đông khách hơn. Nhiều đoàn khách thuộc các cơ quan, đơn vị, trong đó có những người từng là Cựu tù nơi đây về thắp hương cho đồng đội của mình. Đặc biệt có nhiều đoàn khách là tuổi trẻ từ các tỉnh, thành đã đến dâng hương, tưởng niệm, tri ân các Anh hùng, liệt sỹ thế hệ cha, ông đã hy sinh trên mảnh đất này. Theo số liệu thống kê cho biết hàng năm có trên 10 triệu lượt du khách đến tham quan khu di tích, trong đó tuổi trẻ chiếm khoảng 50%. Điều đó đã nói lên sự lan tỏa của “Đảo ngọc” nói chung và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân đối với Khu di tích lịch sử nói riêng.
Quả thực trong sự phát triển mạnh mẽ tại “Đảo ngọc”, “Thành phố không ngủ” Phú quốc hôm nay, du lịch đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh tiềm năng du lịch biển, những điểm đến như Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc cần được lãnh đạo các cấp, các ngành của trung ương, địa phương quan tâm nhiều hơn nữa trong việc trùng tu, quản lý giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử để nơi đây thực sự là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Gắn phát triển du lịch biển với công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, để cho tuổi trẻ hôm nay cảm nhận được phần nào những trang sử hào hùng của dân tộc đã thấm đẫm xương máu của các thế hệ cha, anh. Đồng thời ý thức được giá trị của cuộc sống bình yên, hạnh phúc hôm nay. Từ đó vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn.