LÀM TỐT CÔNG TÁC CHUẨN BỊ, TIẾN TỚI TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI HỘI CỰU CHIẾN BINH CÁC CẤP, NHIỆM KỲ 2022-2027

Thứ năm - 05/08/2021 05:15 188 0
Ngày 06/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) đã có Chỉ thị số 02-CT/TW “về lãnh đạo Đại hội Hội CCB các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027”. Căn cứ vào nội dung của Chỉ thị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung ương Hội CCB Việt Nam, Ban Thường vụ, Thường trực Hội CCB tỉnh đã có Thông tri, Nghị quyết, Kế hoạch, Hướng dẫn triển khai thực hiện ở các cấp Hội từ cơ sở đến toàn quốc.
Để thực hiện nghiêm túc các văn bản của cấp ủy và tổ chức Hội các cấp, từng bước chuẩn bị và tiến tới tổ chức Đại hội Hội CCB các cấp trong tỉnh đạt được mục đích yêu cầu, đề nghị các cấp Hội quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm sau đây:   
1/ Quán triệt sâu sắc, đầy đủ các Chỉ thị, Thông tri, Nghị quyết, Kế hoạch, Hướng dẫn của các cấp, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức Hội và cán bộ, hội viên trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội.
Đây là công việc đầu tiên và rất quan trọng của bất cứ lần Đại hội nào. Tiếp nhận các văn bản của cấp trên, Thường trực các cấp Hội nghiên cứu và tổ chức phổ biến, quán triệt đến các tổ chức Hội và toàn thể cán bộ, hội viên. Thông qua đó làm cho mọi người nhận rõ ý nghĩa, nội dung và các bước tiến hành của Đại hội. Đại hội là dịp tổng kết, đánh giá hoạt động của tổ chức Hội trong một nhiệm kỳ, thấy được ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp cho nhiệm kỳ mới. Chuẩn bị và tiến hành Đại hội là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng với tinh thần dân chủ, đổi mới trong các cấp Hội và hội viên nhằm không ngừng phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Từ nhận thức đó, đề cao trách nhiệm của các tổ chức Hội và mỗi cán bộ, hội viên, tham gia tích cực các phần việc trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội, góp phần vào thành công chung của Đại hội.
2/ Có chủ trương lãnh đạo, ban hành kế hoạch thực hiện sát đúng.
Căn cứ vào các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy và của tổ chức Hội cấp trên; từ tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị và thực tế của Hội, Thường trực các tổ chức Hội tham mưu với cấp ủy cùng cấp để có chủ trương lãnh đạo (có thể bằng Thông tri, Chỉ thị…) và xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện ở cấp mình. Đại hội Hội CCB các cấp nhiệm kỳ 2022-2027 thực hiện 4 nội dung: Tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027; thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Điều lệ Hội của Ban Chấp hành Trung ương Hội; bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2022-2027; bầu đại biểu dự Đại hội cấp trên trực tiếp. Về thời gian: Đại hội cấp cơ sở hoàn thành cơ bản trong QuýI/2022, Đại hội cấp huyện hoàn thành cơ bản trong Quý II/2022, Đại hội cấp tỉnh đầu tháng 10/2022, Đại hội cấp Trung ương tháng 12/2022.
Kế hoạch của mỗi cấp cần xác định cụ thế các nội dung, thời gian hoàn thành và phân công thực hiện cho từng bộ phận, từng người... Ngoài phần chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm và công tác nhân sự, trong Kế hoạch còn có các hoạt động tuyên truyền, thi đua, văn hóa, văn nghệ, thể thao chào mừng Đại hội và công tác bảo đảm… Những nội dung, công việc đó phải xác định phù hợp, đạt được tính thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; tránh tình trạng đơn giản, chủ quan, lãng phí, phô trương hình thức.
3/ Tập trung chuẩn bị có chất lượng cao các dự thảo văn kiện trình Đại hội.
Phần văn kiện Đại hội, cấp nào cũng phải chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cấp mình. Công việc này mất khá nhiều thời gian và công sức, trí tuệ, nhất là các đồng chí trong BCH, BTV, người đứng đầu, chủ trì tổ chức Hội. Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2017-2022, từ thực tiễn 5 năm qua, Báo cáo cần tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân ưu điểm, nguyên nhân khuyết điểm, hạn chế (nhất là phần chủ quan), rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, từ dự báo tình hình những năm tới, dự thảo xác định phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, những nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2022-2027. Số trang viết của Báo cáo chính trị cần vừa phải (cấp cơ sở khoảng 10-12 trang; cấp huyện khoảng 15 trang; cấp tỉnh khoảng 20 trang là vừa). Dung lượng viết giữa phần đánh giá và phần phương hướng cần có sự phù hợp, gần tương đương nhau; tránh tình trạng viết phần đánh giá thì rất dài, nhưng viết phần phương hướng lại quá ngắn, có nơi chỉ bằng 1/3 hoặc bằng 1/4 so với tổng dung lượng toàn bộ dự thảo Báo cáo.
Về dự thảo Báo cáo kiểm điểm của BCH, BTV  không nên đi sâu kiểm điểm cụ thể các nội dung mà dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện (vì như vậy sẽ trùng lắp, dài dòng), mà căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của BCH, BTV, Thường trực Hội đã được quy định trong Quy chế làm việc để đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ yếu về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết Đại hội. Báo cáo tự kiểm điểm cấn làm rõ trách nhiệm của tập thể, trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan.
 Hai dự thảo trên được gửi xin đóng góp ý kiến của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên để bổ sung, hoàn chỉnh thêm dự thảo trước khi báo cáo thông qua cấp ủy và tổ chức Hội cấp trên. Do đó cần triển khai chuẩn bị sớm mới bảo đảm được tiến độ (từ bước nghiên cứu văn bản, viết đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, viết toàn văn, viết rút gọn, các lần xin ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh).
Đối với các văn kiện dự thảo của Hội cấp trên đưa về, các cấp Hội cần quán triệt, phổ biến, định hướng nội dung để tổ chức Hội và hội viên nghiên cứu, tham gia đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng cao; tránh tình trạng không có ý kiến hoặc ý kiến đơn giản, chung chung, thiếu sức thuyết phục.
4/ Lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác nhân sự Đại hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội là bầu được Ban Chấp hành và đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Hội có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm, sức khỏe, tâm huyết, nhiệt tình công tác Hội. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ Hội nhiệm kỳ 2022-2027, từng cấp Hội phải xây dựng Đề án nhân sự Đại hội nhiệm kỳ 2022-2027. Để có được một dự thảo Đề án nhân sự có chất lượng, BCH, BTV và Thường trực các cấp Hội nhiệm kỳ 2017-2022 cần nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy và của Hội; thực hiện chặt chẽ quy trình “5 bước” theo Hướng đẫn của Trung ương Hội và Thường trực Hội CCB tỉnh về giới thiệu nhân sự Ủy viên BCH các cấp Hội. Công tác nhân sự của Đại hội phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, dân chủ, công khai; lựa chọn, giới thiệu, đề xuất để Đại hội bầu được một BCH gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu, xứng đáng với sự tin cậy của cấp ủy, chính quyền và niềm tin của Đại hội cũng như toàn thể cán bộ, hội viên trong tổ chức Hội. Không vì nể nang, cục bộ, mà đơn giản, chủ quan, dẫn đến những sai sót trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội.
Đồng thời với việc chuẩn bị nhân sự BCH và cán bộ lãnh đạo các cấp Hội; các nhân sự về giới thiệu bầu đại biểu đi dự Đại hội cấp trên; nhân sự giới thiệu để bầu tham gia đoàn Chủ tịch, Thư ký Đại hội; bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu; bầu Ban Kiểm phiếu cũng phải được nghiên cứu, lựa chọn kỹ, đủ điều kiện, khả năng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Chống mọi biểu hiện đơn giản, xem nhẹ, chỉ tập trung vào các nhân sự chủ chốt, còn các nhân sự khác thì “không quan trọng”, chuẩn bị không chu đáo, nên có khi vì những điều này mà ảnh hưởng không tốt đến kết quả Đại hội.
5/ Tổ chức tốt phong trào thi đua chào mừng Đại hội.
Năm 2021 và năm 2022, cùng với việc chuẩn bị và tiến hành Đại hội Hội CCB các cấp; các tổ chức Hội tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2017-2022. Do đó các cấp Hội cần rà soát lại việc thực hiện nghị quyết Đại hội, xem những mục tiêu, chỉ tiêu nào chưa đạt hoặc đạt còn thấp, từ đó có kế hoạch “tăng tốc”, tập trung đột phá, tạo được kết quả nổi trội, ghi “dấu ấn của nhiệm kỳ”.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “CCB gương mẫu”, gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và cả nước, động viên cán bộ, hội viên phát huy tốt bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống CCB “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”, nổ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội đã đề ra. Ngoài các mục tiêu chung, căn cứ vào tình hình cụ thể và thời điểm Đại hội từng cấp, các đơn vị cần tổ chức các đợt thi đua “đột kích”, “cao điểm” trong một thời gian nhất định, đột phá vào những chỉ tiêu, nhiệm cụ trọng tâm, chủ yếu, xây dựng nhiều mô hình, điển hình, nhiều công trình, sản phẩm mới chào mừng Đại hội.
6/ Tiến hành Đại hội đúng nguyên tắc, quy chế, đạt chất lượng cao.
Các dự thảo văn kiện và công tác nhân sự Đại hội được chuẩn bị công phu, nhưng công tác tổ chức, điều hành không tốt thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của Đại hội. Công việc này liên quan đến nhiều nội dung, quy chế, quy định cụ thể và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các nhân sự được phân “vai”  trong suốt quá trình diễn ra Đại hội.
Nội dung của Chương trình Đại hội ở các cấp Hội (phiên Trù bị và phiên Chính thức) được xác định trong Hướng dẫn của Trung ương Hội và Thường trực tỉnh Hội. Các cấp Hội cần cụ thể hóa, định lượng thời gian của từng việc, phân định cho từng người, từng bộ phận đảm nhiệm. Mặt khác, cần chuẩn bị chu đáo “Kịch bản Đại hội” nhằm khâu nối các nội dung, các công việc của các bộ phận, các cá nhân, để điều hành thực hiện Chương trình Đại hội một cách trật tự, thống nhất, thông suốt từ lúc khai mạc đến lúc bế mạc. Có được “Kịch bản” rồi, thì phải tự thục luyện theo các “vai”, khớp nối các công đoạn, thậm chí tập thử (nhất là các đồng chí dự kiến tham gia đoàn Chủ tịch Đại hội), qua đó rút kinh nghiệm, để khi ra Đại hội tránh được sự bị động, lúng túng. Phương pháp điều hành phải thật sự chủ động, tập trung, theo đúng nội dung Chương trình và “Kịch bản” đã xác định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể xảy ra những điều không mong muốn, ngoài “Kịch bản”. Vì vậy, Ban tổ chức và đoàn Chủ tịch Đại hội cần có dự kiến, để chủ động có “phương án” giải quyết phù hợp, bảo đảm cho Đại hội diễn ra nghiêm túc, đạt được mục đích yêu cầu đề ra./.
                                                                                                                                                                 Nguyễn Ngọc Trân
                                                                                                                                                          Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh


 

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Trân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây