Ông Hồ Viết Chất sinh năm 1947 ở thôn Khe Choăng, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, nhập ngũ năm 1965 tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam và Tây Nguyên, nơi Mỹ đã trút hàng trăm tấn chất độc Dacam/dioxin. Vợ chồng ông Chất có 4 người con, nhưng đứa con trai thứ 2 Hồ Viết Vượng bị di chứng nặng hơn so với anh cả và 2 em. Anh trai và 2 em của Vượng bị di chứng da cam, nhưng còn nhẹ hơn, tuy nhiên cũng không tránh khỏi khi trái gió trở trời. Anh trai và 2 em đã yên bề gia thất, còn đối với Vượng đôi chân tuy cử động được nhưng 2 bắp chân không bình thường, héo hon, teo tóp từ bắp chân đến cả 2 bàn chân. Sinh năm 1976, mà phải bồng bế đến gần 5 năm (1980) mới chập chững tập đi. Mọi sinh hoạt đi lại, Vượng đều phải nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Sáng sớm đưa con đi học, trưa đón con về; đằng đẳng suốt hơn 10 năm trời không được bay nhảy như bạn bè cùng trang lứa. Cố gắng hết sức mới cho Vượng học hết lớp 9 phổ thông.
Thương bố mẹ, đau bản thân, nhưng trong sâu thẳm Vượng luôn có một khao khát chảy bỏng là làm sao để có cuộc sống gia đình như anh và các em là có vợ, có một gia đình nho nhỏ và để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội…
Bằng quyết tâm, nghị lực, Vượng đã nhờ anh và bố mẹ xin được đi học sửa chữa điện tử - điện lạnh tại trường nghề ở thị trấn Con Cuông cách xa nhà gần 20 cây số. Cứ mỗi tuần vào buổi chiều thứ 7 anh trai Vượng lại đi đón về nghỉ ngày chủ nhật, sáng thứ 2 lại theo anh đến trường ở nội trú. Gần 2 năm tốt nghiệp ra trường trở về nhà, bố mẹ và anh trai xoay sở vay mượn được ít vốn mở ki ốt làm nghề dịch vụ, mua bán, sửa chữa, thay thế linh kiện điện tử - điện lạnh. Buổi ban đầu làm nghề còn gặp nhiều khó khăn, dần dần khách hàng lui tới ngày càng đông, vì tin tưởng tay nghề của Vượng. Anh chia sẻ: “Được bố mẹ, anh em bạn bè làng xóm giới thiệu nhiều người đã đưa quạt điện, ti vi đến sửa chữa. Sản phẩm đầu tiên mà em tự khắc phục sửa chữa, thay thế được tiền công lãi 10.000 đồng. Kết quả ngày đầu làm việc được 40.000 đồng mà mừng đến rơi nước mắt...”
Những nỗ lực, cố gắng và thái độ phục vụ niềm nở với khách hàng của Vượng cũng được đền đáp bằng sự cảm mến, thương yêu, của khách hàng từ các bản làng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, thôn xóm khắp nơi trong xã, trong huyện. Đặc biệt là có cô giáo mầm non Nguyễn Thị Ý người ở miền xuôi lên miền núi công tác, đã phải lòng anh chàng Vượng và điều kỳ diệu tình yêu đến với họ. Thế rồi, năm 2003 gia đình 2 bên nhà trai, nhà gái tổ chức lễ thành hôn cho đôi uyên ương. Năm 2004 vợ sinh con gái đầu lòng, đến nay cháu đã học lớp 11 chuẩn bị lên học lớp 12. Năm 2010 sinh con gái thứ 2, nay cháu đang học lớp 5 chuẩn bị lên lớp 6. Đời sống kinh tế gia đình có thu nhập ổn định, đến nay vợ chồng đã xây dựng nhà cửa khang trang và mua được xe ô tô 4 chỗ ngồi. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lộc Thanh Long, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, đồng thời là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Châu Khê cho biết: “Hiện nay Vượng đang có dự định đầu tư nâng cấp phát triển ki ốt điện tử - điện lạnh của gia đình với mục tiêu: Từ nay đến năm 2025 nâng mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng lên 6-7 triệu đồng/tháng. Đó là khát vọng sống với ý chí vươn lên trong nỗi đau da cam/dioxin”.
Bài và ảnh: LƯƠNG ÁNH SAO