Vâng, đúng vào mùa hè năm ấy, năm 1971 tại quê hương Diễn Châu, Nghệ An. Hàng trăm học sinh tuổi 17,18 chúng tôi đã xếp bút nghiên tình nguyện đi Bộ đội, chiến đấu giải phóng miền Nam. Những ngày đầu của một tân binh có biết bao là bỡ ngỡ, nỗi nhớ nhà da giết, nhớ trường, nhớ bạn bè, nhưng ở đó có tình đồng đội như anh em ruột thịt. Cuối năm đó chúng tôi đã có mặt ở các trận địa bên kia bờ sông Bến Hải. Chiến tranh và chiến trường ở Quảng Trị khi đó thật ác liệt. Cái sống, cái chết chỉ cận kề trong gang tấc, nhưng tất cả với một lòng quyết tâm ra mặt trận để giải phóng quê hương. Chiến trạnh, cả dân tộc mất mát đau thương, còn mình được về với đời thường hôm nay là lớn lắm, được tất cả. Tôi tự thấy mình có quyền được tự hào, được chứng kiến những vinh quang từ những nội đau của đất nước.
Sự hồi sinh của đất nước, quê hương hôm nay như lời tri ân cho những người đã khuất. Từ Bộ đội Cụ Hồ, những người con gái thanh niên xung phong… cho đến những người mẹ tiễn con ra đi không bao giờ được gặp lại. Tôi tự hào về dân tộc mình, quê hương mình về những gì mình đang có.
Nghĩ tới đây tôi bỗng liên tưởng bài thơ “Đồng đội ơi” của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn. “Đêm giao thừa lạnh lắm/ Chỗ chúng mày lạnh không/ Dâng chúng mày rượu nhạt/ Kể huyên thuyên vài câu/ Tao gọi sao chúng mày không thưa/ Giặc chạy rồi sao cứ thẳng hàng như vậy/ Bia rượu rất nhiều đứng dậy mà vui/ Tao gọi không đứa nào trả lời/ Lạnh trắng một màu da cắt thịt/ Tổ quốc sum vầy chúng mày đâu hết/ Cứ vô hình hay rong – hay chơi”
Chiến tranh đã đi qua 46 năm nhưng nỗi nhớ thương không lúc nào vơi và thầm thì với linh hồn những đồng đội, những người con quê hương mình Diễn Châu, Xứ Nghệ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường đường 9, Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Quảng Trị.
Thời gian đi qua thật nhanh, tôi không giám nói mình đi giữa cuộc đời, nhưng tôi đã đi qua hai phần ba cuộc đời với những chứng kiến về niềm vui của đất nước sau năm 1975. Ai biết đâu rằng, trong niềm vui ấy vẫn còn nhiều nỗi đau. Có nỗi đau khuất chìm trong ký ức, có nỗi đau tan vào đất đai, có nỗi đau hiện hữu mang tên Dioxin. Tôi đã khóc khi nhìn thấy những đứa con của đồng đội cười, tim tôi đau nhói khi thấy chúng quằn quại với những hình dáng không giống người, làm cạn khô nước mắt, vắt kiệt sức lực của bao người mẹ đang sống trong khổ đau, nghèo khó. Cuộc chiến tranh đã cướp đi của dân tộc tôi những điều hạnh phúc nhất. Hôm nay vẫn còn đó những người lính từng qua chiến tranh đang phải chống chọi với bệnh tật, ngồi trên xe lăn mà mắt luôn dõi nhìn về phương xa nơi chiến trường xưa một thời máu lửa. Vâng: Cái thời để nhớ, để thương, để chia sẻ nội đau, nỗi mất mát của đồng đội đã hy sinh. Còn đây, nỗi buồn thật sâu lắng đâu dễ nói nên lời khi mỗi lần chứng kiến sự ra đi của bao đồng đội đều chung một căn bệnh ung thư quái ác được cho là do phơi nhiễm chất độc hóa học Đi ô xin.
Tôi đã nhiều lần được xem những thước phim tài liệu về những người Mỹ sang thăm Việt Nam sau chiến tranh. Họ luôn nói “So rry … So rry...” (Xin lỗi … xin lỗi…). Lời xin lỗi không thể trả lại cho đất nước tôi tuổi xuân của bao chàng trai, cô gái, không thể trả lại cho bao người mẹ già những đứa con, không thể trả lại hình hài bình thường cho những đứa trẻ, mãi mãi chỉ là những đứa trẻ của những cặp vợ chồng đồng đội tôi trở về sau cuộc chiến. Nỗi đau không bao giờ thôi ám ảnh cuộc đời của họ. Nhưng tôi tin rằng, thế hệ chúng tôi, cả thế hệ trẻ sau nữa cũng sẽ chấp nhận lời xin lỗi, bởi chúng ta là người Việt Nam luôn giàu lòng nhân ái, tiếp tục khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Ký ức từ những nỗi đau giai dẳng, tột cùng, cả về thể xác lẫn tinh thần còn đó. Tâm tư, tình cảm của nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn cũng chính là tâm tư của dân tộc ta thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” và chúng ta phải có trách nhiệm với những người đã ngã xuống cho đất nước quê hương hôm nay.
GỌI
Đặng Phi Khanh
Khói trầm quyện sắc phù điêu
Trắng trời ngọn nhớ, tím chiều cô đơn
Bạn còn lặng phía Trường Sơn
Bốn mùa thao thức…mây vờn bóng mây.
Khoảng này chạm với cỏ cây
Nghiêng mình chạm núi, mắt gầy gió sương
Trầm buồn, trầm mặc, trầm thương
Phù điêu lặng lẽ, khiêm nhường dáng mai!
Cuộc đời!
Còn nặng trĩu vai
Ngắm sao
Sao cứ ruổi hoài bóng đêm
Đóm rừng thắp lửa như nêm
Trường Sơn nặng những nỗi niềm tìm nhau…