CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN

Thứ sáu - 06/08/2021 04:32 116 0
Chúng ta đã biết, thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng 8-1945 là xóa bỏ được chế độ thực dân nửa phong kiến ở nuớc ta, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau Cách mạng tháng Tám chúng ta đã tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới, một Nhà nước mang ba đặc trưng nổi bật: Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hồ Chủ tịch và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội  khóa đầu tiên tại Hà nội 05/01/1946
Hồ Chủ tịch và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên tại Hà nội 05/01/1946
Để tiến hành xây dựng, củng cố Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu khi chọn người làm việc ở Ủy ban nhân dân các cấp, phải bảo đảm nghiêm túc bốn tiêu chuẩn: thứ nhất, đó phải là những người làm việc công tâm, trung thành; thứ hai "sốt sắng với quyền lợi dân chúng": thứ ba, có năng lực làm việc; thứ tư, được đông đảo nhân dân tín nhiệm". Người cũng chỉ rõ: "Các Ủy ban nhân dân phải làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của nhân dân, phải tránh những cuộc bắt bớ đánh đập độc đoán, những cuộc tịch thu tài sản không đúng lý. Các Ủy ban nhân dân phải thận trọng hết sức trong việc chi dùng công quỹ, không được tùy ý tiêu tiền vào những việc hoang phí như ăn uống. Các Ủy ban nhân dân có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho nhân dân. Phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó"
          Người rất chú trọng đến việc phát huy tinh thần dân chủ để người dân tự mình có quyền lựa chọn bầu ra những người xứng đáng vào Ủy ban nhân dân các cấp, những người sẽ thay mặt mình nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Sau cách mạng tháng 8/1945 một ngày, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời (3/9/1945), Bác đã đề xuất với Chính phủ nên tổ chức sớm cuộc bầu cử trong cả nước: "Tất cả mọi người dân Việt Nam, không kể trai hay gái, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo... đều có quyền ứng cử và bầu cử. Tổng tuyển cử là một dịp để toàn thế quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Đấy là cuộc bầu cử tự do, bình đẳng, dân chủ, đoàn kết để nhân dân bầu ra Quốc hội, tiếp đó Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, do đó Chính phủ thật sự là Chính phủ của nhân dân”.
Để bảo đảm thực hiện quyền dân chủ thật sự của nhân dân, Người yêu cầu phải quản lý đất nước, quản lý xã hội bằng hiến pháp và pháp luật: “Trước năm 1945, nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Từ nay, chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ". Trong hoàn cảnh Cách mạng tháng Tám mới thành công, tình hình thù trong giặc ngoài đang rất căng thẳng, việc Quốc hội thông qua Hiến pháp ngày 9/11/1946 được coi là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước công nông: "Hiến pháp là thành quả vẻ vang của Cách mạng đuợc xây dựng trên các nguyên tắc: đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, trai gái, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, thực hiện chủ trương chính quyền là của nhân dân". Đúng như vậy. Mở đầu, Hiến pháp khẳng định: "Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam". Trong Hiến pháp có đến 11 điều (từ điều 6 đến điều 16) quy định rõ các quyền lợi của công đân trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v.. Những quy định đó thể hiện rõ ràng bản chất của Nhà nước công nông là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, những quy định ấy mang tính chất dân chủ, tính cách mạng sâu sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến vấn đề trau dồi đạo đức, tính cách, phẩm chất, năng lực của những người làm việc trong các Ủy ban nhân dân. Người thường xuyên nhắc nhở các cán bộ Ủy ban nhân dân phải tích cực học tập, thường xuyên tự phê bình, tự rèn luyện, tự giáo dục bản thân mình để nêu gương sáng cho quần chúng nhân dân học tập và noi theo: "Phải luôn luôn nhớ rằng tất cả các cán bộ, nhân viên Chính phủ từ Trung ương đến địa phong đều là công bộc của dân. Dân bầu mình ra là để làm việc cho dân chứ không phải cậy thế với dân. Ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Không được lấy của công dung ào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Không được làm mất lòng tin của nhân dân và uy tín của Chính phủ”.
76 năm đã trôi qua, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, vì dân, do dân vẫn còn nguyên giá trị. Hiện nay, Đảng ta kiên trì định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Nhà nước ta là Nhà mước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, là Nhà nước chăm lo phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân" (Trích Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng). Nguyên tắc ấy là sự tiếp tục vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân trong chặng đường lịch sử mới.
                                                                                                                                                                         LÊ NAM










 

Tác giả bài viết: Lê Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây