Ngay từ đầu UBND xã, khi hỏi về ông ai cũng biết, có người còn nói theo cách dân giã là từ đây đến nhà ông Tứ đi độ khoảng " hai quảng dao quăng ". Thế nhưng "hai quảng dao quăng" của người dân nơi đây dài tới hai cây số. Qua hai cánh đồng, ba ngọn đồi thoai thoải mới đến nhà ông. Vừa vào đến sân, nghe tiếng người lạ, ông ngửng đầu lên và nói: " Ai đến đó, đồng đội cũ phải không?. Đó là câu nói luôn thường trực của người Cựu chiến binh mù Nguyễn Quang Tứ ở xóm Bạch Ngọc, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông mù hai mắt do di chứng của chất độc da cam trong chiến tranh để lại.
Trong căn nhà ngói 3 gian nhỏ nhắn, thấp lè tè, ông vừa mò mẫm rót nước vừa kể chuyện, bà ngồi bên thỉnh thoảng góp chuyện cho vui. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tháng 5 năm 1974, ông Tứ xung phong đi Bộ đội giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong giai đoạn ác liệt. Sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, ông được biên chế vào Đại đội 20, Lữ đoàn 219, Quân đoàn 2 chiến đấu ở Mặt trận Thừa Thiên Huế. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở Mặt trận Xuân Lộc, đây là mặt trận ác liệt nhất trên đường tiến vào Sài Gòn. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đơn vị ông lại hành quân sang Căm phu chia chiến đấu giúp bạn thoát khỏi ách diệt chủng. Giải phóng Căm phu chia đơn vị ông lại hành quân thần tốc bằng máy bay lên bảo vệ biên giới phía Bắc. Dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu, ông Tứ đã được cấp trên tặng hàng chục Bằng, giấy khen các loại, được kết nạp Đảng ngay tại trận địa. Tháng 11 năm 1979, do sức khỏe yếu, ông được phục viên. Về quê, ông kết duyên với bà Trần Thị Bình quê ở xã Thanh Lâm. Trong quá trình chung sống, ông bà sinh hạ được 4 người con gồm 3 gái một trai. Hiện con cái ông đã có gia đình và sinh cho ông bà được 9 người cháu nội và ngoại.
Lúc mới phục viên về quê , với bản chất " Anh bộ đội cụ Hồ", người Đảng viên đã kinh qua lửa đạn trong chiến tranh, ông luôn đi đầu trong mọi công tác, năng nổ nhiệt tình ông trở thành nhân tố mới cho thế hệ trẻ noi theo. Thế nhưng ở đời không ai đọc hết chữ "ngờ", " Người tính không bằng trời tính''. Đang nhiều ước mơ hoài bão phía trước thì hai mắt ông mờ dần và mù vĩnh viễn mặc dù gia đình đã đưa ông đi điều trị khắp nơi. Bản thân mù lòa, đi lại khó khăn, ông xin nghỉ sinh hoạt Đảng. Những năm 2.000 trở về trước nhà nước chưa thực hiện chế độ ưu đãi Người hạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh. Mặc dù bị mù lòa nhưng ông Tứ vẫn không có chế độ gì nên cuộc sống của ông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Thời những năm 1990 trở về trước, cả nước đều nghèo, Nghệ An cũng nghèo, nhưng có lẽ xã Thanh Xuân là một trong những xã nghèo nhất thời đó. Ở vùng quê "Chiêm khê, Mùa thối". Bữa ăn hàng ngày là dàn đồng ca " Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa'' . Đất Thanh Xuân cằn cỗi, lúa làm một vụ, ăn cả năm thì đói là lẽ đương nhiên. Ngày nay, làm ruộng đã có máy móc thay thế sức người nhưng thời đó thì "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Chồng cày bừa, vợ gánh phân, cấy lúa. Còn ông Tứ việc làm đồng là không thể vì ông mù lòa. Nhưng để giảm bớt khó khăn cho vợ, ông bảo vợ vác cày, lùa trâu ra ruộng. Đến ruộng, bà cải trâu, ông xuống ruộng cày. Nhìn ông mò mẫm, bước thấp, bước cao theo sau đuôi trâu trông thật tội. May thay, con trâu nhà ông cũng biết "thương người" lúc đến đầu bờ nó đều dừng lại để ông trở cày. Nói là cày cho "oai" nhưng ruộng ông cày, bà phải đào lại hơn một nửa. Ông đi bừa , nhổ mạ, dọn dường việc gì cũng làm. Người khỏe mạnh làm một buổi là xong, ông mù lòa, yếu đuối, thì làm hai buổi. Sự chịu thương chịu khó của ông đã là nguồn động viên giúp bà vượt qua khó khăn. Năm 2001, thực hiện Thông tư 17/2000 của Liên bộ LĐTB&XH, Bộ tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ đối với Người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, ông Tứ đã được hưởng chế độ trợ cấp mức 100.000 đồng / tháng. Đến nay qua nhiều lần điều chỉnh, chế độ ưu đãi của ông là 3.703.000 đồng/ tháng. Ông nói, tôi được như vậy là may mắn lắm rổi vì có bao nhiêu đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại tuổi hai mươi trên khắp các chiến trường. Nói đến đây mắt của người lính mù ngấn hai dòng lệ.
Người lính mù, cho dù làm gì, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mỗi khi nghe tiếng gọi ông đều ngửng lên và nói; "Ai gọi đó ! Đồng đội cũ phải không ?.". Để hiểu thêm về người CCB này, Tôi đã gặp ông Bùi Xuân Anh, nguyên Bí thư Đảng ủy, hiện là Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, người cùng xóm với ông Tứ, được ông cho biết: Do hoàn cảnh mù lòa nên ông Tứ đã xin tổ chức nghỉ sinh hoạt Đảng nhưng cho dù làm gì, hoàn cảnh nào ông luôn giữ phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, người thương binh tàn nhưng không phế, đặc biệt là nỗi niềm luôn nhớ về đồng đội cũ trong chiến tranh - Một thời và mãi mãi.
Chào ông ra về, tôi xin phép chụp một kiểu ảnh, nhìn nét mặt rạng rỡ của ông bà tôi xin tặng bốn câu thơ; "Đất nước của ba miền cày cuốc/ Có giặc là đi, chiến đấu đến cùng/ Khi trở về thanh thản chẳng kể công/ Sống chân chất giữa dòng đời bình dị."
Bài và ảnh: HỮU MAI