Doanh nhân Lê Mạnh Hải Người CCB nặng lòng với đồng đội

Thứ năm - 10/06/2021 21:00 188 0
Là cựu chiến binh của Sư đoàn 320, Người "Thương binh tàn nhưng không phế" nay tuổi đã cao lại mang trong mình nhiều bệnh tật. Thế nhưng Doanh nhân, Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải vẫn luôn yêu đời, yêu người, sống nhiệt thành và đầy trách nhiệm với xã hội, cống hiến hết sức mình cho quê hương đất nước. Đặc biệt đối với những đồng đội đã ngã xuống vì tương lai tươi sáng của dân tộc, ông luôn dành một tình cảm hết sức đặc biệt, trĩu nặng nghĩa tình.
Doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải (bên phải) cùng các CCB trong ngày hội gặp mặt truyên thống
Doanh nhân CCB Lê Mạnh Hải (bên phải) cùng các CCB trong ngày hội gặp mặt truyên thống
         Truyền thống một gia đình "Danh gia vọng tộc"
      Ông Lê Mạnh Hải là con thứ của ông Phú Nguyên một nghệ nhân kim hoàn nổi tiếng ở  Vinh từ những năm trước cách mạng. Theo sách "Vinh Xưa" ghi lại: Ông Phú Nguyên tên húy là Lê Văn Sợi, quê ở làng Tức Mạc, Lộc Vượng (nay là phường Lộc Vượng) thành phố Nam Định. Sinh thời, gia đình ông nghèo, ông phải đưa cả nhà vào Vinh lập nghiệp. Vào Vinh nơi "Đất khách quê người" ông  lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lâm  (bà Phú Nguyên) và sinh được 3 người con trai. Dân gian có câu "Tam nam bất phú, ngũ nữ bất bần". Để đủ ăn cho 3 người con, ông Sợi và 3 người con  ngoài làm thuê kiếm sống họ còn học nghề và làm thợ kim hoàn cho hiệu vàng Bảo Nguyên, một hiệu vàng lớn ở ngã tư chợ Vinh. Cả mấy anh em con cụ Sợi đều chăm chỉ và sáng dạ, sớm trở thành những người thợ bạc giỏi của hiệu vàng Bảo Nguyên. Khi đã trưởng thành, cả gia đình cụ Sợi lần lượt xin ông chủ cho ra mở hiệu vàng riêng để lập nghiệp. 
        Lúc mới ra ở riêng, ông Sợi vào Sài Gòn làm thuê một thời gian, sau đó trở về Vinh lập hiệu vàng và đặt tên là Phú Nguyên. Phú là phú quý, Nguyên là nhớ tới công ơn dạy dỗ của ông chủ hiệu vàng Bảo Nguyên. Từ khi thành lập đến những năm 1940 của thế kỷ XX, hiệu vàng Phú Nguyên đã nổi tiếng trong thành phố Vinh và cả khu vực Thanh -Nghệ -Tĩnh về chất lượng và sự tinh xảo của hãng kim hoàn.  Cụ Sợi từ một người làm thuê, thành ông chủ cửa hàng và  đã trở thành Nghệ nhân, một Doanh nhân thành đạt. Cách mạng Tháng Tám thành công, với tư cách người chủ của một đất nước tự do độc lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc phát động Tuần lễ vàng ủng hộ chính phủ. Hiệu vàng Phú Nguyên là một trong 3 hộ gia đình ở Nghệ An ủng hộ nhiều vàng và tiền nhất cho Chính phủ kháng chiến. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ Phú Nguyên đã ủng hộ kháng chiến 3 chiếc xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ còn trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ xe thồ trong chiến dịch. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ, gia đình cụ Phú Nguyên chuyển về vùng nông thôn sơ tán, mình cụ ở lại bám trụ thành phố để tham gia sản xuất và phục vụ chiến đấu. Phong trào hợp tác hóa, cụ Phú Nguyên gia nhập HTX xe đạp Toàn Thắng (sau đổi thành HTX Rạng Đông).HTX  sản xuất và gia công các loại phụ tùng xe đạp phục vụ nhu cầu trong thời chiến.  Dưới đôi bàn tay cần cù và khéo léo, cụ đã biến những mảnh xác máy bay Mỹ thành các sản phẩm như: Ghi đông, đèo hàng, vành xe, chắn bùn, chắn xích…xe đạp nổi tiếng thời đó. Cụ còn biến những miểng vỡ bom bi thành những chiếc lược tinh xảo để các anh bộ đội tặng cho các nữ thanh niên xung phong.  Dưới đôi bàn tay tinh xảo, khéo léo của Nghệ nhân kim hoàn, cụ đã chế tác những mảnh vỡ xác máy bay Mỹ thành các tác phẩm nghệ thuật như: Bức điêu khắc Tượng Bác Hồ gò nổi, Nhà quê ngoại Bác Hồ, Chùa Một Cột... Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc,cả gia đình cụ Phú Nguyên đã tham gia kháng chiến. Lê Mạnh Hải mới 16 tuổi, tham gia dân quân tự vệ trực chiến của xí nghiệp cơ khí Việt Cường. Vợ cụ Phú Nguyên bà Nguyễn Thị Lâm là cán bộ quản lý của Công ty dược phẩm Nghệ An. Cả gia đình cụ Phú Nguyên  từ cụ đến con trai, con dâu đã sát cánh cùng nhau tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Thành phố Đỏ anh hùng.
        Người lính " vào sinh ra tử" trong chiến tranh
      Năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt, chàng thanh niên con nhà "gia thế" ở Vinh - Lê Mạnh Hải đã gạt mọi ' Vinh hoa phú quý" của hiệu vàng  sang một bên để viết đơn xung phong lên đường bảo vệ tổ quốc. Vào bộ đội, sau 3 tháng huấn luyện, anh được biên chế vào Sư đoàn 320 A, Đại Đoàn Đồng Bằng - là quân chủ lực của Bộ. Anh cùng đồng đội trải qua bao mưa bom bão đạn, gian khổ, ăn đói, mặc rét nơi rừng thiêng nước độc, tham gia những trận chiến đấu sống mái với kẻ thù. Anh đã từng tham gia chiến dịch xuân hè 1972 với các trận đánh nổi tiếng ở cao điểm 1015, 1049 góp phần cùng toàn mặt trận giải phóng Đắc Tô -Tân Cảnh, giải phóng được một vùng rộng lớn Tây Nguyên, tạo đà cho những trận đánh hiệp đồng binh chủng sau này của quân giải phóng trên toàn mặt trận Tây Nguyên. Năm 1973 - 1974, trên mặt trận Gia Lai anh tham gia các trận đánh: cụm cứ điểm Chư Bồ - Đức Cơ, căn cứ Chư Nghé, Làng Siêu, Thanh An, Bàu Cạn và đường 14 kéo dài....góp phần mở rộng vùng giải phóng và thông tuyến hành lang vận chuyển chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
     Trong chiến dịch lịch sử 1975 anh tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên giải phóng Buôn Mê Thuật, tham  gia các trận đánh: Cheo Reo, Phú Bổn, anh cùng đồng đội truy kích địch trên đường 7, thẳng tiến về giải phóng thị xã Tuy Hòa và một vùng rộng lớn từ Tuy An đến Đèo Cả. Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, anh tham gia đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, theo mũi tấn công của Sư đoàn đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, đánh thẳng vào Dinh độc lập, cùng 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
     Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, mọi người hân hoan về đoàn tụ với gia đình, anh lại cùng đồng đội tham gia chiến dịch đánh trả lực lượng Pôn - Pốt lấn chiếm biên giới Tây Nam. Làm nhiệm vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn giải phóng hoàn toàn Campuchia khỏi ách diệt chủng. Năm 1982, sau 11 năm chinh chiến trên khắp các chiến trường Lê Mạnh Hải được phục viên chuyển nghành về công tác tại Sở công nghiệp Nghệ An và nghỉ hưu năm 2007.
     Doanh nhân Cựu chiến binh nặng nghĩa, nặng tình với đồng đội.
     Với bản chất người lính đã được tôi luyện trong quân ngũ trải qua những trận chiến vào sinh ra tử sống mái với kẻ thù, khi rời quân ngũ về với quê hương, ông Lê Mạnh Hải đã nỗ lực hết mình để lo tròn việc nước, đảm việc nhà. Công ty Phú Nguyên Hải của gia đình ông đã tạo công ăn,việc làm cho nhiều con em đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử. Với ý chí ''Dân giàu, nước mạnh" cán bộ nhân viên công ty và bản thân ông luôn luôn sáng tạo, không ngừng cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc… để đưa công ty ngày càng phát triển, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp văn minh. Trên cương vị là Giám đốc doanh nghiệp, Trưởng ban liên lạc Đại đoàn Đồng bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà tĩnh.Dù bận trăm công nghìn việc nhưng bất kỳ ở đâu lúc nào những ký ức về Tây Nguyên, về Sa Thầy, Sạc Ly, Đen Ta…cũng hiện ra trong trái tim ông. Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" tri ân những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Tây Nguyên năm xưa, ông Hải  cùng các CCB trong Ban liên lạc đã đứng ra khởi xướng xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ ở hai cứ điểm này. Lý giải về ý tưởng, ông Hải xúc động nói;" 20% thân xác tôi là do bố mẹ tôi sinh ra, 80 % là do các liệt sỹ đã giành cho tôi. Tôi sống được đến hôm nay, có gia đình, có vợ con, có Công ty… là do đồng đội đã ngã xuống đùm bọc che chở cho tôi. Tôi năm nay gần 70 tuổi, nhưng đồng đội của tôi nằm lại đây chỉ có một tuổi bất tử: Mãi mãi tuổi 20 ".
      Từ ý tưởng đó, ông Hải và các Cựu chiến binh đã liên hệ và làm việc với tỉnh ủy Kon Tum để xin ý kiến và đã nhận được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh Kon Tum. Khảo sát xong địa điểm, anh cùng các cựu chiến binh già quê ở Nghệ An -Hà Tĩnh đã khăn gói vào chiến trường xưa làm đường,dựng lán, cõng đá, dựng bạt ăn nghỉ, xây nhà bia tưởng niêm tri ân đồng đội.  CCB Lê Mạnh Hải người lính trên chiến trường năm xưa đã cùng với Công ty TNHH Phú Nguyên Hải  do ông làm Giám đốc đã vào cuộc đi dọc thời gian theo công trình từ khảo sát, thiết kế, chỉ đạo thi công, chọn vật liệu, chọn thợ, chọn những gì tốt nhất cho công trình, tất cả vì nghĩa tình đồng đội đã ngã xuống nơi đây.
     Về lại chiến trường xưa,lòng ông rạo rực làm quên đi tuổi tác và bệnh tật.Khi ông cùng anh em trong Công ty và đồng đội triển khai xây nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049, bản thân ông phải mang máy trợ tim, đeo đai bảo vệ cột sống do bị thoát vị địa đệm, mang tất y tế đến đầu gối vì bệnh giãn tĩnh mạch chân..Ở nơi rừng thiêng nước độc, ăn uống thiếu thốn nên bệnh tật trong người ông trỗi dậy, nhưng với trách nhiệm Trưởng ban liên lạc và trên hết là ý chí quyết tâm vì đồng đội, ông đã âm thầm chịu đựng, uống thuốc giảm đau, để cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện với các liệt sỹ. Chỉ khi xây tiếp nhà bia ở Đồng Dù - Củ Chi, ông cảm thấy sức khỏe của mình có vấn đề mới tranh thủ đi khám bệnh và phát hiện ra ông bị  ung thư đại tràng.Âm thầm chịu đựng ông dấu đồng đội và gia đình để ở lại  điều hành xây dựng nhà bia. Khánh thành xong nhà bia ông mới nhập viện. Sau 3 năm miệt mài lao động của các Cựu chiến binh, của cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, một số cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 320, sư đoàn 9, Quân đoàn 4, cộng với hàng tỷ đồng tiền " Mồ hôi nước mắt" đóng góp của gia đình Lê Mạnh Hải, bốn nhà bia tưởng nhớ tri ân đồng đội đã được mọc lên. Tháng 1 năm 2018 hoàn thành nhà bia Chư Bồ, Đức Cơ trị giá 1,3 tỷ đồng. Tháng 5 năm 2018 khánh thành 2 nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049 trị giá 3,6 tỷ đồng. Tháng 4 năm 2019 hoàn thành nhà bia Đồng Dù ở Củ Chi trị giá 3,2 tỷ đồng. Ngoài công sức đóng góp của các Cựu chiến binh, nguồn kinh phí trên còn được các CCB sư đoàn 320 A đóng góp 450 triệu đồng. Gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến ủng hộ 450 triệu. Còn lại hơn 7 tỷ đồng do Doanh Nhân CCB Lê Mạnh Hải đóng góp.
    . Hiện nay công trình nhà bia Chư Bồ -Đức Cơ và 1049, 1015 đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Địa danh này hàng năm được địa phương chọn ngày 21/4  làm ngày lễ hội ( Giổ trận) để nhân dân cả nước đến thăm viếng, tri ân những người con của tổ quốc đã ngã xuống vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
      Phòng làm việc của ông Hải cũng là phòng truyền thống, phòng họp mặt của anh em CCB Đại Đoàn Đồng Bằng Sư đoàn 320 tại Nghệ An-Hà Tĩnh.Ông Hải đã được đồng đội tin tưởng bầu làm Trưởng Ban liên lạc truyền thống, được các tướng lĩnh tiến cử tham gia vào Thường trực Ban liên lạc cả nước và Ban Chiến tích chiến trường Tây Nguyên.
    Thật may mắn ngày 6/10/2020 kỷ niệm ngày thành lập Hội CCB Việt Nam,tình cờ tôi được "mạn phép" ngồi dự buổi sinh hoạt truyền thống của Ban liên lạc tại phòng truyền thống trong Công ty TNHH Phú Nguyên Hải. Nhìn những kỷ vật trong chiến tranh,những nhân chứng sống ,những CCB già đã đi qua cuộc chiến, tôi mới hiểu hết những khí phách hào hùng của các anh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bất chợt tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: " Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất / Sống hiên ngang bất khuất trên đời / Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi ." Vâng các anh là những chàng Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi. Niềm tự hào của các anh là niềm tự hào của một thời đại; Thời đại Hồ Chí Minh và trong hàng ngàn bông hoa thời đại Hồ Chí Minh có niềm tự hào kiêu hãnh của Cựu chiến binh Doanh nhân Lê Mạnh Hải - Người thương binh tàn nhưng không phế - Doanh nhân -Người lính luôn nặng tình nặng nghĩa với đồng đội, luôn khóc khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh.
                                                                                                                                                Bài & ảnh:
                                                                                                                                         Nguyễn Hữu Mai
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây