Những mô hình đã từng nổi tiếng khắp cả nước như Doanh nghiệp Gạo thảo dược của CCB Phan Văn Hòa ở xã Vĩnh Thành; Công ty Mây tre đan xuất khẩu của TăngTiến Huỳnh ở xã Thọ Thành; Công ty cung ứng vật liệu xây dựng của Phan Văn Hải ở xã Vĩnh Thành; Doanh nghiệp thức ăn gia súc gia cầm của Nguyễn Công Hải ở xã Văn Thành; gia trại kinh tế tổng hợp của Đào Thị Thoa ở xã Lăng Thành...v..v. Điều đáng nói là các mô hình kinh tế của CCB không những luôn giữ vững sản xuất mà còn bứt phá vươn lên trong mọi khó khăn.
Tại Hội nghị thi đua “CCB sản xuất kinh doanh giỏi” năm 2020, Hội viên CCB huyện Yên Thành đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp Trung ương có 5 đồng chí; cấp tỉnh có 41đồng chí; cấp huyện có 136 đồng chí và có hàng trăm hội viên đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp xã. Sau lễ phát động “CCB Yên Thành thi đua SXKD giỏi” tại Hội nghị này, nhiều trang trại, gia trại với cách làm sáng tạo, độc đáo đã liên tục xuất hiện như: “Nhà nuôi thỏ thông minh” của CCB Hoàng Văn Tuấn ở xã Nam Thành;“Đồng sen” của CCB Nguyễn Văn Lưu ở xã Phúc Thành; khu kinh tế sinh thái của CCB Thái Viết Phùng ở xã Khánh Thành và gần đây nhất là mô hình “Cua đồng tự nhiên” của CCB Nguyễn Văn Nhân ở xã Đức Thành.
Phải nói rằng, những CCB trên quê hương Yên Thành không những anh dũng, kiên cường, mưu trí, dũng cảm, quyết đánh và quyết thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, mà khi hòa bình lập lại họ trở về quê hương vẫn nguyên vẹn dũng khí, can trường, tự lực tự cường, cần cù sáng tạo để vượt qua mọi khó khăn thử thách vươn lên làm giàu chính đáng; họ luôn giữ vững phầm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ” để đồng tâm dốc sức, hiến của, hiến công, hiến tài sản cùng toàn đảng, toàn dân xây dựng Nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh làm cho Yên Thành ngày càng giàu đẹp.
Một ngày cuối tháng 10 năm 2020, tôi rong ruỗi đi thăm một số mô hình kinh tế mới ở các xã phía bắc của huyện Yên Thành, ngoài “Ốc bươu đen”; “Nuôi bò sinh sản”… tôi tò mò về một mô hình mới “Nuôi cua đồng tự nhiên” của CCB Nguyễn Văn Nhân ở xóm một, xã Đức Thành.
Sinh năm 1969, nhập ngũ tháng 3 năm 1988, xuất ngũ về địa phương tháng 3 năm 1991, vào Hội CCB tháng 6 năm 2014; với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó, có ý chí và giàu nghị lực, lại được học tập, rèn luyện hơn 3 năm trong môi trường Quân đội; thêm vào đó Nguyễn Văn Nhân lại được “Trời, đất ưu ái” cho một vóc dáng cao, to cân đối với sức khỏe dồi dào. Ngay từ nhừng ngày đầu mới về địa phương, anh đã lập nhóm thầu các công trình xây dựng dân sinh trên địa bàn của xã, công việc vất vả ngày đêm nhưng thu nhập không đủ trang trãi cuộc sống hiện tại của gia đình. Năm 2012, anh mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi lươn đồng với quy mô lớn. Tuy nhiên do am hiểu về khoa học kỷ thuật nuôi lươn của anh còn hạn chế, nên việc xử lý bể nuôi sau xây còn sơ sài, cẩu thả, bởi vậy mà vụ thu hoạch đầu tiên của anh thất bại, đến năm 2013 gia đình anh mới có thu nhập từ 40 đến 60 triệu, tuy nhiên công sức bỏ ra vô cùng vất vả và đầu tư cũng rất lớn.
Khó thăn, thất bại không làm nản chí người CCB trên vùng đất thuần nông; năm 2015 với sáng kiến bắt cua đồng về thả ao cho sinh trưởng để gia đình chủ động sử dụng lâu dài. Nhưng anh không ngờ cua đồng sinh trưởng nhanh, gia đình sử dụng không hết, chị Hồng vợ anh đành đem bán cho người dân trong vùng, vợ chồng anh mừng vô cùng vì ngay vụ đầu tiên đã cho thu nhập hơn 9 triệu đồng. Thấy nuôi cua đồng cũng dễ và không vất vả lắm mà lại cho thu nhập cao, vợ chồng anh mạnh dạn đi gom cua đồng còn nhỏ ở các điểm thương lái thu mua mà họ thải ra để đem về thả ao nhà mình. Từ diện tích mặt ao năm 2016 chỉ 300 m2, đến nay diện tích ao của anh đã có hơn 2000 m2 và được anh đầu tư kè bê tông chống cua bò đi và chắn mái bờ dương nhằm chống chuột, ếch, ốc bươu vàng xuống ao ăn cua.
Thành công không phụ lòng người có chí, tháng 4 năm 2020 vợ chồng anh Nhân đầu tư mua hơn 600 kg cua giống với giá 30.000 đồng/1kg. Tháng 5 anh bắt đầu thu hoạch và kết thúc vụ vào cuối tháng 7, vợ chồng anh đã xuất được hơn 980 kg với giá bán sỉ là 120.000 đồng/1kg. Trong khi đó tổng chi phí đầu tư bao gồm giống, thức ăn là gần 30 triệu, như vậy vợ chồng anh Nhân đã thu lãi ròng gần 90 triệu đồng chỉ chưa đầy 6 tháng. Hiện tại dưới ao của anh vẫn còn khoảng 300 đến 400 kg cua đồng anh để dành làm giống cho vụ kế tiếp. Ngoài ra cũng từ việc nuôi cua đồng này mà mỗi năm anh thu nhập thêm từ 10 đến 15 triệu đồng nhờ vào tôm, tép và ốc sót (ốc nút).
Ánh nắng chiều cuối thu sau những ngày dài mưa bão cũng đủ làm cho mặt đường lầy lội từ trang trại của anh Nhân ra đường bê tông xóm một khô hơn. Tôi ngồi phía sau xe máy anh Nhân mà luôn nơm nớp lo sợ bị ngã xuống ruộng vì đường trươn trượt, cuối cùng chúng tôi cũng về tới nhà anh Nhân, chị Hồng pha ấm chè hãng Tân Cương thơm phức, nóng hổi; chúng tôi vừa uống trà vừa nói chuyện về đời lính, về đồng đội, về gia đình. Qua câu chuyện tôi được biết, anh Nhân và chị Hồng sinh được 3 người con. Cô gái lớn đã lấy chồng, cô thứ hai đang làm việc ở Nhật, cậu con trai đang thực hiện Nghĩa vụ quân sự.
Thế mới biết, gia đình CCB Nguyễn Văn Nhân cũng như hàng vạn gia đình CCB huyện Yên Thành luôn sáng ngời phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”. Họ không sợ khổ, không sợ khó; họ luôn có những ý tưởng táo bạo, những sáng kiến đột phá, những ước mơ cháy bỏng được làm việc, được hiến dâng sức lực, trí tuệ và tài năng của mình để làm giàu chính đáng, góp phần đắc lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, nhằm xây dựng quê hương Yên Thành ngày càng văn minh, giàu đẹp, sớm hoàn thành các tiêu chí huyện Nông thôn mới kiểu mẫu trên quê hương Bác Hồ kính yêu./.